Kinh nghiệm đổi mới hoạt động kỳ họp của HĐND tỉnh Phú Thọ

08/02/2007

Tổ chức tốt hoạt động kỳ họp là góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của HĐND. Nhận thức rõ điều đó, trong nửa nhiệm kỳ qua HĐND tỉnh Phú Thọ luôn từng bước đổi mới hoạt động kỳ họp của HĐND.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức thành công 9 kỳ họp (trong đó có một kỳ họp bất thường và một kỳ họp chuyên đề), ban hành 83 nghị quyết. HĐND cũng đã xem xét hàng chục báo cáo, đề án của UBND, các ngành, các cơ quan hữu quan theo luật định. Những năm gần đây với tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì dân, nhiều vấn đề KT-XH của địa phương phải được HĐND xem xét quyết định. Trong khi đó pháp luật chỉ quy định HĐND mỗi năm họp 2 kỳ, nếu cần thiết thì có thể họp bất thường và chuyên đề. Như vậy, việc tổ chức kỳ họp sao cho vừa đảm bảo về nội dung, thời gian vừa tạo điều kiện để các đại biểu thể hiện tốt vai trò đại diện của mình là điều HĐND tỉnh đã cân nhắc rất kỹ.

Để tổ chức tốt các kỳ họp trong năm, trước hết phải rất chủ động về nội dung của mỗi kỳ họp. Vào khoảng tháng 10 của năm trước, Thường trực HĐND tỉnh có công văn yêu cầu UBND, các ngành đăng ký chương trình của  năm tới. Căn cứ nội dung đăng ký, Văn phòng giúp việc cùng Văn phòng Tỉnh ủy, UBND thống nhất một chương trình chung của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sau đó trình Thường trực HĐND cho ý kiến, đồng thời phải được HĐND ra Nghị quyết vào kỳ họp cuối năm. Việc xây dựng nội dung kỳ họp phải căn cứ vào những quy định của pháp luật, vào yêu cầu thực tế của địa phương, đồng thời phải bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ theo từng thời kỳ. Từ những nội dung chung đó mới xác định trong năm tới sẽ tiến hành bao nhiêu kỳ họp và mỗi kỳ họp bàn những vấn đề gì; Dự kiến ban hành bao nhiêu nghị quyết? Đồng thời, HĐND cũng dự kiến phân công các ban của HĐND tiến hành thẩm tra những báo cáo và đề án, nghị quyết. Việc làm này hết sức quan trọng, khi xác định được nội dung của từng kỳ họp thì công tác chuẩn bị của các cơ quan soạn thảo sẽ chủ động hơn, các ban của HĐND có điều kiện vào cuộc với UBND ngay từ khi báo cáo, đề án đó trình UBND cho ý kiến. Như vậy vừa đảm bảo về thời gian hoàn thành các báo cáo, đề án vừa thuận lợi cho các ban khi tiến hành thẩm tra. Tiến trình này đã được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo chặt chẽ và thu được những kết quả nhất định.

Vấn đề điều hành của Chủ tọa kỳ họp là việc làm đòi hỏi sự khoa học và tế nhị. Kỳ họp có thành công hay không phần lớn là do vai trò của Chủ tọa kỳ họp. Muốn điều hành tốt thì việc chuẩn bị xây dựng chương trình là hết sức quan trọng. Chương trình kỳ họp như là một kịch bản được xây dựng một cách chi tiết, tỷ mỷ và khoa học, phân công điều hành cụ thể. Căn cứ vào nội dung, tài liệu không đọc toàn văn hoặc đại biểu nghiên cứu. Gần đây, do nội dung các kỳ họp rất nhiều (nhất là kỳ họp chuyên đề) Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các tổ đại biểu họp và nghiên cứu trước những báo cáo, đề án trình tại kỳ họp, nhất là những vấn đề mà HĐND sẽ ra nghị quyết. Các ý kiến thảo luận được tổng hợp và báo cáo HĐND trước khi HĐND biểu quyết thông qua nghị quyết. Làm như vậy, trước hết là giảm thời gian của kỳ họp, mặt khác giúp các đại biểu tiếp cận sớm với các báo cáo, đề án, thảo luận kỹ trước khi bước vào kỳ họp và điều quan trọng là làm cho các đại biểu vững tin hơn về những quyết định của mình. Điều hành kỳ họp một cách khoa học dứt khoát nhưng tế nhị sẽ làm cho không khí kỳ họp sôi nổi, những vấn đề đưa ra bàn sẽ chất lượng hơn, dân chủ hơn. Đặc biệt là phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nếu Chủ tọa không biết tổng hợp, khêu gợi thì phiên họp sẽ rất tẻ nhạt hoặc hình thức, chiếu lệ. Để khắc phục tình trạng này, một số kỳ họp gần đây, Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ rất chủ động, từ việc thông qua các ý kiến thảo luận của các đại biểu, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, thông qua báo cáo thẩm tra của các ban và phiếu chất vấn của các đại biểu mà đặt ra những vấn đề yêu cầu các cơ quan chuyên môn giải trình hoặc trả lời chất vấn. Trong quá trình trả lời chất vấn, Chủ tọa kỳ họp biết nêu những vấn đề mới, những vấn đề chưa rõ để các đại biểu tham gia ý kiến đề nghị làm rõ. Có thể khẳng định những kỳ họp gần đây công tác điều hành kỳ họp đã có nhiều tiến bộ, không khí kỳ họp sôi nổi, đi vào trọng tâm hơn, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thu được những kết quả đáng kể.

Việc thông qua nghị quyết của kỳ họp cũng là vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc. Việc soạn thảo nghị quyết và đọc dự thảo nghị quyết trước đây là do Văn phòng và Đoàn thư ký đảm nhiệm, nhưng nay do sự điều chỉnh của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND thì soạn thảo và trình bày dự thảo nghị quyết của kỳ họp là do UBND tỉnh đảm nhiệm. Đây là vấn đề khó đặt ra, nhất là đối với việc soạn thảo dự thảo nghị quyết. Do cán bộ các ngành chuyên môn chưa quen với thể thức văn bản nghị quyết, mặt khác khi dự thảo thì thường tham số liệu (có những nghị quyết có số trang và cách trình bày gần như đề án). Để khắc phục tình trạng này, Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ trước mỗi kỳ họp thường trưng tập các chuyên viên của những ngành có đề án và chuyên viên UBND để thống nhất cách soạn thảo nghị quyết. Và sau khi bế mạc kỳ họp, căn cứ vào các ý kiến đại biểu, ý kiến kết luận của chủ tọa, Thường trực lại triệu tập lãnh đạo và chuyên viên các ngành liên quan để thống nhất chỉnh sửa. Như vậy, chỉ sau 2- 3 ngày kỳ họp bế mạc là mọi văn bản liên quan đến kỳ họp, đặc biệt là nghị quyết của kỳ họp được hoàn tất. Làm như vậy vừa đảm bảo thời gian theo quy định, vừa đảm bảo nội dung và yêu cầu về kỹ thuật văn bản.

Hoạt động kỳ họp là hoạt động mang tính sự vụ nhưng lại đòi hỏi phải khoa học và nghệ thuật. Từ công tác chuẩn bị trước kỳ họp, những công việc diễn ra tại kỳ họp và những vấn đề sau kỳ họp đều phải nhịp nhàng, thống nhất. Tuy nhiên, hoạt động kỳ họp của HĐND tỉnh Phú Thọ nửa nhiệm kỳ qua, ngoài những kết quả nhất định cũng còn những hạn chế như: Thời gian cho mỗi kỳ họp còn dài (4- 5 ngày), nội dung chưa sâu; Không khí kỳ họp có lúc, có phiên chưa thật sôi nổi... Kinh nghiệm của HĐND tỉnh Phú Thọ cho thấy, để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thì việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động các kỳ họp là quan trọng, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trên cơ sở pháp luật và thực tiễn của mỗi địa phương.

 

Hà Hồng Bàng

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)