Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó trưởng Đoàn giám sát Phan Xuân Dũng cho biết, giai đoạn 2011-2016, hệ thống pháp luật an toàn thực phẩm của Việt Nam đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước trung ương ban hành. Các địa phương đã ban hành hơn 1250 văn bản quy phạm pháp luật nhằm chỉ đạo, điều hành công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Cùng với Luật an toàn thực phẩm, nhiều văn bản pháp luật khác cũng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như Hiến pháp, Luật thú y, Luật bảo vệ thực vật, Luật bảo vệ môi trường, Luật đầu tư, Luật ngân sách nhà nước, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hưởng dẫn thi hành đã tạo nên một hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Báo cáo của Chính phủ gửi đến phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ Luật an toàn thực phẩm đã phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho ba Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương theo nguyên tắc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm với từng nhóm thực phẩm, ngành hàng cụ thể. Đối với các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của 3 bộ, để thống nhất hướng dẫn thực hiện, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương ban hành 3 Thông tư liên tịch hướng dẫn nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho ba bộ với nguyên tắc cơ bản là: Một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước. Điều này khắc phục được tình trạng chồng chéo, bỏ sót trong quản lý, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Tán thành với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga cho rằng, hành lang pháp lý về an toàn thực phẩm của nước ta không thiếu. Bên cạnh các luật chuyên ngành còn có các luật về xử lý. Trong điều 244 của Bộ luật hình sự hiện nay, nhóm tội vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, buôn lậu…bị phạt tù 1-5 năm, gây hậu quả rất nghiêm trọng từ 3-10 năm tù, đặc biệt nghiêm trọng phạt tù 7- 15 năm. Tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm… nhẹ nhất là phạt 2-7 năm tù. Đặc biệt nghiệm trọng còn có thể bị chung thân hoặc tử hình. Với các quy định như hiện nay hoàn toàn đủ sức răn đe với các tội liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Đoàn giám sát cũng như Chính phủ cần làm rõ các địa chỉ thực hiện tốt và chưa tốt chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, từ đó xác định được trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thêm, theo đánh giá khách quan của Ngân hàng thế giới thì Việt Nam là quốc gia đi đầu trong khu vực về khuôn khổ pháp lý. Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý an toàn thực phẩm hiện đại, với các nền tảng giúp nâng cao hiệu quả triển khai an toàn thực phẩm và chất lượng kết quả đạt được. Nhưng để triển khai hiệu quả các quy định pháp lý, cần tập trung nhiều hơn vào yếu tố nguy cơ và kết quả triển khai trên thực tế. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, thực tế trong báo cáo kết quả giám sát cũng chỉ ra hạn chế không phải ở luật mà ở quá trình triển khai thực thi như do thủ tục hành chính, thiếu quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, công tác chỉ đạo điều hành của các cấp các ngành chưa hiệu quả, xử lý chưa dứt điểm tồn tại, lực lượng cán bộ thực thi thiếu và yếu, chưa bố trí nguồn lực thực hiện hợp lý…
Nhằm khắc phục tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm hiện nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu kỹ hơn và chú trọng đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi như triển khai cải tiến thực hiện quy hoạch vùng sản xuất an toàn thực phẩm, nhân rộng các mô hình áp dụng thực hành sản xuất tố trong sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm; cần nâng cao vai trò kiểm tra, kiểm soát, thanh tra từ trang trại đến bàn ăn, đặc biệt tại các khâu quan trọng như đầu vào của sản xuất và khâu bảo quản tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm thực phẩm an toàn. Tán thành với kiến nghị cho phép sử dụng nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như đầu tư trang thiết bị, tiêu hủy thực phẩm không an toàn, trích thưởng cho tổ chức cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc đề xuất các giải pháp về nguồn lực không được làm phát sinh chính sách mới làm tăng gánh nặng lên ngân sách nhà nước, phải bảo đảm phù hợp với dự toán ngân sách được phê duyệt.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp
Giải trình trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng mất an toàn thực phẩm như hiện nay không phải do luật mà do khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy cần phải có đánh giá thẳng thắn về năng lực thực hiện, chỉ rõ hạn chế trong hệ thống hành chính, kỷ cương hành chính không nghiêm. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Đoàn giám sát đánh giá sâu sắc hơn sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, đoàn thể trong thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm. Đánh giá vai trò của thông tin truyền thông bên cạnh việc phản ánh tình hình thực tế nhưng nhiều nội dung cũng khai thác quá mức gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân và uy tín sản phẩm xuất khẩu nước nhà. Đề nghị Đoàn giám sát có sự đánh giá khích lệ đối với sự tiến bộ trong quản lý, điều hành tại các địa phương có sự chuyển biến tích cực về an toàn thực phẩm bên cạnh chỉ rõ trách nhiệm của các địa phương làm chưa tốt.
Kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác của Đoàn giám sát; đồng thời đề nghị Đoàn giám sát nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo giám sát trước khi trình lên Quốc hội. Theo đó, báo cáo cần làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, chỉ ra các nguyên nhân để đề xuất các giải pháp khắc phục một cách chính xác, phù hợp. Đặc biệt, cần chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện chưa tốt và biểu dương những đơn vị, điển hình thực hiện tốt; tiếp tục rà soát thông tin, số liệu hoàn thiện báo cáo bảo đảm chặt chẽ, logic, rà soát các giải pháp đề xuất bảo đảm tính khả thi, hiệu quả phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.