Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại Thái Bình

22/02/2017

Ngày 22/2, Đoàn công tác số 6 Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thanh Hải làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế tại tỉnh Thái Bình và làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016 của địa phương.

Tại Thái Bình, Đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại các cơ sở giết mổ gia súc, các đơn vị sản xuất thực phẩm như trang trại tổng hợp, cơ sở sản xuất bánh kẹo, bia, nước giải khát; khảo sát tại các chợ trung tâm thành phố và bếp ăn tập thể của bệnh viện đa khoa tỉnh.

Cần xây dựng cơ chế giám sát cộng đồng trong thực hiện an toàn thực phẩm

Tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong giai đoạn 2011- 2016, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm luôn nhận được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp ủy, chính quyền. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; qua đó nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao.

Với đặc điểm là tỉnh có mật độ dân cư cao, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, người dân tập trung phần lớn ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp của địa phương phần lớn là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình theo phương thức truyền thống vì vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh hiện có 230 chợ với 03 cửa hàng kinh doanh rau quả được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trên 85% số hộ chăn nuôi là hộ nhỏ lẻ, trên 90% là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, gần 100 bếp ăn tập thể…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc

Thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, bên cạnh việc ban hành văn bản điều hành, chỉ đạo cấp cơ sở nhằm quản lý an toàn thức phẩm trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản thực phẩm, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thì trong giai đoạn 2011- 2016, toàn tỉnh đã kiểm tra 63.568 lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm 19,3% với tổng số tiền phạt hơn 1,6 tỷ đồng, không có vụ việc xử lý hình sự nào liên quan đến an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, số vụ ngộ độc thực phẩm đông người trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng giảm dần qua các năm, cơ bản được kiểm soát và hạn chế ở mức thấp nhất.

Tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh, các thành viên của Tổ công tác đều đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành và ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm của địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất, giết mổ, bày bán, chế biến thực phẩm hầu hết là ở quy mô nhỏ lẻ, khó kiểm soát an toàn thực phẩm vì vậy nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm của địa phương là tương đối lớn. 

Qua khảo sát thực tế, các đại biểu cũng chỉ ra rằng việc giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở nhỏ lẻ chưa tuân thủ đầy đủ quy trình, còn nhiều lúng túng trong việc triển khai, phát huy hiệu quả kết quả đầu tư của các dự án; tại các chợ việc vận chuyển thực phẩm chưa bảo đảm yêu cầu, chưa có sự kiểm soát đầu vào của gia cầm sống vào trong chợ, việc quy hoạch phân khu bày bán trong chợ chưa được thực hiện triệt để; công tác thú y, kiểm dịch một số nơi còn mang tính hình thức; còn hiện tượng sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh... Các đại biểu đề nghị Thái Bình làm rõ một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề quy hoạch vùng để sản xuất tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp; đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả khu vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm. Đồng thời, địa phương cũng cần sớm tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, chăn nuôi và việc sử dụng tràn lan thức ăn chứa kháng sinh trong chăn nuôi.

Trưởng Ban Dân nguyện, Trưởng Đoàn công tác Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi làm việc

Nhất trí với nhiều nội dung báo cáo của chính quyền địa phương và các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, Trưởng Ban Dân nguyện, Trưởng đoàn công tác Nguyễn Thanh Hải cho rằng, để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc kịp thời rà soát, khắc phục, xử lý một số tồn tại mà Đoàn giám sát đã chỉ ra, thời gian tới Thái Bình cần tiếp tục vận dụng sáng tạo trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế- xã hội, văn hóa và tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tỉnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, thanh tra công vụ, xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm, kiện toàn mô hình tổ chức quản lý về an toàn thực phẩm sao cho phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác kiểm tra, kiểm dịch thực phẩm, phát huy sức mạnh cộng đồng trong giám sát thực hiện an toàn thực phẩm. Theo đó, dựa trên đặc điểm tập quán sản xuất sinh hoạt của địa phương, tỉnh cần xây dựng cơ chế giám sát cộng đồng về an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng vai trò của Mặt trận tổ quốc các cấp, các tổ chức, đoàn thể và người dân.

Tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào của sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Tổ công tác số 1 khảo sát tại Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình

Trước đó, rạng sáng ngày 22/2, Đoàn công tác đã chia làm hai tổ công tác đi khảo sát thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác số 1 do, Trưởng Đoàn công tác Nguyễn Thanh Hải dẫn đầu đã đến khảo sát thực tế tại cơ sở giết mổ gia súc thuộc xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, trực tiếp chứng kiến quy trình giết mổ của chủ cơ sở từ khâu tắm rửa, cạo lông… đến khâu phân thịt, đóng dấu kiểm định của thú y; khảo sát tại Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, trang tại tổng hợp Đông Hòa và Công ty cổ phần tập đoàn Hương Sen.

Tổ công tác số 2 do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trương Minh Hoàng dẫn đầu đã khảo sát tại cơ sở giết mổ gia súc Bùi Trọng Tiêm, thôn Thống Nhất, xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư; khảo sát tình hình thực hiện các yêu cầu về an toàn thực phẩm tại chợ Đề Thám, thành phố Thái Bình; cơ sở chế biến thực phẩm, bánh kẹo đặc sản Thiên Đức, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng; bếp ăn tập thể Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tổ công tác số 2 khảo sát thực tế tại chợ Đề Thám, thành phố Thái Bình

Qua khảo sát thực tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Trương Minh Hoàng đánh giá cao sự cố gắng đầu tư cơ sở vật chất của các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh để bảo đảm vấn đề an toàn thực phẩm; nhận thức của cán bộ, nhân viên y tế, thú ý, tiểu thương kinh doanh. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Trương Minh Hoàngcũng cho rằng, vấn đề quản lý nguyên liệu, thực phẩm đầu vào vẫn chưa chặt chẽ, việc giết mổ gia cầm tại chưa chưa có sự kiểm soát chặt chẽ, hàng hóa bày bán chưa khoa học. Vì vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời, tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất và trong buôn bán tại các chợ; đồng thời tích cực thông tin tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho người dân địa phương đặc biệt là các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tin và ảnh: Bảo Yến