Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát các điểm sụt lún công trình BOT Quốc lộ 1A

21/03/2017

Ngày 20/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Quang dẫn đầu đã thực hiện việc giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng- xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT) trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Phát hiện những hạn chế, bất cập để kịp thời đề xuất những giải pháp xử lý, từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả trong khuyến khích đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT đúng quy định của pháp luật- đó là mục đích của chương trình giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.

Tại địa bàn tỉnh Nghệ An, Đoàn giám sát của Quốc hội đã đi thực địa các địa điểm gồm: Đoàn trực tiếp kiểm tra hiện trường tại Dự án mở rộng QL1A đoạn Km368+400 (Nghi Sơn)- Km402+330 (Cầu Giát), tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An theo hình thức hợp đồng Xây dựng- Kinh doanh- Chuyển giao (BOT) được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 412 ngày 20/2/2013 với nguồn vốn tư nhân do Liên danh Tổng Công ty 319- Cienco4 thi công. Dự án được sử dụng nguồn vốn thu phí tại trạm thu phí Hoàng Mai để hoàn vốn từ ngày 1/5/2015. Theo thời gian hợp đồng giữa Bộ Giao thông vận tải và Liên danh Nhà đầu tư dự kiến là 17 năm 5 tháng 15 ngày.

Đoàn giám sát kiểm tra tại Dự án mở rộng QL1A đoạn Km368+400- Km402+ 330, Cầu Giát, tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An

Tiếp đó, đoàn giám sát thực địa Dự án nút giao khác mức giữa QL1 với QL 48B là đoạn QL48B nối từ nút giao đến cảng Lạch Quèn với tổng mức đầu tư 371,11 tỷ đồng (được bổ sung vào dự án mở rộng QL1A đoạn Nghi Sơn - cầu Giát) và Dự án tuyến đường tránh TP Vinh.

Tại những công trình đoàn kiểm tra, nhà thầu, đơn vị quản lý Dự án BOT là Liên danh Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 và Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng đã cung cấp một số vấn đề liên quan đến nguồn vốn, thời gian thi công, chiều dài tuyến, phương thức quản lý, khai thác công trình sau khi hoàn thành với Đoàn giám sát của Quốc hội.

Từ kết quả thực tế, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập hợp, rà soát, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá lại hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo mô hình BOT.

Đồng thời phát hiện những hạn chế, bất cập để kịp thời đề xuất những giải pháp xử lý, từ đó hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cũng như đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả trong khuyến khích đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT đúng quy định của pháp luật.

Sau chương trình khảo sát thực địa, sáng 21/3, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng- xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT). 

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cho biết: Giai đoạn 2011 - 2016, trên địa bàn Nghệ An có 2 dự án giao thông BOT mà Bộ Giao thông - Vận tải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, gồm: Dự án tuyến tránh TP Vinh dài 25km do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) thực hiện; Dự án QL1 đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa)- Cầu Giát (Nghệ An) dài 34km do Liên danh Cienco 4- Tổng công ty 319 thực hiện. Các dự án hoàn thành đã đóng góp quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, mang lại nhiều lợi ích KT- XH cho Nghệ An. Tuy nhiên, mức phí, lộ trình tăng phí có điểm chưa phù hợp, gây bức xúc trong nhân dân, điển hình là ở trạm thu phí cầu Bến Thủy 1. Phó Chủ tịch UBND Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cho rằng, việc này cần được giải quyết sớm và kiến nghị chỉ đầu tư theo hình thức BOT đối với các dự án xây tuyến đường mới hoặc cải tạo những tuyến không phải là độc đạo. Đại diện Cienco 4 cũng đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính sớm có phương án đối với trạm thu phí Bến Thủy 1; Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành hoàn thiện thể chế cho hình thức đầu tư công tư (PPP), trong đó có BOT; tinh giản các thủ tục nghiệm thu và thanh toán...  

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong số 80 dự án giao thông BOT trên cả nước, có 65% là dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường cũ. Hiện Bộ đã tạm dừng triển khai các dự án BOT mới để rà soát các vấn đề liên quan. Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải cũng yêu cầu hai nhà đầu tư Cienco 4 và Tổng công ty 319 nhanh chóng triển khai thu phí không dừng.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Hữu Quang đánh giá cao và ghi nhận đóng góp của Bộ Giao thông- Vận tải, UBND tỉnh Nghệ An và 2 nhà đầu tư trong việc thực hiện các dự án; khẳng định các công trình đã tác động tích cực đối với sự phát triển KT- XH tỉnh. Liên quan đến bức xúc của người dân về trạm thu phí Bến Thủy 1, Phó Trưởng đoàn giám sát đề nghị Bộ Giao thông- Vận tải, tỉnh Nghệ An và nhà đầu tư phải có giải pháp rốt ráo. Đoàn giám sát sẽ kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành liên quan giải quyết vấn đề của trạm thu phí Bến Thủy 1 và có chính sách cho người dân sống gần trạm thu phí. Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Giao thông- Vận tải quản lý chặt chi phí, tổng mức đầu tư của các dự án và nhấn mạnh: những dự án giao thông BOT sau này phải gắn với Luật Phí và lệ phí 2015.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  vừa ra Nghị quyết về lập đoàn giám sát các công trình giao thông được xây dựng bằng hình thức BOT- xây dựng, kinh doanh và chuyển giao. Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giám sát một hình thức đầu tư riêng trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Dự kiến, Đoàn giám sát sẽ thực hiện trên phạm vi cả nước, các công trình nằm trong tầm giám sát là dự án được cấp giấy phép xây dựng từ năm 2011 - 2016. Mục đích của Chương trình giám sát là rà soát, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo mô hình BOT.

Đặng Mai tổng hợp