Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách: Cân nhắc yếu tố quốc phòng - an ninh khi cho thuê tài sản công không sử dụng hết công năng

04/04/2017

Tiếp tục Chương trình làm việc của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 4/4, tại phòng Thăng Long- Nhà Quốc hội, Hội nghị đã xem xét, thảo luận về một số nội dung của dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận về Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)      Ảnh: Đình Nam

Thay mặt Ủy ban Tài chính- Ngân sách (TCNS) báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) (Dự thảo luật), Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại Tổ ngày 31/10/2016 và tại Hội trường ngày 10/11/2016, Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo đã tổ chức các cuộc hội thảo, tòa đàm để tiếp thu và giải trình ý kiến các vị ĐBQH. Tiếp đó, tại các phiên họp tháng 1 và 2/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án luật trên. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện Dự thảo luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự án luật gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH.

Tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến góp ý về một số vấn đề lớn của Dự thảo luật như về phạm vi điều chỉnh (Điều 1); về sử dụng, khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích cho thuê, khai thác, góp vốn liên doanh, liên kết tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 32, 51, 53, 54, 55, 56); về huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại các đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 57); về xử lý tài sản là máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu được mua để thực hiện nhiệm vụ và sản phẩm thử nghiệm được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ (Điều 105); về quản lý, sử dụng tài sản cho, biếu, tặng…

Cần làm rõ khái niệm về tài sản công

ĐBQH Tống Thanh Bình: Bổ sung đầy đủ khái niệm tài sản công và bảo đảm tính thống nhất với khái niệm quy định tại Bộ luật hình sự

Cơ bản nhất trí với các nội dung trong Dự thảo Luật, tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Tống Thanh Bình- tỉnh Lai Châu, việc nêu khái niệm tài sản công và liệt kê các tài sản tại Khoản 1, Điều 3- Dự thảo Luật là chưa đầy đủ. Việc quy định như hiện nay sẽ thiếu một số tài sản được quy định tại Điều 21- Dự thảo Luật như quyền sử dụng đất, trụ sở làm việc, quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng cơ sở dữ liệu và các tài sản vô hình khác. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung sao cho đầy đủ, đồng thời phải đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với khái niệm về tài sản quy định tại Bộ luật hình sự.

Theo đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng- tỉnh Điện Biên, khái niệm về tài sản công trong Dự thảo Luật hiện chưa có sự thống nhất với quy định tại Luật kiểm toán nhà nước. Theo đó, Luật kiểm toán nhà nước quy định khái niệm về tài sản công thì rất đầy đủ, bao hàm cả tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, khoáng sản. Đại biểu đề nghị phải xem xét lại để quy định thống nhất với Luật kiểm toán nhà nước, trong đó nên bổ sung thêm tài nguyên rừng là tài sản công để quản lý.

Cũng cho rằng việc liệt kê khái niệm về tài sản công như trong Dự thảo Luật là chưa rõ, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm- tỉnh Bắc Giang đặt câu hỏi việc tài sản do ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp vào các cơ sở đình, chùa, tôn giáo liệu có là tài sản nhà nước hay không và có cần phải quản lý hay không?. Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến- tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần giải thích, làm rõ thêm một số khái niệm quy định tại Điều 3- Dự thảo Luật như "tài sản đặc biệt", "tài sản vô chủ", "tài sản không xác định chủ sở hữu", "tài sản công hình thành trong tương lai"…

Cân nhắc yếu tố quốc phòng- an ninh khi cho thuê tài sản công không sử dụng hết công năng

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm- tỉnh Bắc Giang cho rằng, bản chất của việc tài sản công tại cơ quan nhà nước khi không sử dụng hết công năng mang cho thuê là sử dụng lãng phí tài sản công vì đầu tư vượt quá nhu cầu sử dụng, khi vượt lên thì mang cho thuê. Sự cho thuê này nếu xét về mức độ sử dụng và hiệu quả sử dụng của xã hội thì chắc chắn không bằng việc tài sản này hoặc cơ sở vật chất này nằm trong tay các cơ sở kinh doanh chuyên nghiệp như các doanh nghiệp. Do đó, đại biểu cho rằng, đối với những tài sản công đầu tư vượt quá nhu cầu sử dụng mà không còn sử dụng nữa thì có cơ quan quản lý thu hồi về, sau đó hoặc là đấu giá, hoặc là điều chỉnh cho đơn vị có nhu cầu sử dụng để phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng của tài sản này thì về mặt lợi ích xã hội, tập thể sẽ lớn hơn.

ĐBQH Trần Văn Lâm: Tài sản công khi không sử dụng hết công năng mang cho thuê là sử dụng lãng phí tài sản công

Về việc sử dụng tài sản công để thế chấp, cho thuê đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, việc thế chấp vay vốn ngân hàng cũng tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn. Nếu đơn vị làm ăn không trả được vốn thì lại phải dùng tài sản khác, tiền vốn khác để trả cho ngân hàng, do đó, đây cũng là một dạng thất thoát tài sản nhà nước và bản chất cuối cùng nhà nước vẫn phải bỏ tiền ra trả nợ. Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm cá nhân được giao quản lý tài sản công trong trường hợp để thất thoát, thua lỗ hoặc những tài sản đi mượn, đi thuê để mất, hỏng, không thể nói chung vào tập thể, đơn vị.

Mặt khác, dưới góc độ quốc phòng- an ninh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, việc khai thác, sử dụng tài sản công chưa sử dụng hết công năng ở một số nơi hiện nay “có nhiều vấn đề dẫn tới mất an ninh, an toàn”. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc vấn đề này, phải có loại trừ một số trường hợp nhằm “vì những lợi ích lớn hơn”.

Cùng chung ý kiến trên, đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức- tỉnh Cao Bằng cũng cho rằng, cần nhất quán nguyên tắc không được cho thuê, kinh doanh dịch vụ liên doanh, liên kết vì nhiều tài sản, phương tiện, thiết bị liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh- quốc phòng. Tuy nhiên, theo đại biểu Bế Minh Đức, cũng có thể khai thác một số tài sản công không ảnh hưởng đến công tác quản lý cũng như không làm thất thoát tài sản nhà nước như nhà công vụ, cơ sở dữ liệu, quyền sở hữu trí tuệ…v.v.. nhằm thúc đẩy đơn vị sự nghiệp công lập phát triển, tạo sự chủ động cho đơn vị và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Quản lý chặt chẽ việc đầu tư, xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước

Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan- tỉnh Quảng Ninh, vấn đề đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước theo hình thức đối tác công- tư đã và đang thực hiện. Thực tế có những tài sản công, có những nhà đầu tư đã tiến hành đầu tư theo hình thức công- tư để xây dựng các công trình cho thuê, các trụ sở để cho các tổ chức, cá nhân thuê làm trụ sở làm việc. Tuy nhiên, việc quản lý không tốt dẫn đến phải lấy nguồn vốn ngoài để huy động cho việc xây dựng các trụ sở mới nhưng lại phải bỏ ra nguồn ngân sách nhà nước để đi thuê trụ sở làm việc. Do đó, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, việc quản lý đối với quá trình đầu tư trụ sở công theo hình thức công- tư là rất quan trọng và cần phải quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn cả trong quá trình phê duyệt dự án, triển khai dự án và cả trong quá trình tính giá hợp đồng cho đơn vị đầu tư, tính giá cho thuê….

ĐBQH Đỗ Thị Lan: Việc quản lý đối với quá trình đầu tư trụ sở công theo hình thức công- tư là rất quan trọng

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng- tỉnh Quảng Trị cho rằng, hiện nay có một thực tiễn là vấn đề cải tạo, mở rộng, sửa chữa các trụ sở nhà nước chưa được đặt vấn đề trong luật. Vì vậy, cần phải có nội dung quản lý về mặt nguyên tắc, trường hợp nào thì được sửa chữa, cải tạo, nếu không quy định vấn đề này thì có thể phát sinh lợi dụng vấn đề sửa chữa, cải tạo để có thể làm tổn hại đến tài sản của nhà nước.

Ngoài ra, đối với việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc theo quy định tại Điều 30- Dự thảo luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh và đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn- tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần quy định nhà nước có chính sách phát triển mô hình trụ sở làm việc tập trung để mô hình tiên tiến này sớm trở thành hiện thực một cách tích cực. Đồng thời nhằm tăng cường hiệu quả trong đầu tư, bố trí sử dụng khả năng điều hòa tài sản nhà nước và hạn chế việc đầu tư dàn trải, manh mún gây lãng phí nguồn lực nhà nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã đề nghị đổi tên Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) thành Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công để phù hợp với các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành; đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung, làm rõ một số quy định về sự hình thành các tài sản công để đảm bảo kiểm soát và quản lý được các tài sản này; đề nghị rà soát lại các quy định về loại tài sản sau khi các cơ sở chủ trì nghiên cứu đã kết thúc chương trình nghiên cứu đó thì tài sản đó sử dụng như thế nào; đề nghị cần có quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, sở, ban, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp….Ghi nhận ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội, thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình thêm một số nội dung, đồng thời khẳng định sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu và phối hợp với Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội để bổ sung, hoàn chỉnh Dự thảo Luật.

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận các ý kiến góp ý sâu sắc, toàn diện của các vị đại biểu Quốc hội đối với Dự thảo Luật; khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn chỉnh Dự án Luật trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Quang Minh

Các bài viết khác