Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp Ảnh: Đình Nam
Theo Tờ trình về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày, Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân được xây dựng trên cơ sở đánh giá về tổ chức, bộ máy của các Tòa án nhân dân hiện nay; nghiên cứu quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, các Luật tố tụng tư pháp quy định về cơ cấu tổ chức, bộ máy, quy mô hoạt động, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp Tòa án…; quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Vị trí việc làm của Toà án nhân dân gồm 2 Đề án (theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ), gồm: Đề án vị trí việc làm của Toà án nhân dân và Đề án vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Toà án nhân dân tối cao.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Đề án vị trí việc làm đã được Toà án nhân dân tối cao chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bám sát các văn kiện, nghị quyết của Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, các quy định của pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Đề án vị trí việc làm của Toà án nhân dân được chia thành 02 Đề án, bao gồm Đề án vị trí việc làm của Toà án nhân dân và Đề án vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Toà án nhân dân tối cao. Hồ sơ Đề án trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo quy định.
Về phạm vi điều chỉnh của Đề án, Toà án nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với nội dung về vị trí việc làm và nội dung về số lượng biên chế. Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, theo quy định của pháp luật thì Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án vị trí việc làm do Toà án nhân dân tối cao trình; đồng thời là cơ quan có thẩm quyền quyết định biên chế công chức của Toà án nhân dân. Tuy nhiên, đây là 02 nội dung khác nhau và thuộc 02 Đề án khác nhau điều chỉnh.
Theo trình tự, Đề án vị trí việc làm sẽ được phê duyệt trước; sau đó, trên cơ sở Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức thì Toà án nhân dân tối cao xây dựng Đề án biên chế trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Đề án chỉ tập trung xác định về vị trí việc làm trong ngành Toà án nhân dân, tiêu chuẩn và các chức danh ngạch công chức tương ứng theo từng vị trí việc làm, không đề cập đến nội dung phê duyệt biên chế.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhất trí với đề nghị của Ủy ban Tư pháp, đề án này chỉ quy định nội dung về vị trí việc làm. Sau khi Tòa án nhân dân tối cao xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục xây dựng đề án về số lượng biên chế.
Về một số đề xuất, kiến nghị của Tòa án nhân dân tối cao, theo Tờ trình và Đề án, Tòa án nhân dân tối cao sẽ thực hiện đúng quy định của Nghị quyết số 39-NQ/TW là tinh giản 10% biên chế hiện có; tuy nhiên, do nhu cầu thực tiễn, để bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị được tuyển dụng lại 10% số công chức đã được tinh giản.
Ủy ban Tư pháp nhận thấy, số lượng biên chế hiện nay của Tòa án nhân dân được Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định từ năm 2012. Sau khi có Hiến pháp 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và nhiều luật, bộ luật về tư pháp mới được Quốc hội thông qua đã có nhiều quy định mới về vị trí, tổ chức và hoạt động của các Tòa án; bổ sung, tăng cường thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, xử lý vi phạm hành chính, thi hành án hình sự... Bên cạnh đó, số lượng các vụ án được Tòa án thụ lý đều tăng hàng năm. Khối lượng công việc lớn với đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng đã tạo áp lực rất lớn lên hoạt động của Tòa án nhân dân. Do đó, bên cạnh việc quán triệt thực hiện nghiêm chủ trương, yêu cầu của Đảng về tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính thì cần tạo điều kiện cần thiết để Tòa án nhân dân các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
Đồng tình với ý kiến của Ủy ban thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng việc Tòa án nhân dân tối cao giảm 10% số lượng biên chế đến năm 2021 là đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, việc tăng thêm 10% biên chế nhằm cơ cấu lại tổ chức bộ máy, góp phần tăng thêm chất lượng của Tòa án, đảm bảo nhiệm vụ là cần thiết.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về vấn đề này. Theo Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, từ nay đến năm 2021, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện tinh giản 10% biên chế trong các Tòa án nhân dân. Đối tượng tinh giản gồm: những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất không đáp ứng yêu cầu; sức khỏe không bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ; có nguyện vọng nghỉ việc theo quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế. Sau đó, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị được tuyển dụng lại 10% số công chức (đã được tinh giản) có chất lượng, tập trung vào chức danh tư pháp (Thư ký Tòa án) để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc, việc giải trình của Tòa án nhân dân tối cao chưa thuyết phục. Thay vào đó, Tòa án nhân dân tối cao có thể đề nghị Bộ Chính trị, Ủy ban thường vụ Quốc hội tinh giản số lượng biên chế ít hơn 10%, tránh dẫn đến xáo trộn về tổ chức, tâm lý, cũng như tránh phát sinh tiêu cực.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giao Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục hoàn thiện lại Đề án vị trí việc làm, sau đó trình Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ phê duyệt, thông qua đề án. Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Đề án về số lượng biên chế cụ thể.