Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Phân bổ ngân sách nhằm tạo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương

01/11/2016

Chiều 1/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017. Vấn đề phân bổ ngân sách cho địa phương được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ xác định nguyên tắc và mức phân bổ cụ thể cho các địa phương; Ghi rõ mức chi đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và khoa học. Đồng thời, Chính phủ cần công khai cách tính cụ thể khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương, mức điều tiết về Trung ương, mức bổ sung cân đối từ Trung ương. Vì hiện nay, nhiều địa phương băn khoăn về tính công bằng trong tính toán của nội dung này.

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, tại thảo luận ở tổ và hội trường hôm nay cũng một số ý kiến các đại biểu đã tham gia như TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Lạng Sơn đều nói về điều này. Bộ trưởng cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, giải quyết mối quan hệ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cũng như quan hệ giữa các địa phương với nhau trong sự thống nhất của quốc gia.

Bộ trưởng cho biết, đối với năm 2017, số bổ sung cân đối hay tỷ lệ điều tiết thu của từng địa phương là kết quả tính toán trên cơ sở dự toán thu và nhu cầu chi tính theo định mức để đảm bảo nguyên tắc hiến định trong quan hệ phân cấp ngân sách, ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo. Luật ngân sách nhà nước qua các thời kỳ đều quy định sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương, thực hiện giảm dần tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi ngân sách địa phương hoặc tăng tỷ lệ % nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương.

Các địa phương trọng điểm kinh tế cũng là những địa phương có tốc độ tăng thu hàng năm khá cao, kết hợp việc ổn định tỷ lệ điều tiết trong 6 năm 2011- 2016 vừa qua nên số thu cân đối của ngân sách các địa phương này cũng tăng tương ứng. Ví dụ TP. Hồ Chí Minh năm 2011 thu cân đối chi cân đối địa phương là 29,500 tỷ 2017 là 60,000 tỷ tăng gấp đôi. Quy mô thu ngân sách địa phương của một số địa phương trọng điểm thu trong năm 2016 này gấp từ 1,6 đến 2 lần năm 2011, thậm chí gấp trên 3 lần năm 2011 như Bắc Ninh, Quảng Nam. Tỷ lệ ổn định nên số thu tăng lên thì địa phương được hưởng tăng lên. Một thực tế là các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương phần lớn là vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn và phần lớn các địa phương chịu trách nhiệm quản lý "phên dậu" của đất nước.

Bộ trưởng Bộ TC Đinh Tiến Dũng: Phân bổ ngân sách nhằm tạo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương

Chúng ta phải chấp nhận một thực tế nữa là trong khi chúng ta khuyến khích các trọng điểm kinh tế, Chính phủ rất thấu hiểu việc này, rất chia sẻ với các địa phương mà có điều tiết về trung ương. Chúng ta phải có trách nhiệm với các địa phương khó khăn, không để khoảng cách phát triển giữa các địa phương vùng miền dãn cách quá lớn mặc dù thực tế này đang ngày càng giãn ra. Việc này đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta thực hiện điều này thông qua cơ chế phân phối lại nguồn lực của ngân sách nhà nước. Tính lại tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho các địa phương sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách.

Bộ trưởng cho rằng, năm 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017- 2020 dự toán chi cân đối ngân sách địa phương được xác định theo nguyên tắc tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định vào tháng 9 năm 2015. Định mức chi thường xuyên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong năm 2016 này. Đây là dịp để chúng ta phân bổ điều tiết lại những bất hợp lý phát sinh trong thời kỳ ổn định ngân sách vừa qua 2011- 2016.

Hơn ai hết, Chính phủ hiểu rõ vấn đề này quan trọng thế nào với các địa phương nói chung, kể cả các địa phương nhận bổ sung cân đối và các địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương. Bởi nó ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực của địa phương không chỉ trong năm 2017 mà cả thời kỳ ổn định ngân sách đến năm 2020. Vì vậy, trong quá trình xây dựng dự toán năm 2017, báo cáo các cấp có thẩm quyền Bộ Tài chính đã cố gắng xử lý tối đa vấn đề này, xây dựng phương án để tạo sự công bằng nhất định đối với các địa phương.

Theo đó, đối với định mức phân bổ chi thường xuyên trình với Chính phủ, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với các địa phương trọng điểm thu có điều tiết thu về ngân sách Trung ương đã ưu tiên cao nhất như định mức phân bổ chi theo tiêu chí dân số, tăng từ 30% đến 70% so với các địa phương khác. Ngoài ra, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt còn được phân bổ tăng thêm 70% định mức chi cho hoạt động kinh tế để xử lý các vấn đề về môi trường, thị chính, đảm bảo an ninh trật tự cho dân số tại chỗ và dân số vãng lai.

Mặc dù đã có ưu tiên cao như trên, nhưng sau khi tính toán chi theo định mức phân bổ và dự kiến giao dự toán thu nội địa đang trình Quốc hội. Năm 2017 có 10 trên 13 địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương của giai đoạn 2011- 2016 giảm lớn. Có địa phương giảm từ 20 đến 30% so với tỷ lệ của giai đoạn 2011- 2016, áp định mức vào thì nó như vậy.

Việc tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia phần ngân sách địa phương được hưởng sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách giảm là phù hợp với quy định của Luật ngân sách nhà nước, nhưng nếu giảm quá lớn cũng ảnh hưởng đến nguồn lực đảm bảo các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương này.

Mặt khác, Bộ Chính trị cũng có một số nghị quyết, ý kiến kết luận về phương hướng, nhiệm vụ phát triển của các địa phương, như Thành phố Hồ Chí Minh các đồng chí nêu và một số địa phương khác. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 Chính phủ trình với Quốc hội dành một khoản 14.450 tỷ đồng để xử lý hỗ trợ thêm cho các địa phương này, đảm bảo tỷ lệ điều tiết của các địa phương này không giảm quá lớn. Trong đó, phân bổ 10.000 nghìn tỷ đồng cho chi đầu tư phát triển, 4.450 tỷ cho chi thường xuyên và trong quá trình xây dựng dự toán cũng có ý kiến cắt giảm toàn bộ hoặc một nửa số kinh phí đã chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương. Nhưng Bộ Tài chính đã phải bàn và báo cáo rất kỹ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giữ khoản này, hỗ trợ các địa phương, tránh giảm tỷ lệ điều tiết quá lớn.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, dự toán thu nội địa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 trình Quốc hội, không kể tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết và lợi nhuận, còn lại tăng khoảng 20% so với ước thực hiện năm 2016.

Đây là mức tăng rất tích cực nhưng Bộ Tài chính cho rằng cũng có cơ sở khả thi bởi vì ước thực hiện thu năm 2016 của thành phố đã tăng khoảng 18,6% so với thực hiện năm 2015. Trong khi dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2017, khả quan hơn năm 2016. Tốc độ tăng thu năm 2017, bình quân của khu vực Đông Nam Bộ đang trình Quốc hội cũng đã tính trên 18%, Hồ Chí Minh cao hơn một chút.

Với dự toán thu như vậy và dự kiến nhu cầu chi ngân sách địa phương tính trên cơ sở hệ thống định mức phân bổ chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên đã được quyết định. Tỷ lệ điều tiết của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 là 17% , giảm 6% so với thời kỳ 2011- 2016; Hà Nội là 42% xuống 32% giảm 10%, Hải Phòng từ 88% xuống 67%, giảm 21%, Đà Nẵng 85% xuống 55%, giảm 30%, Đồng Nai từ 51% xuống 41% giảm 7%, Bình Dương 40% xuống 34%, giảm 6% v.v... Thành phố Hồ Chí Minh là từ 23 xuống 17%. Để thành phố Hồ Chí Minh có thêm nguồn lực, Chính phủ trình Quốc hội phân bổ thêm cho thành phố 1.823 tỷ đồng trong đó đầu tư phát triển là 1.447 tỷ chi thường xuyên là 376 tỷ đồng. Theo đó dự toán chi cân đối của ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 là 60.369 tỷ đồng.

Tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng đã nâng lên 18%, 17 lên 18%, giảm 5% so với giai đoạn 2011- 2016. Với tỷ lệ điều tiết 18 % mức chi ngân sách bình quân theo đầu dân của thành phố năm 2017 cao hơn mức chi bình quan của các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ, trên đầu dân cao hơn.

Bộ trưởng bày tỏ chia sẻ với Thành phố Hồ Chí Minh và tương tự phân bổ như vậy thì tỷ lệ điều tiết của Hà Nội lên 35%, chỉ còn giảm 7%. Hải phòng 78, giảm 10. Đà Nẵng lên 68, giảm 17 chứ không phải giảm 30 nữa. Đồng Nai lên 47, giảm 4% và Bình Dương lên 36, giảm 4% so với giai đoạn trước, chúng ta bổ sung thêm thì như vậy. Vì vậy, khi xây dựng cơ chế cũng như trong cân đối ngân sách nhà nước Bộ Tài chính đều hướng tới tạo các điều kiện đặc thù thêm cho thành phố như luôn ủng hộ thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đặng Mai- Minh Hằng