Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra Ảnh: Đình Nam
Theo báo cáo thẩm tra về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho các dự án còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày, Chính phủ kiến nghị cho phép tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới và chỉ giao danh mục cụ thể các dự án khi đã hoàn thành các thủ tục theo đúng quy định.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, phần vốn dự kiến bố trí cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư là khá lớn: hơn 2 nghìn tỷ đồng của các dự án khởi công mới thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương; khoảng 8 nghìn tỷ đồng của các dự án thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, phần vốn dự kiến bố trí cho các dự án chưa hoàn thành thủ tục không lớn, việc một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư xuất phát từ các yếu tố khách quan. Nếu điều chuyển phần vốn này vào nguồn dự phòng sẽ kéo dài quy trình, thủ tục, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Vì vậy, để một mặt vẫn thực hiện nghiêm quy định của Luật đầu tư công, mặt khác, để tháo gỡ khó khăn cho địa phương, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cho phép gia hạn thời điểm các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thiện thủ tục theo quy định đến hết quý II/2017. Sau thời điểm này, nếu các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa hoàn thiện thủ tục thì sẽ điều chuyển toàn bộ phần vốn này vào nguồn dự phòng chung theo quy định.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị chuyển toàn bộ phần vốn từ các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư vào nguồn dự phòng, không thể tiếp tục kéo dài đến hết quý II/2017. Khi nào bàn dự phòng thì sẽ tính sau nhằm tăng sự công khai, minh bạch.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, đến nay đã hết quý I, sang quý II của năm 2017. Theo đúng quy định tại Luật ngân sách, đến nay nếu nơi nào, bộ, ngành nào dự án chưa xong đề nghị không xét nữa, dừng lại và đưa vào dự phòng, đến khi nào xét lại dự phòng thì sẽ có thời gian xem xét.
Về việc giao vốn cho 2 ngân hàng, đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Chính phủ kiến nghị giao kế hoạch vốn trung hạn với số vốn là 20 nghìn tỷ đồng, do Ngân hàng Chính sách xã hội có kết quả hoạt động tương đối tốt, nợ xấu chỉ chiếm khoảng 0,75%; nợ quá hạn khoảng 0,35% và nợ khoanh khoảng 0,4%. Đối với Ngân hàng phát triển Việt Nam, Chính phủ kiến nghị giao 12 nghìn tỷ đồng phần ngân sách nhà nước còn nợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Số vốn còn lại dự kiến giao kế hoạch cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 15 nghìn tỷ đồng.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với đề xuất của Chính phủ, chỉ giao vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam sau khi Chính phủ báo cáo đánh giá mô hình, các khoản nợ đọng, hiệu quả hoạt động, định hướng phát triển, kế hoạch bố trí vốn điều lệ, chi phí quản lý, cấp bù chênh lệch lãi suất của ngân hàng theo đúng kết luận tại văn bản số 88/UBTVQH14-TCNS ngày 3/3/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến nhất trí với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Qua khảo sát thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, dân tộc thiểu số năm 2016 thì Hội đồng Dân tộc thấy đến 31/12/2015 tổng dư nợ cho vay của hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cho các đối tượng là hộ nghèo, là dân tộc thiểu số đạt trên 32 nghìn tỷ, chiếm 23% tổng số dư nợ các chương trình tín dụng do Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện. Với trên 1,4 triệu khách hàng, dư nợ bình quân mỗi hộ 2-3 triệu, như vậy là rất nhỏ. Do đó, Chủ tịch Hội đồng dân tộc nhất trí với hiệu quả của việc thực hiện từ Ngân hàng chính sách xã hội, nhất trí giao thêm 20.865 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đối với Ngân hàng phát triển Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng dân tộc đồng ý với đề xuất giao 12 nghìn tỷ đồng để góp phần ngân sách còn nợ, cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến hết ngày 31/12/2016, phần còn lại chỉ giao vốn sau khi hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngân hàng phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị trước khi bố trí vốn, cần cân nhắc và có đánh giá một cách rất kỹ về hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Thực chất tên ngân hàng là Ngân hàng Phát triển nhưng bản chất nó không hoạt động theo tổ chức tín dụng, cho nên qua nhiều năm theo dõi trong hoạt động tư pháp có xảy ra một số trường hợp về hiệu quả sử dụng đồng vốn và thất thoát vốn, thậm chí xảy ra một số vụ án. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư có đánh giá nghiêm túc về hiệu quả sử dụng đồng vốn của ngân hàng này.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao kết quả Chính phủ đã phân bổ đợt 1 đạt 56,72% số vốn đầu tư công trung hạn theo đúng nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc phân bổ 344 nghìn tỷ đồng đối với dự án đủ điều kiện, trong đó có 111 nghìn tỷ đồng cho các bộ, ngành trung ương và 232 nghìn tỷ đồng cho các dự án của các địa phương. Song Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải rà lại 294 dự án bố trí không đủ vốn, các dự án thiếu vốn đối ứng, các dự án chưa rõ nguồn vốn như Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nêu. Đồng thời, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chịu trách nhiệm giám sát, cắt giảm, điều chỉnh quy mô điểm dừng kỹ thuật, phân kỳ đầu tư để có thể hoàn thành được các dự án này trong giai đoạn 2017-2020.