Cần hoàn thiện các quy định của pháp luật trong hoạt động tố tụng nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

27/03/2017

Ngày 27/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức cuộc họp về "Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em". Tại cuộc họp các đại biểu đề nghị cần phải kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của pháp luật tố tụng hình sự, hướng dẫn cụ thể các nội dung về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong luật hình sự để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Với sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền gồm Bộ là Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cuộc họp nhằm đánh giá khách quan và toàn diện về thực trạng, tình hình xâm hại tình dục trẻ em; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Cần có hướng dẫn cụ thể xác định dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội trong nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan, pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em. Pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em, chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em nạn nhân của xâm hại, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục khi tham gia vào quá trình tố tụng; chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng, bảo vệ người tố giác. Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em bỏ sót nhiều hành vi xâm hại trẻ em; việc xử lý vi phạm hành chính về xâm hại trẻ em ít được thực hiện trên thực tế mà chủ yếu tập trung vào các vi phạm hình sự nên tính phòng ngừa, răn đe yếu; thiếu các quy trình và hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của bạo lực, xâm hại. Thiếu những quy định xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại.

Một số điều luật về các tội xâm hại tình dục trẻ em tại Bộ luật hình sự quy định về dấu hiệu của tội phạm còn chưa cụ thể, nên khi áp dụng vẫn còn có những quan điểm đường lối xử lý thiếu thống nhất, tùy nghi do cách hiểu, cách tiếp cận của các cơ quan tư pháp khác nhau. Theo Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến, hiện nay chưa có cách hiểu thống nhất giữa các cơ quan tư pháp trong xác định dấu hiệu đặc trưng rõ ràng của hành vi ở tội dâm ô đối với trẻ em. Vì hành vi xảy ra ở bên ngoài nên việc chứng minh tội phạm là rất khó khăn. Vì vậy đại biểu đề nghị cần phải sớm có hướng dẫn quy định cụ thể về tội dâm ô đối với trẻ em khắc phục vướng mắc đang tồn tại giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong xác định tội danh đối với tội này. Qua đó, để các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ can thiệp, đấu tranh phòng chống tội phạm một cách có hiệu quả, tránh tình trạng áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi tội phạm gây ra.

Cần có quy trình tố tụng đặc biệt trong giải quyết tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Theo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, để xử lý tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em, bắt buộc phải có kết luận giám định pháp y và những chứng cứ có liên quan khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội và sẽ bị khởi tố điều tra, truy tố, xét xử về tội gì quy định trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, nhưng gia đình tố cáo muộn, không biết thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn dẫn đến không xử lý đối tượng phạm tội trong những trường hợp này. Đồng thời do ám ảnh, xấu hổ nên nhiều trường hợp không tố cáo và cung cấp thông tin cho cơ quan pháp luật.

Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự theo hướng quy đinh định biện pháp điều tra đặc biệt đối với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, có thể tham khảo cách thu nhập chứng cứ của nước ngoài đối với loại tội phạm này để bảo đảm việc thu thập đầy đủ dấu vết, vật chứng làm căn cứ vững chắc cho việc xử lý chính xác, kịp thời đối với các hành vi phạm tội xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Có cùng quan điểm về việc cần phải có quy trình thủ tục đặc biệt trong giải quyết các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng hiện nay sự phối hợp giữa cơ quan công an và cơ quan y tế, cơ quan giám định chưa kịp thời gây ảnh hưởng đến kết quả giám định cũng như thu thập chứng cứ; ngành y tế cũng chưa chú trọng đến xác định tổn hại tinh thần của trẻ em là người bị hại. Hơn nữa trong quá trình điều tra, việc tiếp xúc lấy lời khai, xét hỏi trẻ em là người bị hại, nhân chứng còn chưa thân thiện, chưa phù hợp với trẻ em, nhiều trường hợp còn làm tổn hại thêm tinh thần của trẻ em. Vì vậy, đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị cần phải có quy trình thủ tục đặc biệt nhằm thu thập nhanh chứng cứ, bảo đảm lấy lời khai không làm tổn hại tinh thần của trẻ em, quá trình xét xử thân thiện.  

Đại biểu Nguyễn Chiến cũng đề nghị cần xem xét bổ sung quy định trong quá trình tố tụng bảo đảm sự tham gia của người bào chữa bảo vệ quyền lợi cho người bị hại và những người có liên quan, đặc biệt là trẻ em bởi hiện nay quy định về trình tự thủ tục tham gia bảo vệ quyền lợi cho người bị hại và những người có liên quan của luật sư trong pháp luật tố tụng còn rất sơ sài, hạn chế.

Trong quy trình thủ tục giải quyết vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thái Học cho rằng nhiều vụ án có đơn thư tố giác tội phạm nhưng các cơ quan chức năng chỉ quyết liệt xử lý khi có chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên hay báo chí và dư luận lên tiếng. Các số liệu báo cáo chưa thống kê được số lượng các đơn thư, tin báo tố giác tội phạm và việc xử lý các đơn thư như thế nào, do đó chưa có đánh giá đúng thực trạng và thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền về tình hình tội phạm. Đặt vấn đề có hay không việc các cơ quan chức năng có tâm lý “dễ làm, khó bỏ”, đại biểu cho rằng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý tin báo, tố giác các tội xâm hại tình dục trẻ em bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Nhấn mạnh chủ trương nhất quán trong việc bảo vệ chăm sóc trẻ em, quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, kết luận cuộc họp Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tích cực thực hiện hoặc đề xuất thực hiện các giải pháp để tăng cường đấu tranh với loại tội phạm này. Theo đó, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp ở Trung ương rà soát, kiểm tra các quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là tội dâm ô trẻ em để ban hành văn bản hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn. Đề nghị Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu sớm ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ xử lý tin báo, tố giác, khởi tố, điều tra, truy tố các tội xâm hại tình dục trẻ em bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao rà soát các quy định của pháp luật, kiểm tra việc tổ chức và hoạt động của Tòa án gia đình và người chưa thành niên bảo đảm quy trình xét xử thân thiện đối với trẻ em.

Ngoài ra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng có những kiến nghị, đề xuất nhằm tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em như công tác giáo dục tuyên truyền cần được đầu tư, quan tâm đúng đối tượng là trẻ em nhằm nâng cao nhận thức cho trẻ em; phối hợp tích cực, hiệu quả và làm rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành; làm rõ vai trò đầu mối của các cơ quan tư pháp; tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan của Quốc hội trong công tác giám sát chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. 

Tin và ảnh: Bảo Yến

Các bài viết khác