Đoàn đã khảo sát tại một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trên địa bàn thành phố và Cảng Hải Phòng. Qua khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp, cơ quan trên địa bàn thành phố đều có ý thức chấp hành pháp luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư trang bị dây chuyền công nghệ chế biến thủy sản khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, do nhiều cơ quan cùng tham gia kiểm dịch, kiểm định chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nên thời gian thông quan hàng hóa tại các cảng biển chậm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên các doanh nghiệp sẵn sàng nộp phí xử phạt để tiếp tục nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Lượng hàng nhập khẩu được lưu giữ tại kho quan ngoại chưa có cơ chế, chính sách kiểm dịch nên vẫn chưa được kiểm tra, ngăn chặn các nguồn bệnh nguy hiểm.
Đoàn giám sát nhận thấy, để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các bộ ngành, cơ quan liên quan cần liên kết hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nguồn nguyên liệu đủ về số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của sản phẩm; Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để trang bị thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất. Đối với kiểm dịch, kiểm tra thông quan hàng hóa, Đoàn giám sát nhận định, cần thống nhất các lực lượng kiểm tra, kiểm dịch vào một cơ quan đầu mối để giảm các bước triển khai, tiết kiệm ngân sách và có thể đầu tư trang thiết bị kiểm tra trọng tâm. Cần quy định rõ trong dự thảo Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm về chế tài xử lý trong kiểm dịch, kiểm tra với hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh, hàng hóa lưu trữ ngoại kho... để quản lý chặt chẽ chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cảng biển, kho hàng.