Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tư pháp về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016

01/03/2017

Thực hiện Chương trình công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XIV, sáng 1/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn công tác số 2 do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định làm Trưởng Đoàn đã làm việc với Bộ Tư pháp về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016. Thường trực Ủy ban Pháp luật, các thành viên trong Đoàn công tác số 2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu; lãnh đạo các Tổng cục, Vụ, đơn vị Bộ Tư pháp; đại diện Bộ Nội vụ cùng dự buổi làm việc.

Đoàn công tác số 2, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tư pháp                        Ảnh: Đình Nam

Báo cáo về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, về việc ban hành văn bản pháp luật của Bộ, ngành Tư pháp để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng được củng cố và tăng cường; đặc biệt các cơ quan Thi hành án dân sự đã được nâng cấp thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương với cơ chế điều hành tập trung, thống nhất, thông suốt, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy của Bộ, ngành còn chậm so với yêu cầu, thời hạn đặt ra.

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ được thực hiện khá nền nếp; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Bộ đã có bước phát triển nhanh; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, kiên định với chủ trương, đường lối của Đảng, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, được đào tạo cơ bản, có trình độ năng lực cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; được tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng và có độ tuổi tương đối trẻ so với các Bộ, ngành khác. Các khâu trong quản lý, sử dụng cán bộ như tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện các chế độ chính sách được thực hiện bài bản, chặt chẽ theo đúng quy định và có nhiều đổi mới.

Việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy còn gặp một số khó khăn nhưng bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, đúng hướng; các trường hợp tinh giản biên chế đều được thực hiện trên cơ sở công tác đánh giá cán bộ. Đề án vị trí việc làm của Bộ đã được phê duyệt theo quy định. Việc quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả cụ thể.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng cho rằng, việc triển khai kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy tuy đã được thực hiện kịp thời, bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành nhưng vẫn chưa có giải pháp đột phá trong việc sắp xếp, kiện toàn các đơn vị thuộc Bộ một cách tinh gọn, hợp lý. Một số mảng công tác của Bộ còn phân tán, chưa có sự gắn kết giữa các đơn vị có liên quan thuộc Bộ. Phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ chưa kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với việc đổi mới nội dung, phương thức quản lý và tăng cường thanh tra, kiểm tra (công tác hậu kiểm tra) để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và giải quyết các công việc cho người dân. Theo quy định của pháp luật, các lĩnh vực công tác của Bộ Tư pháp được phân cấp cho cơ quan tư pháp địa phương thực hiện, tuy nhiên, Bộ Tư pháp chỉ có thẩm quyền hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ còn tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan tư pháp địa phương do chính quyền địa phương quản lý, chỉ đạo, dẫn đến khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện đồng bộ việc kiện toàn tổ chức, cán bộ để triển khai nhiệm vụ được giao.

Việc thực hiện xã hội hóa trong công tác tư pháp tuy đã đạt được nhiều kết quả, nhưng lộ trình còn chưa thực sự phù hợp, thiếu định hướng chiến lược. Trong thời gian tới cần nghiên cứu, từng bước xã hội hóa các dịch vụ công của Bộ, ngành Tư pháp với lộ trình phù hợp gắn với việc tăng cường quản lý của Nhà nước. việc thực hiện biên chế còn chậm, số lượng tinh giản biên chế còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu (năm cao nhất mới đạt 41,51% chỉ tiêu tinh giản biên chế công chức và 17,24% chỉ tiêu tinh giản biên chế viên chức). Còn một số đơn vị có số lượng cấp phó vượt quá số lượng so với quy định.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu giải trình một số nội dung tại buổi làm việc

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho rằng, chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, có việc phức tạp, nhạy cảm trong khi nhận thức của một số đơn vị thuộc Bộ, một bộ phận công chức, viên chức chưa thực sự sâu sắc, đầy đủ; khối lượng công việc, nhiệm vụ mới bổ sung cho Ngành tăng nhiều, mức độ phức tạp, yêu cầu chất lượng thực hiện các nhiệm vụ ngày càng cao, do đó, việc kiện toàn, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho Bộ, ngành.

Bên cạnh đó, sự phối hợp của Thủ trưởng một số đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan hữu quan đối với công tác tổ chức cán bộ ngành Tư pháp đôi lúc còn chưa được quan tâm đúng mực; việc xây dựng thể chế về tổ chức bộ máy của Bộ, ngành phụ thuộc vào việc ban hành các văn bản của Quốc hội, Chính phủ hoặc hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Do đó, trong bối cảnh yêu cầu cao về tiến độ, việc nghiên cứu, rà soát để có thể đề xuất việc kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, khoa học, hợp lý còn chưa đảm bảo; chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp còn khó khăn dẫn đến khó thực hiện cơ chế thu hút cán bộ, chuyên gia có trình độ, năng lực chuyên môn giỏi, nhiều cán bộ xin ra khỏi Ngành; cán bộ, công chức đa số là trẻ, còn chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, việc tham mưu về công tác tổ chức bộ máy và cán bộ đạt hiệu quả chưa cao.

Nhận xét, đánh giá bước đầu một số nội dung trong Báo cáo của Bộ Tư pháp, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung, bố cục của Báo cáo đã được xây dựng trên khung Đề cương theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Báo cáo đã đánh giá tương đối đầy đủ việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Bộ giai đoạn 2011- 2016, những kết quả, mặt tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Trần Thị Dung cho rằng, dung lượng nội dung của Báo cáo chưa cân đối, cụ thể như phần nhận xét, kiến nghị chưa tương xứng với kết cấu của phần tình hình thực hiện. Hơn nữa, khi đánh giá, nhận xét về những ưu điểm và những tồn tại, hạn chế của việc ban hành văn bản pháp luật của Bộ Tư pháp để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Bộ trong giai đoạn 2011- 2016, trong Báo cáo chưa có sự phân chia đánh giá, nhận xét theo các giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013, năm 2013 đến tháng 7/2016 và từ tháng 7 đến tháng 12/2016; chưa so sánh với các giai đoạn trước đó nên nội dung nhận định, đánh giá còn chung chung, lặp đi, lặp lại. Ngoài ra, Báo cáo chưa đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành văn bản của Bộ để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy hành chính của Bộ. Đồng thời, việc đánh giá nhận xét về một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc khi tổ chức thực hiện văn bản về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước còn đơn giản, chưa cụ thể. Do đó, đề nghị cần có những đánh giá cụ thể hơn về nội dung liên quan tới việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Bộ Tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Đoàn công tác số 2 Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc

Thảo luận, cho ý kiến tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác số 2 đề nghị Báo cáo của Bộ Tư pháp cần cụ thể, làm rõ hơn nữa một số vấn đề như việc tổ chức bộ máy hành chính đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả chưa? Tại sao việc tinh giản biên chế chỉ thực hiện được tại địa phương và chỉ trong công chức thi hành án dân sự? Quan điểm về việc có ý kiến cho rằng biên chế thi hành án dân sự quá đông gần bằng kiểm sát, với tổng biên chế như hiện nay đã đảm đương được nhiệm vụ chưa trong khi vẫn cần phải đến sự hỗ trợ của Thừa phát lại? Vấn đề thi tuyển một số chức danh, vị trí việc làm đã được Bộ tổ chức thực hiện nhưng chưa được báo cáo, đánh giá? Cần làm rõ nguyên nhân tại sao số công chức tại Bộ là chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính chiếm tỷ lệ thấp (tương ứng là 0,8% và 9,2%) và giải pháp của Bộ về vấn đề này?...

Giải trình một số câu hỏi của thành viên Đoàn công tác số 2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, tính chất của ngành thi hành án dân sự là phức tạp, khó khăn, về cơ bản, khi tòa án, viện kiểm sát giải quyết vụ việc nào thì thi hành án dân sự phải xử lý vụ việc đó. Do đó, yêu cầu về biên chế cho ngành thi hành án dân sự là cần thiết. Đối với chủ trương thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ, vấn đề này đã được Bộ Tư pháp thực hiện trong một số năm gần đây và đã thu được nhiều kết quả tích cực, các trường hợp trúng tuyển luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, qua đó thể hiện được sự đúng đắn của chủ trương này. Đối với một số nội dung khác, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu xin ghi nhận, tiếp thu và sẽ hoàn thiện trong Báo cáo bổ sung của Bộ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá để đề xuất kiện toàn tổ chức của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ và sửa đổi Nghị định số 22/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp theo hướng dẫn được xác định; tiếp tục hoàn thiện các quy chế nội bộ về công tác cán bộ, nhất là các quy định liên quan đến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bổ nhiệm, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ lãnh đạo quản lý… Đồng thời đề nghị Quốc hội quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện, phối hợp với Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, biên chế và chế độ, chính sách đối với cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp; tăng cường giám sát việc cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế theo quy định của Hiến pháp, luật và các Nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao…

Đối với Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp đề nghị nghiên cứu, tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý công chức và quản lý viên chức để bổ sung, hoàn thiện bảo đảm đầy đủ phù hợp với Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, đặc biệt là ban hành các quy định mới có tính đột phá về tuyển dụng và thu hút người có năng lực, kinh nghiệm công tác để tạo cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức và xây dựng đội ngũ chuyên gia của các cơ quan, đơn vị; kiện toàn và sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp bảo đảm quy định đầy đủ, cụ thể, không bỏ sót, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp với các bộ, ngành khác; từng bước xã hội hóa các dịch vụ công của Bộ, ngành Tư pháp với lộ trình phù hợp gắn với việc tăng cường quản lý của Nhà nước. Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp địa phương tương ứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm sự thông suốt, cân đối trong hệ thống cơ quan tư pháp từ trung ương đến địa phương.

Phát biểu kết luận, ghi nhận các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Đoàn công tác số 2 Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ Tư pháp, các cơ quan có liên quan tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện Báo cáo; gửi cho Đoàn giám sát, Đoàn công tác, Bộ Nội vụ trước ngày 15/3 tới.

Quang Minh

Các bài viết khác