Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá đầy đủ, toàn diện các chỉ tiêu Quốc hội giao trong năm 2016

02/11/2016

Tiếp tục phiên thảo luận ở hội trường, sáng 2/11, tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội, cùng với việc phân tích những mặt còn hạn chế trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp cho việc thực hiện kế hoạch này trong thời gian tới.

“Nỗ lực lội ngược dòng” của Chính phủ là rất đáng trân trọng

Thống nhấtcao với Báo cáo của Chính phủ về những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực trong năm 2016, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học- tỉnh Phú Yên cho rằng, đây là những kết quả rất quan trọng và ý nghĩa. Từ những kết quả này, bước đầu người dân nhận thấy hình ảnh của một Chính phủ kiến tạo, hành động vì dân.Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thể chế hóa pháp luật, khẩn trương đưa pháp luật vào cuộc sống. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, Chính phủ khẳng định đã khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật. Có thể nói đây là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ đã tập trung rà soát, phát hiện nhiều vấn đề bất cập, yếu kém để tập trung chỉ đạo giải quyết với tinh thần nói thẳng, nói thật và làm thật, người dân rất đồng tình, ủng hộ với cách làm này.Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác để kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các kết luận chỉ đạo của Chính phủvới tinh thần nói đi đôi với làm, lãnh đạo, chỉ đạo phải gắn với kiểm tra, giám sát. Cách làm này, bước đầu đã tạo những bước chuyển biến rất tích cực ở các bộ, ngành, địa phương.Qua báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, trong năm 2016, nhất là từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đến nay, người dân ngày càng tin tưởng sự vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị để đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc: người dân đã "bỏ phiếu" cho Chính phủ bằng việc hăng hái thành lập doanh nghiệp

Ở một góc độ khác, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc- tỉnh Thái Bình cho rằng, việc Ngân hàng thế giới công bố Việt Nam tăng 9 bậc trong bảng tổng sắp môi trường kinh doanh toàn cầu, xếp thứ 92/190 nước trên thế giới, xếp thứ 5 trong 10 nước ASEAN và quyết định nâng bậc cho Chính phủ Việt Nam về chất lượng thể chế; trong nước thì người dân đã "bỏ phiếu" cho Chính phủ bằng việc hăng hái thành lập doanh nghiệp, niềm tin vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy. Đó là dấu ấn quan trọng nhất của Chính phủ trong những ngày tháng đầu tiên.

Với điều kiện bình thường khơi dậy niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đã khó nhưng trong bối cảnh gian nan của nền kinh tế nước ta kể từ đầu năm đến nay, hệ lụy từ những bất ổn của kinh tế thế giới, thiên tai dồn dập, tích tụ những khuyết tật của nền kinh tế chưa được khắc phục ngày càng rõ. Đặc biệt là các chỉ số nợ xấu, nợ công, nợ Chính phủ tới ngưỡng vượt trần cho thấy những nỗ lực lội ngược dòng của Chính phủ là rất đáng trân trọng- đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chính phủ không nêu chung chung và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học- tỉnh Phú Yên cũng cho rằng, Báo cáo Chính phủ nêu năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính còn chưa nghiêm. Đây là vấn đề “hầu như năm nào trong Báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội đều có hạn chế này”. Đặt câu hỏi “Vì sao tình trạng này lại tồn tại dai dẳng như vậy?”, đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra, kiểm tra để xác định bản chất vấn đề và xử lý nghiêm sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục.

Về một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, quản lý tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí, đại biểu cho rằng, trong tình hình ngân sách khó khăn, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn thì khuyết điểm nêu trên làm cho người dân bức xúc và bất bình. Mặc dù đã có Luật đầu tư công, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng vì sao còn tồn tại thực trạng này, trách nhiệm của những người có trách nhiệm ra sao, Chính phủ cần công khai địa chỉ vi phạm, không nêu chung chung và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân- đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị.

Về số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn, nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp, đại biểu cho rằng, đây là biểu hiện cụ thể của việc có tiêu cực, có thất thoát tài sản của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra làm rõ để xử lý sai phạm, thu hồi tiền của nhân dân bị thất thoát.

ĐBQH Mùa A Vảng: kết quả công tác giảm nghèo chưa được bền vững

Theo đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng- tỉnh Điện Biên, bên cạnh những kết quả tích cực trong Báo cáo của Chính phủ thì kết quả công tác giảm nghèo chưa được bền vững, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư, dân tộc chưa được thu hẹp, đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Một số chính sách còn dàn trải, manh mún hoặc duy trì lâu, không còn phù hợp.Về việc xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chế độ, chính sách như Nghị quyết 30a, Nghị định 134 quy định về chế độ cử tuyển...đã góp phần tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số miền núi vẫn cao. Tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng chưa bền vững.Theo Báo cáo của Chính phủ và số liệu điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2015, cả nước có khoảng 9,88% hộ nghèo tính theo tiêu chuẩn nghèo mới, thì có tới 50% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi đồng bào chiếm 14% dân số của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân đầu người của cả nước. Tỷ lệ mù chữ của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên là 20%, khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và đồng bằng chưa được rút ngắn.

Cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quancác chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2016

Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Trọng Hưng- tỉnh Thanh Hóa, năm 2016, ước có 11/13 chỉ tiêu đạt được vượt kế hoạch. Còn lại hai chỉ tiêu là tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chưa đạt kế hoạch, mặc dù đây là hai chỉ tiêu rất quan trọng quyết định quy mô và chất lượng tăng trưởng, tác động trực tiếp đến các chỉ tiêu kinh tế khác. Cũng theo Báo cáo, 9 tháng đầu năm 2016 tốc độ tăng trưởng GDP trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 0,65%, nhưng dự kiến cả năm sẽ đạt từ 1,18% đến 2,04%, trong điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi là rất khó khả thi.

ĐBQH Đỗ Trọng Hưng: Đề nghị Chính phủ đánh giá sát với tình hình thực tế và các chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2016

Đại biểu khẳng định, việc tăng trưởng kinh tế nông, lâm, thủy sản là rất quan trọng, không chỉ có ảnh hưởng đến việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP mà còn tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân. Theo đó, Chính phủ vẫn dự kiến chỉ tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 1,3% đến 1,5% đạt kế hoạch đề ra. Trong khi năm 2016 lại chưa cân đối và phân bổ nguồn lực để giảm nghèo theo chuẩn nghèo mới là chưa có cơ sở và chưa phù hợp với thực tế.Tương tự như vậy, một số chỉ tiêu dự kiến đạt kế hoạch như tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo cần được xem xét thêm về khả năng hoàn thành kế hoạch.

Từ những phân tích trên, đại biểu Đỗ Trọng Hưng đề nghị Chính phủ cần cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng để có đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan và sát với tình hình thực tế và các chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2016.

Đề xuất một số kiến nghị trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thái Họcđề nghị Chính phủ cần quan tâm và ưu tiên cứu đói, giảm nghèo trước mắt. Quan tâm đầu tư trang thiết bị cho ngành y tế, nhất là y tế cơ sở để có điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân; ưu tiên hoàn chỉnh những tuyến đường ở vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng huyết mạch nối các tuyến quốc lộ.

Đại biểu Mùa A Vảng- tỉnh Điện Biên đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại các chính sách về giảm nghèo trong thời gian qua. Cần tập trung hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ gia đình dựa trên điều kiện thực tế và khả năng làm giàu của hộ; cần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân; nghiên cứu phát hành sách giáo khoa về kiến thức và tư duy làm kinh tế cho học sinh phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, các trường nội trú để các em có kiến thức vững vàng khi trưởng thành, không bị ảnh hưởng bởi các hủ tục lạc hậu, phải đào tạo thế hệ trẻ khát khao làm giàu chính đáng, như vậy mới có thể giảm nghèo bền vững.

Quang Minh- Nguyễn Thảo