Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về án phí, lệ phí Tòa án

20/12/2016

Chiều 20/12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 5, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp                  Ảnh: Đình Nam

Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng trình bày, Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27/02/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2009. Qua 07 năm thực hiện, về cơ bản đã đạt được yêu cầu đề ra khi xây dựng Pháp lệnh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số nội dung Pháp lệnh đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay như: một số quy định của Pháp lệnh 2009 không còn phù hợp với pháp luật hiện hành; một số mức thu không còn phù hợp với thực tế; chưa quy định một số trường hợp không phải nộp, được giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện; chưa quy định chế độ thu, nộp, quản lý án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Vì vậy, việc ban hành Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thay thế Pháp lệnh 2009 là cần thiết, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật; khắc phục vướng mắc, bất cập; tạo thuận lợi trong việc thực hiện. Dự thảo Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án gồm 6 chương, 48 Điều (giảm 04 Điều so với Pháp lệnh 2009).

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã cho biết, Quốc hội đã nâng Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001 lên thành Luật phí và lệ phí, và thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Theo đó, tại Điều 18 Luật phí và lệ phí quy định giao Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí, lệ phí Tòa án và tại Điều 23 quy định: Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 và Pháp lệnh án phí và lệ phí tòa án số 10/2009/PL-UBTVQH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội Dự thảo Pháp lệnh án phí và lệ phí với dự kiến thời điểm hiệu lực của Pháp lệnh là ngày 01/01/2017.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 151 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua. Với dự kiến Pháp lệnh về án phí và lệ phí Tòa án sẽ được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua vào Phiên họp tháng 12/2016 thì thời điểm có hiệu lực của Dự thảo Pháp lệnh là không phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, nếu hiệu lực của Pháp lệnh tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì sẽ có khoảng trống pháp lý kể từ thời gian Luật phí và lệ phí có hiệu lực cho đến khi Pháp lệnh án phí và lệ phí Tòa án mới có hiệu lực.

Do đó, để Pháp lệnh về án phí và lệ phí Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 theo đề nghị của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành Pháp lệnh về án phí và lệ phí Tòa án theo trình tự, thủ tục rút gọn, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 146 về các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn và khoản 1 Điều 147 về thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Cho ý kiến về việc ban hành Pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, theo quy định của Điều 23 và Điều 17 của Luật phí và lệ phí, Pháp lệnh phí và lệ phí đã được bãi bỏ và được nâng lên thành Luật phí và lệ phí, vậy có nên ban hành Pháp lệnh án phí, lệ phí không hay chỉ ban hành Nghị quyết. Trước đây có Pháp lệnh án phí và lệ phí Tòa án, bởi lúc đó chỉ có Pháp lệnh phí và lệ phí, chưa có Luật phí và lệ phí.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với việc thực hiện thủ tục rút gọn, dù là Pháp lệnh hay Nghị quyết thì đều làm thủ tục rút gọn. Bởi thực hiện thủ tục rút gọn thì Pháp lệnh hay Nghị quyết sẽ được chấp nhận ngay khi nghị quyết này có hiệu lực từ 01/01/2017, không phải qua thủ tục là 45 ngày và tránh được việc có khoảng trống pháp lý.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc xây dựng Pháp lệnh được thực hiện trong khi chưa ban hành Luật. Tuy nhiên, Pháp lệnh phí, lệ phí Toà án 2001 đã được nâng lên thành Luật, như vậy, hệ thống pháp luật đã hoàn chỉnh. Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, nên sửa Pháp lệnh này thành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đảm bảo tính hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Luật phí và lệ phí Tòa án.

Sau khi thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về án phí và lệ phí Tòa án với 100% thành viên Ủy ban thường vụ tán thành. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết về án phí và lệ phí tòa án thay vì ban hành Pháp lệnh. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2017.

Vân Ngọc