Hội nghị lấy ý kiến vào dự án Luật Phòng không nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam

24/09/2024

Thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 và chuẩn bị các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 24/9, tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Phòng không nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.

Thái Nguyên: Đoàn ĐBQH dự Ngày hội đến trường của bé năm học 2024 - 2025

Toàn cảnh Hội nghị

Dự Hội nghị có các đồng chí: Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đang công tác trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có Đại tá Nguyễn Văn Lịch, Phó Tham mưu trưởng Quân khu I; đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và một số sở, ngành, đơn vị liên quan.

Luật Sĩ quan năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008, năm 2014 và năm 2019 (Luật Dân quân tự vệ sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 41 Luật Sĩ quan); quá trình thực hiện, Luật Sĩ quan đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc bất cập như: chưa cụ thể hóa các chức vụ, chức danh theo quy định của Bộ Chính số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Hệ thống chức vụ của sĩ quan trong Luật Sĩ quan chưa đồng bộ với cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng quy định tại Điều 3 Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ…

Đối với Luật Phòng không nhân dân, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng không nhân dân với 79 lượt ý kiến (trong đó có 67 ý kiến phát biểu tại Tổ và 12 ý kiến phát biểu tại Hội trường). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương tổng hợp đầy đủ ý kiến của các ĐBQH, tiếp tục lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện các dự thảo luật. Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, các ý kiến nhất trí với quy định nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn.

Các đại biểu cũng đề nghị cần có quy định cụ thể về hạn tuổi đối với một số đơn vị đặc thù; đồng thời cân nhắc thời điểm có hiệu lực của luật để phù hợp với công tác tổ chức, quy hoạch, sắp xếp cán bộ.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định về hạn tuổi cao nhất của sĩ quan dự bị cho phù hợp; quy định rõ về trần quân hàm đối với các chức vụ tương đương.

Đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Đối với dự thảo Luật Phòng không nhân dân, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ và chặt chẽ hơn về công trình lưỡng dụng phục vụ phòng không nhân dân, về người điều hành bay, cấp phép bay, quản lý phương tiện bay; đề nghị quy định lực lượng phòng không nhân dân rộng khắp và tăng cường trang thiết bị hiện đại cho công tác phòng không nhân dân; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc quản lý phương tiện bay không người lái.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số nội dung về lực lượng Phòng không nhân dân, hoạt động phòng không nhân dân, nguồn lực, chế độ, chính sách, quản lý nhà nước về phòng không nhân dân.