Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016

02/03/2017

Thực hiện chương trình làm việc của Đoàn giám sát với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, sáng 2/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn công tác số 2 thuộc Đoàn giám sát của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung này.

Tham dự buổi làm việc còn có Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thành viên Đoàn giám sát cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, từ năm 2011 đến nay Bộ đã ban hành 01 nghị định, 06 quyết định, 11 Thông tư. Việc ban hành và xây dựng văn bản về cải cách bộ máy hành chính nhà nước bao quát toàn diện các nội dung quản lý của Bộ, tiếp tục phân định rõ hơn trách nhiệm quản lý của các cơ quan, đơn vị, giảm thiếu tối đa sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường có sự phân công, phân định tương đối rõ ràng với các Bộ, ngành khác; có sự phân cấp mạnh giữa Trung ương với địa phương. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số lĩnh vực có sự chồng chéo, giao thoa, chưa phân định hợp lý giữa các bộ, ngành như không thống nhất đầu mối thực hiện trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; thiếu sự đồng nhất trong các quy định về quản lý bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, sinh vật biến đổi gen giữa Bộ Tài nguyên- Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế... Một số lĩnh vực chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ vẫn còn nhiều đầu mối thực hiện như trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, tài nguyên nước.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa báo cáo tại buổi làm việc                                      Ảnh: Đình Nam

Với 09 lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ hiện có 22 đơn vị hành chính trực thuộc. Giai đoạn 2011-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao bổ sung một số chức năng nhiệm vụ và thành lập mới một số tổ chức, tuy nhiên biên chế công chức của Bộ không được giao thêm. Trong hai năm thực hiện đề án tinh giảm biên chế, các đơn vị thuộc Bộ đã tinh giản được 468 người, trong đó có 02 công chức và 466 viên chức.

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện đề án tinh giản biên chế của một số đơn vị chưa đúng đề xuất, cơ cấu tổ chức của một số đơn vị chưa thực sự tinh gọn là do lãnh đạo một số đơn vị chưa coi cải cách tổ chức bộ máy hành chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, có tính chất then chốt; chưa phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến công tác của đơn vị.   

Ghi nhận những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cũng như các tồn tại, hạn chế mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẳng thắn chỉ ra, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đánh giá sâu sắc hơn công tác ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đánh giá năng lực đáp ứng chức năng nhiệm vụ quyền hạn khi thực hiện cải cách và cần có các đề xuất, kiến nghị cụ thể, chi tiết hơn.

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có rà soát tổng thể về tổ chức bộ máy hành chính không chỉ ở cấp Bộ mà ở cả địa phương, đánh giá xem xét tính phù hợp, hiệu quả của mô hình quản lý hiện nay đối với Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; rà soát đánh giá lại việc tổ chức sáp nhập các đơn vị sự nghiệp với các cục, vụ; tỷ lệ lãnh đạo/công chức tại các vụ, đơn vị cũng như trách nhiệm của Bộ trong việc đôn đốc, chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Giải trình thêm về các vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đối với lĩnh vực tài nguyên môi trường tổ chức quản lý đa ngành đa lĩnh vực như hiện nay của Bộ là cách tiếp cận quản lý đúng đắn, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Trong công tác quản lý nhà nước, Bộ đã đẩy mạnh phân cấp quản lý đến địa phương, quy định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền trách nhiệm của mỗi cấp trong hệ thống hành chính nhà nước. Nhờ việc phân cấp, Bộ có điều kiện tập trung vào hoàn thiện thể chế, quản lý vĩ mô, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật. Ngoài ra đối với việc tổ chức quản lý cung cấp dịch vụ công đẩy mạnh giao cho các đơn vị sự nghiệp hoặc xã hội hóa.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, tại địa phương, cấp sở có khoảng 40- 50 cán bộ phục trách tất cả 9 lĩnh vực của ngành tài nguyên môi trường, cấp huyện có 9 người phụ trách 9 lĩnh vực, cấp xã 1 người là kiêm nhiệm như vậy số đầu việc, chức năng nhiệm vụ được phân không tương xứng với số người làm việc và chế độ tài chính. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị thời gian tới cần xem xét lại quy định về đánh giá, xử lý cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ; xem xét phân bổ các nguồn lực đầu tư hàng năm không nên chỉ dựa vào số lượng công chức, viên chức mà dựa vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện trong năm đó; phân cấp quản lý nguồn lực từ trung ương đến địa phương bởi quy trình hiện nay còn phức tạp chưa rõ trách nhiệm của người chỉ đạo chuyên môn với người sử dụng nguồn lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ, ghi nhận những kết quả bước đầu trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng đánh giá sâu sắc hơn những tồn tại hạn chế về quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn; công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện cải cách tổ chức bộ máy; việc xây dựng, triển khai thực hiện đề án vị trí việc làm. Qua đó đề xuất kiến nghị giải pháp sát với tồn tại, hạn chế đã nêu. 

Bảo Yến

Các bài viết khác