Đoàn giám sát làm việc với Bộ Giao thông vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam
Theo Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 của Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian qua, tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải cơ bản giữ ổn định, không nâng cấp mô hình tổ chức, không có các tổ chức trung gian trong cơ cấu tổ chức. Bên cạnh đó, để đảm bảo quản lý đầy đủ, bao quát toàn diện các mảng nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý, Bộ Giao thông vận tải đã được Chính phủ đồng ý thành lập 2 tổ chức hành chính mới; ngoài ra, thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, Bộ đã sắp xếp lại và chuyển một số Ban Quản lý dự án trực thuộc Cục về trực thuộc Bộ.
So với năm 2011, cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải tăng 2 cơ quan hành chính (Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Đối tác công- tư) và 6 đơn vị sự nghiệp (Ban Quản lý dự án). Thực chất của việc tăng số lượng các tổ chức này là do sắp xếp lại các tổ chức hiện có hoặc chuyển một số đơn vị từ các Cục về trực thuộc Bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao (quản lý các doanh nghiệp trực thuộc Bộ, doanh nghiệp có vốn góp của Bộ; thay mặt Bộ quản lý các dự án do Bộ làm chủ đầu tư).
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo tổ chức sắp xếp lại các đơn vị thuộc Tổng cục, các cục, theo đó đã giảm 1 báo và 7 tạp chí; cổ phần hóa được 10 đoạn quản lý đường sông thuộc Cục Đường thủy nội địa, Bệnh viện Giao thông vận tải thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải (từ mô hình đơn vị sự nghiệp sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần), thí điểm xã hội hóa một số trung tâm, trạm cơ giới đường bộ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải không có biến động về quy mô theo hướng nâng cấp từ phòng lên vụ, từ vụ lên cục và từ cục lên tổng cục.
Về thực hiện chính sách tinh giản biên chế, đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt được 42 đề án tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vụ thuộc và trực thuộc Bộ. Các đề án phê duyệt đều bảo đảm tỷ lệ và lộ trình tinh giản hàng năm và 7 năm.
Theo Báo cáo về tổ chức bộ máy các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc của Cục Đăng kiểm Việt Nam, về tổ chức bộ máy, cơ quan Cục Đăng kiểm Việt Nam có 1 văn phòng và 14 phòng tham mưu giúp việc Cục trưởng trong công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành chung của ngành Đăng kiểm trên toàn quốc. Cục Đăng kiểm Việt Nam có 24 Chi cục Đăng kiểm, 13 Trung tâm Đăng kiểm trực thuộc và 5 tổ chức khác trực thuộc. Các đơn vị trực thuộc có trụ sở đóng trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới mô hình tổ chức của các trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam thường xuyên tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có điều chỉnh, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý trong hoạt động đăng kiểm; đồng thời tổ chức thực hiện tốt công tác đăng kiểm các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải, góp phần nâng cao chất lượng phương tiện, tăng cường khả năng hoạt động an toàn, hiệu quả của phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Hệ thống các trung tâm đăng kiểm với 3 mô hình như hiện tại hoạt động hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội nước ta trong giai đoạn hiện nay và tương đồng với mô hình của nhiều nước trong khu vực.
Nhận xét về báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Báo cáo đã đánh giá tương đối đầy đủ, toàn diện về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Bộ giai đoạn 2011- 2016. Các số liệu thống kê về cơ cấu tổ chức, biên chế trong báo cáo đã đầy đủ, thể hiện rõ biến động về tổ chức, biên chế theo các mốc thời gian theo yêu cầu. Tuy nhiên, nội dung báo cáo về kết quả rà soát chức năng, nhiệm vụ cần làm rõ hơn việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ qua từng giai đoạn, những tác động đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ do việc sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành, do có sự điều chỉnh trong phân công của Chính phủ…
Bên cạnh đó, Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải còn chưa làm rõ được các chỉ tiêu về kết quả phải đạt được trong cải cách tổ chức bộ máy theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật hoặc kế hoạch do Bộ đề ra. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cần làm rõ hơn việc tăng số lượng đáng kể các đơn vị thuộc Bộ đã tác động như thế nào đến tình hình biên chế và việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.
Về Báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Đoàn giám sát nhận định, Báo cáo đã phản ánh toàn diện về hệ thống các đơn vị đăng kiểm, quá trình cải cách chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy các trung tâm đăng kiểm; các thuận lợi, khó khăn. Theo Đoàn giám sát, giai đoạn 2011- 2016 là giai đoạn đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ đăng kiểm, thực hiện tách bạch chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm với cung cấp dịch vụ hành chính công về đăng kiểm và đạt thành công bước đầu. Tuy nhiên, thời điểm cuối 2016 so với cuối 2011, mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp đăng kiểm được thành lập nhưng số trung tâm đăng kiểm của Nhà nước chưa giảm nhiều.
Thay mặt Đoàn giám sát, Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Phó Trưởng Đoàn giám sát Trần Văn Túy đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát hôm nay; tiếp tục rà soát, bổ sung, giải trình các nội dung Đoàn giám sát đề nghị để hoàn thiện báo cáo của mình.