Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Bình Phước về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

12/04/2017

Sáng 12/4, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Đoàn Thường trực, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phước về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Tham dự còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi.

Theo báo cáo của tỉnh Bình Phước, trong giai đoạn giám sát, số lượng các cơ quan chuyên môn tỉnh được giữ nguyên, nhưng các tổ chức trực thuộc bên trong cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tăng 18 phòng, để thực hiện các nhiệm vụ phát sinh như: kiểm soát thủ tục hành chính, pháp chế, tổ chức cán bộ, Chi cục Quản lý đất đai... Số lượng phòng chuyên môn cấp huyện tăng 6 phòng. Nhưng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm thành Chi cục Kiểm lâm. Đối với việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, báo cáo của Bình Phước nêu rõ, dù từ năm 2011 đến nay, Bộ Nội vụ không tăng định mức biên chế giao cho tỉnh, nhưng vì thành lập thêm huyện Phú Riềng nên năm 2015 biên chế của tỉnh vượt 374 người so với định mức được giao. Tuy nhiên, trong năm 2016, với sự quyết liệt trong thực hiện tinh giản biên chế với các trường hợp chưa đạt chuẩn trình độ của ngạch, chức danh nghề nghiệp (tinh giản 113 người từ năm 2016- quý I/2017), nên số biên chế vượt định mức của tỉnh chỉ còn 236 biên chế.

Báo cáo của Bình Phước cũng cho biết, việc các bộ, ngành chậm ban hành thông tư liên tịch, thông tư hướng đẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, huyện, xã. Một số thông tư hướng dẫn của bộ, ngành có quy định thành lập tổ chức mới, nhưng địa phương lại không được giao biên chế, nên các đơn vị này đều khó khăn khi được thành lập, vì không có người làm việc. Và giống như nhiều tỉnh, thành phố khác, UBND cấp huyện trên địa bàn cũng đang không chủ động thực hiện nhiệm vụ, do trên địa bàn huyện có các đơn vị thuộc quyền quản lý của tỉnh.

Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc        Ảnh: P. Thủy

Ghi nhận kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính trong giai đoạn 2011- 2016 của Bình Phước, một số thành viên Đoàn giám sát lưu ý, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn chính quyền ở đô thị và nông thôn, từ đó quy định tổ chức bộ máy cho phù hợp với từng loại đơn vị hành chính. Nhưng trên địa bàn Bình Phước nhìn chung số lượng phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, xã không có gì khác biệt, dù nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cao của UBND tỉnh, các sở, ngành trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong giai đoạn vừa qua. Phó Trưởng Đoàn đánh giá cao sáng kiến của nhiều huyện trên địa bàn, khi chuyển một số biên chế cấp huyện về làm việc tại các xã vùng cao, khó khăn, giúp không làm tăng biên chế cấp xã, mà cũng có điều kiện rèn luyện, bồi dưỡng nguồn cán bộ cấp huyện.

Nhấn mạnh bộ máy hành chính và cán bộ cơ sở có vai trò quan trọng với việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Nguyễn Khắc Định đề nghị Bình Phước cần tiếp tục rà soát, tổ chức, sắp xếp bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, để hoàn thành được các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội giao đoạn 5 năm 2016- 2021. Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại đơn vị sự nghiệp công lập không nên chỉ giao Sở Tài chính triển khai, vì chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện đề cao tự chủ về chuyên môn, hoạt động, cơ cấu, tổ chức... Ghi nhận các kiến nghị của UBND tỉnh, huyện về một số vướng mắc, lúng túng khi thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Phó Trưởng Đoàn khẳng định Đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ, báo cáo với Quốc hội, kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời.  

Theo ĐBND