TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN Ở HỘI TRƯỜNG VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

27/06/2024

Sáng 27/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 26/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN Ở HỘI TRƯỜNG VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DƯỢC

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Theo chương trình, từ 08 giờ 00 đến 10 giờ 45 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đường bộ; Biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tiếp đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội để cử tri và Nhân dân theo dõi.

8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sáng nay, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Đường bộ; biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

8h02: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ

Trình bày Báo cáo tóm tắt Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, ngày 26/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo số 891/BC-UBTVQH15 về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ gửi Đại biểu Quốc hội. 

Theo đó, về giải thích từ ngữ (Điều 2), có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 6 không rõ, theo đó, người sử dụng đường bộ phải là người tham gia giao thông, là tổ chức, cá nhân, còn người chủ sở hữu khai thác, vận hành đường bộ thì có thể là tư nhân hoặc Nhà nước vì đó là tài sản công. UBTVQH xin báo cáo như sau: Cụm từ “Người quản lý, sử dụng đường bộ” nhằm chỉ 2 nhóm chủ thể gồm: (1) Các cơ quan quản lý đường bộ được giao quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công về kết cấu hạ tầng đường bộ; (2) Chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng đường chuyên dùng, đường trong nội bộ chung cư, trong nhà ga, bến cảng do tổ chức, cá nhân khác là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý. Cụm từ này phù hợp với quy định tại Điều 124, Điều 126 của Luật Xây dựng và pháp luật có liên quan. Trong Luật này, cụm từ “Người quản lý, sử dụng đường bộ” chỉ quy định đối với các hoạt động sử dụng “công trình đường bộ” (bao gồm các công trình phục vụ quản lý, vận hành, khai thác đường bộ), do chủ thể trực tiếp quản lý công trình đường bộ thực hiện, không phải là người tham gia giao thông, vì người tham gia giao thông chỉ sử dụng “đường bộ”. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7), UBTVQH đã chỉ đạo rà soát quy định của Bộ luật Hình sự và nhận thấy, Điều 7 dự thảo Luật Đường bộ và Điều 9 dự thảo Luật TTATGTĐB đã thể hiện đầy đủ các hành vi cấu thành “tội cản trở giao thông đường bộ” tại Điều 261 của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Giải trình, tiếp thu quy định về phân loại đường bộ theo cấp quản lý (Điều 8), tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH xin chỉnh lý, bổ sung điểm d khoản 1 Điều này trên cơ sở sử dụng thống nhất với quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 1 Điều 8 như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua. Đồng thời, để làm rõ trách nhiệm quản lý đường bộ của từng cấp chính quyền địa phương, trên cơ sở pháp luật hiện hành, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 4 Điều này theo hướng xác định rõ trách nhiệm quản lý đường bộ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về việc quản lý đối với các loại đường bộ thuộc địa phương quản lý.

Về cấp kỹ thuật của đường bộ (Điều 10), có ý kiến đề nghị bổ sung đường tốc độ cao để bao quát hết tất cả các loại đường và tổ chức giao thông phù hợp. UBTVQH xin báo cáo như sau: Để xác định bổ sung một loại cấp kỹ thuật đường bộ cần xem xét, đánh giá kỹ và cần xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Mặt khác, đường cấp I đã có thiết kế tối đa tới 120 km/h. Tham khảo quy định của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc không quy định và không có tiêu chuẩn riêng cho đường tốc độ cao. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung cấp đường này trong dự thảo Luật.

Đối với quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 12), tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH thấy rằng, việc quy định cụ thể tỷ lệ đất dành cho đường bộ trong đô thị cần phải phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị; đồng thời phải xem xét trên cơ sở đánh giá toàn diện quỹ đất dành cho các lĩnh vực giao thông khác (đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không). Do đó, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Điều này phù hợp với Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/02/2022 của Bộ Chính trị; đồng thời bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp thực tiễn từng giai đoạn phát triển và tính đặc thù của các loại đô thị. 

Về sử dụng hành lang an toàn đường bộ (Điều 16), khoản 2, khoản 3, có ý kiến đề nghị bổ sung cụ thể các hoạt động cá nhân được thực hiện trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi. UBTVQH thấy rằng, việc sử dụng đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ cần tuân thủ và thống nhất với quy định của Luật Đất đai. Theo đó, tại khoản 3 Điều 16 dự thảo Luật đã quy định trường hợp đất hành lang an toàn đường bộ chưa được thu hồi thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Đất đai và phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH về phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ (Điều 17), UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 2 Điều 17; đồng thời chỉ đạo rà soát quy định của Luật Điện lực và thấy rằng, tại khoản 5 dự thảo Luật Đường bộ và khoản 5 Điều 51 của Luật Điện lực quy định chiều cao của dây dẫn điện đi trên đường bộ chưa thống nhất. Vì vậy, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung này theo hướng không quy định cụ thể chiều cao tối thiểu của đường dây dẫn điện đi trên đường bộ và giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời chỉ đạo bổ sung khoản 4 Điều 84 dự thảo Luật quy định sửa đổi khoản 5, bổ sung khoản 5a Điều 51 của Luật Điện lực và đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá tác động để kiến nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật Điện lực trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. 

Về hoạt động vận tải đường bộ (Điều 56), tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH xin được bổ sung loại hình xe 4 bánh có gắn động cơ vào khoản 5 và các khoản có liên quan tại Điều 56; đồng thời, UBTVQH xin báo cáo bổ sung như sau: Dự thảo Luật đã quy định loại hình xe hợp đồng và xe du lịch thành loại hình xe hợp đồng do hai loại hình này có đặc điểm, tính chất tương đồng về tổ chức vận tải; có phạm vi hoạt động, đối tượng phục vụ và hình thức giao kết hợp đồng giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải tương tự nhau. Khi quy định chung 2 loại hình này thành xe hợp đồng thì vẫn được ưu tiên hoạt động tại các khu vực, điểm du lịch, vận chuyển khách du lịch như quy định hiện hành... Đối với ý kiến đề nghị quản lý chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, UBTVQH thấy rằng các quy định cụ thể sẽ do Chính phủ quy định chi tiết theo khoản 14 Điều này và thực tiễn hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Đối với phí giao thông nội đô, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phí giao thông nội đô áp dụng đối với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị; đồng thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng  đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.

UBTVQH cho rằng, quy định về phí giao thông nội đô không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

8h15: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đường bộ

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Đường bộ bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 447 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 91,98%). Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ.

8h16: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Ngày 26/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo đầy đủ số 893/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB). So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, giữ nguyên số chương và số điều; đã lược bỏ Điều 2 về đối tượng áp dụng và tách Điều 38 thành 02 điều (Điều 37 và Điều 38); tiếp thu, chỉnh lý nội dung và kỹ thuật của 87 điều, giữ nguyên nội dung của 01 điều (Điều 20). 

Về những quy định chung, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, các ĐBQH đã góp ý về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc bảo đảm TTATGTĐB, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cơ sở dữ liệu về TTATGTĐB và các hành vi bị nghiêm cấm... Các nội dung góp ý đều được giải trình, tiếp thu trong dự thảo Báo cáo đầy đủ. 

Về chính sách của Nhà nước về TTATGTĐB, UBTVQH đã chỉ đạo trao đổi với Chính phủ để thống nhất chỉnh sửa quy định này tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Liên quan đến quy định về cấm: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào khoản 5 Điều 87 giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác…

Về quy tắc giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, các ý kiến của ĐBQH góp ý về quy tắc chung và các quy tắc cụ thể đã được thể hiện trong dự thảo Báo cáo đầy đủ. Trong đó, nhiều ĐBQH góp ý về các quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em, về chấp hành tín hiệu đèn giao thông và các ý kiến góp ý về kỹ thuật văn bản đã được UBTVQH chỉ đạo tiếp thu, giải trình phù hợp.

Đối với nội dung về tuần tra kiểm soát; chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, các ĐBQH đã tham gia ý kiến cụ thể đối với quy định về di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ; Trung tâm chỉ huy giao thông; bảo đảm TTATGT đối với trường hợp sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác; trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ; thống kê tai nạn giao thông đường bộ và Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ… “Các ý kiến trên đã được giải trình, tiếp thu toàn diện trong dự thảo Báo cáo đầy đủ”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ. 

Về quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Điều khoản thi hành, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung khoản 4 Điều 88 quy định: “Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành” và bổ sung quy định chuyển tiếp về nội dung này tại khoản 7 Điều 89 dự thảo Luật.

Ngoài các nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa về kỹ thuật văn bản của dự thảo Luật cho phù hợp.

8h31: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 388 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 79,84%). Như vậy, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đoàn chủ tịch biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

8h35: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân

Điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, chiều ngày 19/6/2024, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng không nhân dân. Đã có 67 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật. Ban soạn thảo cũng đã có báo cáo giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các vấn đề như: Hồ sơ dự án Luật đã đảm bảo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật? Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật có phù hợp, có nội dung nào chồng chéo? Về nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân; nhiệm vụ phòng không nhân dân... và các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

Mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội mời đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu.

8h38: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Đề nghị không quy định độ tuổi tối đa tham gia lực lượng phòng không nhân dân

Cho ý kiến về dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định về phòng không nhân dân hiện nay đang được quy định rất nhiều trong các luật chuyên ngành của quân sự. Tuy nhiên, các luật này chưa cụ thể hóa nhiệm vụ của phòng không nhân dân.

Đại biểu đề nghị cân nhắc những quy định huy động phòng không nhân dân, đối tượng này thường là của lực lượng dân quân, tự vệ cơ quan, không phải trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; cần quy định cho phép đối tượng được thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ.


 
Về Điều 3 nguyên tắc hoạt động phòng không nhân dân, đại biểu đề nghị bổ sung vai trò của Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng an ninh thống lĩnh lực lượng vũ trang trong nguyên tắc này cho đầy đủ.

Góp ý vào Điều 4 về chính sách của nhà nước, gồm 5 khoản nhưng khoản 1 đến khoản 3 chưa rõ ràng, đề nghị có điều chỉnh cho phù hợp. Hai khoản còn lại không cụ thể cho từng loại hình chính sách. Quy định như vậy sẽ khó thực hiện cho địa phương khi bổ sung nguồn lực cho phòng không nhân dân.

Về độ tuổi tham gia phòng không nhân dân Điều 14, đại biểu đề nghị quy định tuổi tối thiểu mà không quy định tuổi tối đa, miễn là còn đủ sức khỏe phục vụ, vì đối tượng này làm nhiệm vụ hậu cần là chủ yếu; còn lĩnh vực chiến đấu do lực lượng khác đảm nhiệm. 

Ngoài ra cũng cần làm rõ khái niệm huy động lực lượng là bắt buộc hay động viên tự nguyện, vì luật dân quân tự vệ đã có quy định bắt buộc các đối tượng trong độ tuổi này.

Về thẩm quyền huy động phòng không nhân dân, khoản 2 Điều 15 quy định người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp quyết định huy động nhân lực của tổ chức, doanh nghiệp mình theo đề nghị của ban chỉ huy quân sự hoặc chỉ huy tự vệ; đề nghị làm rõ quy định này có bắt buộc hay không; đối tượng nào quản lý…

8h45: Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Bổ sung đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân. Hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới chỉ có những quy định khung, mang tính nguyên tắc, trong khi đó, thực tiễn đã đặt ra những yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân để đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Cho ý kiến về những nội dung cụ thể trong dự thảo Luật, đại biểu cho biết, Điều 7 của dự thảo Luật, về các hành vi bị nghiêm cấm đã quy định 7 loại hành vi bị nghiêm cấm gồm: Trốn tránh, chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động, hoạt động và thực hiện trách nhiệm tham gia lực lượng phòng không nhân dân; Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; Cung cấp thông tin, chỉ điểm, quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ làm lộ mục tiêu trận địa, kế hoạch, trang bị kỹ thuật, các công trình chiến đấu và phá hoại, làm thay đổi hiện trạng công trình phòng không nhân dân…

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng ngoài 7 hoạt động này, còn nhiều hoạt động khác làm phương hại đến phòng không nhân dân, chưa được dự thảo Luật nhắc tới, cũng chưa được lường trước. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản ở điều này, quy định nghiêm cấm các hành vi khác ảnh hưởng đến phòng không nhân dân theo quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, Điều 28 của dự thảo Luật đã có quy định về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, tuy nhiên, chưa có quy định về hoạt động sản xuất tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định này. 

Ngoài ra, điểm c khoản 2 Điều 29 quy định, người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không. Đại biểu đề nghị cần giải thích rõ cụm từ “có kiến thức về hàng không” với những tiêu chí cụ thể. Theo đại biểu, tiêu chí cần đặt ra là được đào tạo bài bản, có chứng chỉ để đảm bảo an toàn hàng không.

8h50: Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Cân nhắc, xem xét lại phạm vi điều chỉnh 

Cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân (PKND) trên cơ sở những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn mà Chính phủ nêu tại Tờ trình trình Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhận thấy, các nội dung trong dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên. 

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, tại Điều 18 của dự thảo Luật quy định nội dung hoạt động của phòng không nhân dân gồm 11 nội dung và nhận thấy có sự trùng lắp về nội dung với phạm vi điều chỉnh. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại phạm vi điều chỉnh. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị sửa đổi phạm vi Luật chỉ quy định về tổ chức, xây dựng và huy động lực lượng về hoạt động PKND.

Về khoản 4 Điều 28 quy định về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị bổ sung “và Bộ Công an” vào sau cụm từ “ theo quy định của Bộ Quốc phòng” để tương thích với thẩm quyền của Bộ Công an được quy định tại khoản 3 Điều này. Theo đó, Bộ Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý. Vì vậy, việc tổ chức, cá nhân khi thử nghiệm thực tế tính năng bay của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ phải tuân thủ các quy định của Bộ Công an là cần thiết và phù hợp.

Liên quan đến quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến PKND được quy định tại Điều 53, đại biểu đề nghị sửa lại khoản 1 Điều này cho phù hợp. Đồng thời cho biết tại khoản 2 Điều 53 của dự thảo Luật, 2 thuật ngữ “mô hình bay”, “khí cầu” được sử dụng trong dự thảo Luật PKND hiện chưa được giải thích tại một văn bản pháp luật nào khác. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi và quá trình áp dụng Luật thuận tiện, thống nhất,  đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, nên chăng quy định giải thích 2 cụm từ “mô hình bay”, “khí cầu” tại Điều 2 dự thảo Luật này.

8h56: Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai: Tiếp tục rà soát để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh bày tỏ cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Phòng không nhân dân để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận phòng không nhân dân. Theo đại biểu, việc xây dựng và ban hành văn bản Luật sẽ tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở luật hóa quy định tại một số văn bản của Chính phủ, đặc biệt là Nghị định số 74/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về phòng không nhân dân và Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. 

“Các văn bản quy phạm pháp luật này đã được ban hành từ lâu và đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã có nhiều thay đổi. Đồng thời, nhiều nội dung trong dự thảo Luật hiện đang được điều chỉnh bởi các luật có liên quan như Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng… Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm việc ban hành Luật tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật”, đại biểu đề nghị.

Quan tâm đến thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (Điều 28), đại biểu đề nghị làm rõ nội hàm của “kinh doanh” tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; đồng thời, việc quy định “thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm” tại Điều 28 có thuộc nội hàm của “kinh doanh” không. Cùng với đó làm rõ mối quan hệ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong cấp giấy chứng nhận cho cơ sở thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để đảm bảo thống nhất trong quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật, tránh chồng chéo giữa các Bộ.

Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng không nhân dân (Chương VII), đại biểu đề nghị trong Chương này, chỉ cần nhắc quy định trách nhiệm của một số Bộ có chức năng, nhiệm vụ đặc thù về phòng không nhân dân, như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. 

Đối với các Bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận thì chỉ nên quy định những nội dung đặc thù, gắn trực tiếp với phạm vi điều chỉnh của Luật này. Còn các quy định có tính chất chung thì đề nghị cân nhắc vì những nội dung này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công của các Bộ, đã được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và các nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của từng Bộ.

8h59: Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Làm rõ nội hàm về vị trí, vai trò của phòng không nhân dân

Góp ý về nội hàm phòng không nhân dân quy định tại khoản 1 Điều 2, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát bổ sung để làm rõ hơn khái niệm phòng không nhân dân đảm bảo toàn diện, đầy đủ, có tính kế thừa, phát huy và phát triển các quy định về phòng không nhân dân nêu tại Nghị định số 74/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phòng không nhân dân.

Trong đó, làm rõ hơn về nội hàm vị trí vai trò của phòng không nhân dân trong công tác quốc phòng, mối quan hệ giữa xây dựng phòng không nhân dân với xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên mặt trận đối không, nhằm thực hiện phòng tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả các hành động xâm nhập, tiến công đường không của địch, bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung trong định nghĩa về phòng không nhân dân nội dung về quản lý, bảo vệ, sử dụng, khai thác khoảng không tầm thấp dưới 5.000 m, nhằm bao quát đầy đủ, toàn diện nội hàm của phòng không nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Đó là vừa đảm bảo quốc phòng an ninh, vừa tạo điều kiện tổ chức tốt công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn phòng không. Quy định như vậy cũng sẽ góp phần phân định rõ các nhóm đối tượng của phòng không nhân dân thuộc diện phòng ngừa, đấu tranh, chế áp, thậm chí là bắn hạ nếu đe dọa đến quốc phòng an ninh của đất nước và những đối tượng mà phòng không nhân dân quản lý, bảo vệ, khuyến khích vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về khái niệm tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ quy định tài khoản 6 và khoản 7 Điều 2 sự thảo luật, đại biểu đề nghị rà soát tham chiếu các khái niệm quốc tế và một số khái niệm đã được quy định tại các văn bản của Chính phủ để đảm bảo sự thống nhất; phân định rõ về khái niệm và cách hiểu, cũng như khi triển khai thực hiện. Đồng thời, đảm bảo bao quát đầy đủ và phù hợp với tính đa dạng của các loại phương tiện này cũng như dự liệu được sự phát triển mạnh mẽ của các loại phương tiện này trong tương lai, nhất là trong ứng dụng đối với các hoạt động kinh tế - xã hội. Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung một số nội hàm để hai khái niệm này được đầy đủ hơn, bao gồm tính năng vận hành của phương tiện, tự điều khiển bằng hệ thống máy tính lắp sẵn trên phương tiện hoặc được điều khiển từ xa...

Góp ý vào Điều 11 và Điều 12, trong đó lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân bao gồm lực lượng phòng không nhân dân nòng cốt và lực lượng phòng không nhân dân huy động. Tuy nhiên trong dự thảo luận chỉ mới quy định về lực lượng phòng không nhân dân nòng cốt chưa có quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng phòng không nhân dân huy động. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định đối với lực lượng này cho đầy đủ.

Về độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động quy định tại điều 14, đại biểu cho rằng, quy định như vậy là trùng với quy định về độ tuổi của lực lượng dân quân tự vệ trong khi về tính chất của lực lượng phòng công nhân dân huy động có sự khác biệt so với lực lượng dân quân tự vệ. Do vậy, đại biểu đề nghị rà soát kỹ hơn quy định này để đảm bảo phát huy tối đa sức mạnh phòng quân nhân dân; đồng thời bổ sung quy định về thời hạn thực hiện tham gia nghĩa vụ thực hiện phòng không nhân dân huy động cho phù hợp với quy định tại Luật Dân quân tự vệ...

9h05: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước; cụ thể hóa hiến pháp năm 2013 và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân. Dự thảo Luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các văn kiện về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng khu vực phòng thủ trong tình hình mới.

Góp ý về giải thích từ ngữ (Điều 2), đại biểu đề nghị làm rõ hơn, trọng lượng tàu bay bao nhiêu thì được gọi là tàu bay siêu nhẹ; giải thích bổ sung các cụm từ sau: hoạt động phòng không nhân dân; Trọng điểm phòng không nhân dân; lực lượng phòng không nhân dân nòng cốt; lực lượng phòng không nhân dân huy động; Khu vực vành đai an toàn…

Về trọng điểm phòng không nhân dân (Điều 6), đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần phải có tiêu chí cụ thể để xác định trọng điểm phòng không nhân dân đối với cấp tỉnh và cấp huyện.

Về cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân (Điều 9), đại biểu đề nghị bổ sung thêm: Tư lệnh quân khu và Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô để phù hợp với khoản 3 Điều 6. Đồng thời cần quy định rõ vị trí, chức năng, tổ chức bộ máy và chế độ đối với cơ quan quan chỉ đạo phòng không nhân dân. 

Về chế độ, chính sách (Điều 42), tại khoản 2 quy định người được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện… trừ các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc đã được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị cần làm rõ nội dung này, bởi có những đối tượng hưởng chế độ chính sách như: chất độc gia cam, chế độ thương binh, bệnh binh…

9h10: Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Đảm bảo thống nhất các quy định có liên quan

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cơ bản tán thành với nhiều nội dung, bố cục của dự án Luật Phòng không nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng một số điều, khoản của dự Luật cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Quan tâm đến các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu chỉ ra rằng tại khoản 4 Điều 7 có nội dung cấm về hành vi phá hoại công trình phòng không nhân dân. Theo đại biểu quy định này rất khó thực hiện và cần xem xét sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn, đảm bảo sự thống nhất với các quy định có liên quan. 

Đại biểu chỉ rõ, mặc dù công trình phòng không nhân dân là một trong những yêu cầu quan trọng của nhiệm vụ quốc phòng an ninh nhân dân nhưng những công trình này cũng không thể bất biến trong sự phát triển chung của xã hội và kinh tế. Ví dụ gần đây đã có nhiều quy hoạch được phê duyệt ở một số địa phương, do đó phải di dời sân bay lưỡng dụng ra khỏi địa bàn cũ... Vì vậy nếu áp dụng quy định như nêu trên sẽ khó có thể thực hiện được quy hoạch và phát sinh những khó khăn, bất cập trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

9h15: Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PKND

Khẳng định phòng không nhân dân (PKND) là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, đại biểu Tô Văn Tám cho biết, PKND đã được hình thành từ kháng chiến chống Pháp và phát triển, giành được nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay, PKND đã, đang và sẽ phát huy sức mạnh, hiệu quả của mình trong thực tiễn. Đại biểu cho rằng, trong chiến tranh hiện đại, tiến công đường không và phòng chống tiến công bằng đường không đang đặt ra vấn đề yêu cầu xây dựng lực lượng PKND vững mạnh, đây là vấn đề vô cùng cấp thiết. 

Để nâng cao hiệu quả tổ chức, xây dựng và quản lý hoạt động PKND, thể chế hóa kịp thời đường lối, quan điểm của Đảng, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác tổ chức, xây dựng, quản lý hoạt động này, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PKND. Và việc Chính phủ trình dự án Luật này là kịp thời.

Liên quan đến tập huấn, bồi dưỡng về PKND được quy định tại Điều 22 của dự thảo Luật, đại biểu nhận thấy, theo quy định tại khoản 4 Điều 22, nhiều nội dung, chương trình về tập huấn, bồi dưỡng PKND sẽ do nhiều cơ quan chỉ đạo phòng không, nhiều cấp chỉ huy phòng không thực hiện, như vậy sẽ khó tránh khỏi tính thiếu thống nhất. Đại biểu cho rằng, nội dung chương trình tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ PKND phải được thống nhất trong toàn quốc và do một cơ quan biên soạn và ban hành. Cơ quan đó chỉ có thể là Bộ Quốc phòng. 

Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung vào khoản 4 Điều 22 hoặc bổ sung vào Điều 45 về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng là xây dựng, ban hành chương trình, nội dung, tài liệu tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ PKND, trên cơ sở đó, các chủ thể tự quyết định việc tổ chức, triển khai thực hiện cho phù hợp ở cơ quan đơn vị mình.

9h22: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Xây dựng Luật Phòng không nhân dân là cần thiết 

Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm chiến tranh chống kẻ thù xâm lược. Mỗi giai đoạn lịch sử đều xuất hiện những phương pháp, cách thức tiến hành chiến tranh riêng biệt. Đặc biệt là trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân và chống đế quốc đã xuất hiện một loại hình chiến tranh mới, đó là phương tiện chiến tranh đường không. “Với cách đánh sáng tạo, kiên cường, các lực lượng của ta đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh đường không của địch. Các lực lượng tham gia và góp phần vào chiến thắng có lực lượng phòng không nhân dân”, đại biểu nói. 

Đại biểu cho rằng, ngày nay với nền khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đã xuất hiện những phương tiện chiến tranh mới nguy hiểm, đặc biệt về đường không. Để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa trong cục diện mới nếu có chiến tranh xảy ra, đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Phòng không nhân dân với tất cả các lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. 

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, phân định rõ thẩm quyền, đánh giá tính phù hợp với các Luật khác có liên quan để hoàn thiện Điều 15 của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, về trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng không nhân dân, đại biểu cho rằng cần đánh giá, rà soát để quy định trách nhiệm chính, cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phòng không nhân dân như Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số cơ quan có trách nhiệm chủ trì như chính quyền địa phương…

9h50: Đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Rà soát các khái niệm, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật

Đại biểu Lưu Văn Đức đề nghị ban soạn thảo bổ sung, rà soát với các luật mới được Quốc hội thông qua, như Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và các dự án luật: dự án luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, dự thảo luật Quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ... để đảm bảo tính tương thích. Bổ sung báo cáo rà soát tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. 

Đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của luật dự thảo luật đã bám sát năm chính sách trong đề nghị xây dựng luật đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần phân tích rõ hơn để đảm bảo sự thống nhất và chặt chẽ trong chức năng, nhiệm vụ của lực lượng phòng không nhân dân với lực lượng dân quân tự vệ, cũng như mối quan hệ giữa lực lượng phòng không nhân dân với lực lượng phòng không không quân của quân đội.

Về giải thích từ ngữ quy định tại khoản 7 điều 2 quy định: phương tiện bay siêu nhẹ là các vật thể bay mà không phải là tàu bay không người lái, bao gồm các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay dân gian, dù bay mà khi bay có khả năng làm ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh và an toàn hàng không. Tại khoản 2 Điều 21 Luật Hàng không Việt Nam quy định: phương tiện bay siêu nhẹ bao gồm các loại khí cầu và mô hình bay. Khí cầu là thiết bị bay mà lực năng được tạo bởi chất khí chứa trong vỏ bọc của nó bao gồm khí cầu bay có người điều khiển và khí cầu bay không có người điều khiển. Mô hình bay bao gồm các loại tàu lượn được mô phỏng theo hình dáng, kiểu cách các loại máy bay được gắn với động cơ, được điều kiện bằng vô tuyến hoặc chương trình lập sẵn... Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các quy định của dự thảo để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân quy định tại Điều 14, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung phân tích lý do tại sao lại lựa chọn độ tuổi như dự thảo luật, bởi đến năm 2026, độ tuổi nghỉ hưu của nam giới là 61 tuổi 6 tháng và nữ giới là 57 tuổi.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định phân loại hoặc miễn trừ đối với việc đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, để làm giảm bớt các chi phí bảo đảm thuận lợi cho các hoạt động phát sinh phát triển kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, quy định yêu cầu người sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi và có kiến thức hàng không, cũng cần phải được xem xét lại về tính khả thi, phù hợp với thực tiễn của quy định này.

9h57: Đại biểu Ngô Trung Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Cần có chính sách, thể chế hoàn thiện để tổ chức hiệu quả thế trận  phòng không nhân dân đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và các nội dung của Báo cáo thẩm tra, đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ đã và sẽ cho ra đời nhiều loại vũ khí tiến công đường không hiện đại, độ chính xác cao, trong đó đặc biệt có máy bay không người lái với số lượng lớn, giá rẻ vừa tác chiến diện rộng, vừa có thể tấn công được mục tiêu rất nhỏ như xe tăng, xe thiết giáp… thậm chí là các mục tiêu nằm sâu trong nội địa của đối phương. 

“Như vậy cho thấy, trong tương lai nếu có chiến tranh xảy ra, khu vực không gian tầm thấp chắc chắn sẽ là chiến trường nhộn nhịp không thua kém vùng chiến địa dưới mặt đất”, đại biểu nói. 

Đối với nước ta, với mục tiêu xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đại biểu nhấn mạnh, vai trò của phòng không nhân dân trong tham gia chiến đấu với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân để ngăn ngừa đánh địch ở khu vực không gian tầm thấp là hết sức quan trọng. Do vậy, chúng ta cần phải có chính sách, thể chế hoàn thiện để xây dựng tổ chức hiệu quả thế trận  phòng không nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

10h03: Đại biểu Phạm Như Hiệp - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Khẳng định vai trò của lực lượng phòng không nhân dân

Dẫn chứng từ trận Điện Biện Phủ trên không mà nước ta đã giành được chiến thắng hào hùng, đại biểu Phạm Như Hiệp khẳng định, từ cuộc tập kích đường không đó, lực lượng phòng không chính quy, lực lượng phòng không quốc gia, đặc biệt là lực lượng phòng không nhân dân đã đóng góp thành tựu vô cùng lớn lao trong việc bảo vệ Tổ quốc và góp phần cho cuộc kháng chiến thành công.  Còn trong chiến tranh hiện đại, lực lượng không quân là lực lượng chế áp tại chiến trường. 

Đề cập về vai trò của lực lượng phòng không nhân dân, đại biểu Phạm Như Hiệp nhận thấy, đây là lực lượng phòng không tầm thấp (vì phòng không tầm cao có lực lượng phòng quân quốc gia, lục quân, không quân bảo vệ). Phòng không nhân dân sẽ phòng tránh, đánh trả và bảo vệ tên lửa, sân bay và bảo vệ các lực lượng không quân ở tầm cao. 

Liên quan đến Điều 5 quy định về nhiệm vụ phòng không nhân dân, sự phối hợp giữa phòng không nhân dân và phòng không quốc gia, đại biểu đề nghị bổ sung thêm “phòng không hải quân” để có tính cơ động, có thể tập trung hỏa lực để bảo vệ các khu vực thiết yếu, trọng điểm, phòng tránh đánh trả.

Về lực lượng và trang bị, đại biểu cho rằng, ngoài súng phòng không, pháo cao xạ, pháo phòng không thì tên lửa vác vai cũng là phương tiện rất cần thiết và hiệu quả cao.

10h09: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, đầy trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Về các nội dung cụ thể, cơ quan soạn thảo đã có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trong phiên thảo luận hôm nay, hoàn thiện dự thảo Luật Phòng không nhân dân để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Giải trình một số ý kiến cụ thể, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, việc xác định độ cao 5000 m không phải việc khó. Về cấp phép bay, Bộ Công an cấp phép bay cho các phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người lái của Bộ Công an. Bộ Quốc phòng cấp phép cho các phương tiện bay của Bộ Quốc phòng. Các phương tiện bay khác đều phải đăng ký ở Bộ Công an, nhưng trách nhiệm quản lý ở Bộ Quốc phòng, do Bộ Quốc phòng có các trang bị bảo đảm và được Chính phủ giao nhiệm vụ này. Từ trước tới nay, Bộ giao cho Cục Tác chiến cấp phép, nhưng đến nay, số lượng phương tiện bay siêu nhẹ, phương tiện bay không người lái tăng nhiều, Bộ sẽ tính toán, có thể quy định cho cấp dưới cấp phép, ở cấp tỉnh, cấp quân khu, quân chủng. Tuy nhiên, khi thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an có thể đình chỉ chuyến bay. 

Về quy định điều khoản “quét” ở Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm, Bộ trưởng bày tỏ hoàn toàn nhất trí và sẽ bổ sung thêm quy định này vào dự thảo Luật để đảm bảo đầy đủ, toàn diện hơn. Về xác định phương tiện bay siêu nhẹ, Bộ trưởng cho biết đây là loại hình phương tiện phục vụ cho việc biểu diễn nghệ thuật. Về việc tập huấn, nội dung chương trình phải được thống nhất, nhưng từng chỉ huy, từng cơ quan đơn vị phải xác định nội dung nào cần tập huấn, từ nội dung cơ bản, nội dung chuyên sâu, nội dung nâng cao, nội dung đặc thù. Về nội dung quyền bắn khi thực hiện chế áp, Bộ trưởng cho biết, trường hợp chế áp để hạ cánh, nếu không chấp hành thì quân đội có quyền bắn để đảm bảo tính răn đe và cưỡng chế, đảm bảo an toàn an ninh, đây cũng là quy định được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Về độ tuổi, Bộ trưởng cho biết hiện đang vận dụng tương tự như quy định độ tuổi của lực lượng dân quân tự vệ, người có độ tuổi lớn hơn, có nguyện vọng tham gia cũng sẽ được hoan nghênh. Lực lượng phòng không nhân dân chủ yếu do lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt.

Về khái niệm, bảo vệ vùng trời là nhiệm vụ rất quan trọng, do nhiều lực lượng phối hợp thực hiện ở các độ cao khác nhau, từ xa đến gần, ở các tầng và nhiều hướng. Khu vực dưới 5000m là khu vực cực kỳ quan trọng trong tác chiến, vì thế, qua nghiên cứu đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, thực tiễn kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, tham khảo kinh nhiệm quốc tế, cơ quan soạn thảo đã đề xuất khái niệm như trong dự thảo. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý lại và nêu khái niệm như sau: Phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân, do bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, quân nhân dự bị làm nòng cốt nhằm thực hiện tổng thể các hoạt động và biện pháp để bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo toàn tiềm lực quốc phòng và tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời, phòng chống khắc phục hậu quả tiến công đường không của địch.

10h20: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên thảo luận tại đã có 12 lượt ĐBQH phát biểu. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, trí tuệ khách quan, ngắn gọn và có nhiều thông tin đa chiều. Các ý kiến đều có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc và toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các ĐBQH đối với dự thảo luật. 

Qua thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH đánh giá cao việc Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, chỉnh lý dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến. Các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, về bố cục, nhiều nội dung của dự thảo Luật và cơ bản nhất trí với Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đồng thời đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo dự án Luật cần rà soát, bổ sung hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định; bổ sung thông tư của Bộ Quốc phòng; bổ sung đánh giá tác động của một số chính sách cụ thể. Đồng thời rà soát kỹ lưỡng các điều khoản của dự thảo Luật để không trùng lặp và tương thích hệ thống pháp luật hiện hành…  

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, phiên thảo luận đã được ghi âm đầy đủ. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ chỉ đạo gỡ băng và có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận để gửi đến các vị ĐBQH theo dõi và chuyển các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội