Hội nghị Pháp chế các bộ, ngành trong xây dựng Luật Hành chính công

08/05/2017

Chiều 8/5, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ban soạn thảo Luật Hành chính công của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị Pháp chế các bộ, ngành trong xây dựng Luật hành chính công. Trưởng Ban soạn thảo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh chủ trì Hội nghị.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban soạn thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh cho biết, từ lâu Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, bảo đảm bộ máy tính gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Công tác xây dựng pháp luật những năm qua về cơ bản đã xây dựng được khung pháp lý và nhiều đạo luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn để quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, trong quản lý điều hành nền hành chính mới chỉ quan tâm xây dựng các đạo luật chuyên ngành, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tham mưu của từng bộ, ngành. Trong khi đó, nhiều nguyên tắc chung trong quản lý, điều hành nền hành chính chưa được quan tâm nghiên cứu, thể chế hóa và quy định trong luật như nguyên tắc phân công, phối hợp, quản lý liên ngành, quản lý liên vùng, quản lý tổng hợp, các nguyên tắc chung trong quy định thủ tục hành chính, kiểm tra, thanh tra công vụ. Nhiều nội dung quan trọng đã và đang được đặt ra bức thiết từ nhiều năm hoặc rất cần được bổ sung nhưng đến nay vẫn chưa có các quy định cụ thể ở tầm luật như quản trị công, dịch vụ công, hợp đồng hành chính công, hợp đồng hợp tác công tư, chính phủ điện tử, kiểm soát quyền lực, giám sát của công dân trong hoạt động hành chính…

Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn cho thấy những khuyết thiếu trên của hệ thống pháp luật hiện hành đã trở thành rào cản, bất cập trong quản lý, điều hành và thực hiện pháp luật ở các cấp, các ngành, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Vì vậy dự án Luật hành chính công nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu góp phần khắc phục những bất cập của nền hành chính, đồng thời triển khai Nghị quyết khóa XII của Đảng. Đồng thời, tạo ra hành lang pháp lý nhằm góp phần đổi mới nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần làm tăng yếu tố tích cực, giảm thách thức trong quá trình ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến về đề cương báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hành chính công; Tờ trình và dự thảo Luật Hành chính công...Đa số đại biểu tại Hội nghị tán thành với sự cần thiết ban hành Luật hành chính công và nhất trí với cách đặt vấn đề của Ban soạn thảo. Các đại biểu cho rằng, Luật được ban hành sẽ thay đổi tư duy và nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ công chức; đồng thời, tin tưởng sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để nhân dân kiểm tra, giám sát và đánh giá các hoạt động cũng như chất lượng dịch vụ công.

Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật hành chính công

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đặt trong bối cảnh hiện nay thì tên luật và phạm vi điều chỉnh của luật cần có sự điều chỉnh để nâng cao tính khả thi. Thực tế hiện nay khái niệm hành chính công, thủ tục hành chính công, kiểm soát hành chính công tại các đơn vị, bộ, ngành, cơ sở chưa có một cách hiểu rõ ràng, đầy đủ. Vì vậy, có rất nhiều khó khăn trong việc tổng hợp, đánh giá từ thực tiễn. Mặt khác, dự thảo Luật sẽ liên quan đến nhiều pháp luật hiện hành, do đó, nhiều đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần lưu ý quy định các nội dung sao cho đồng bộ hoặc có lộ trình sửa đổi các luật hiện hành cho phù hợp với quy định của dự thảo Luật Hành chính công.

Đại diện lãnh đạo Vụ pháp chế của Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Quốc phòng cho biết, thực tế hiện nay các khái niệm như hành chính công, thủ tục hành chính công, kiểm soát hành chính công… tại đơn vị, các bộ ngành, người quản lý hành chính chưa có cách hiểu rõ ràng, đầy đủ, có sự khác biệt so với khái niệm được sử dụng trong Nghị định 63/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính. Do đó, khó khăn trong tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật về hành chính công trên thực tiễn thời gian qua. Theo lãnh đạo Vụ pháp chế của Văn phòng Chính phủ, dự thảo luật cần làm rõ khái niệm hành chính công bởi nếu định nghĩa được chính xác, rõ ràng trong luật thì đây là bước phát triển về nhận thức trong quản lý hành chính nhà nước hiện nay.

Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang cho rằng, một số nội dung của dự thảo luật như hợp đồng hành chính công, Chính phủ điện tử, kiểm soát thủ tục hành chính công, mối quan hệ trách nhiệm trong thực hiện hành chính công là bước phát triển của dự thảo luật so với các luật hiện hành. Song dự thảo luật cũng cần rà soát, cân nhắc phạm vi điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như chương hợp đồng hành chính công mới chỉ dừng ở hợp đồng hành chính công nhằm thực hiện dịch vụ công mà lại chưa quy định trường hợp nào được thực hiện hợp đồng này, chủ thể, nội dung, quyền trách nhiệm của các bên trong hợp đồng, ủy quyền cơ quan tổ chức cá nhân giải quyết một số khâu trong thực hiện dịch vụ công... Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định về Chính phủ điện tử hay hành chính điện tử để phù hợp với tên luật, đồng thời có sự rà soát với Luật giao dịch điện tử, các Nghị định của Chính phủ, các thông tư của các bộ, ngành đề cập đến xây dựng Chính phủ điện tử để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh cho biết, việc ban hành Luật hành chính công có ý nghĩa lớn trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế thị trường, khi mà nhiều nội dung như tài chính, đầu tư công được phân định rõ và thể chế hóa trong các luật. Việc xây dựng luật đưa ra nguyên tắc chung, điều chỉnh những vấn đề cốt lõi của nền hành chính quốc gia chưa được quy định trong luật như là thuật ngữ “dịch vụ công” được Chính phủ, các bộ ngành quy định nhiều nhưng lại chưa có quy định cụ thể.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu góp ý tại hội nghị, Trưởng Ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh cho biết Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tiếp tục có những nghiên cứu, cân nhắc hoàn thiện, tìm được tiếng nói chung giữa các cơ quan, đơn vị để thể hiện trong dự thảo Luật. Đồng thời đề nghị các bộ ngành tiếp tục ủng hộ xây dựng dự thảo, chuẩn bị báo cáo theo yêu cầu của Ban soạn thảo, tiến hành lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp theo lĩnh vực của bộ ngành mình để Ban soạn thảo tổng hợp hoàn thiện hồ sơ gửi Chính phủ xin ý kiến, đề nghị tích cực phối hợp với Ban soạn thảo trong kế hoạch khảo sát tại bộ ngành và địa phương để làm rõ vưỡng mắc thực tế để tìm cách tháo gỡ. 

Tin và ảnh: Bảo Yến

Các bài viết khác