Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017: Vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, thu ngân sách tiếp tục giảm

31/10/2017

Sáng 31/10, trong phiên thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, nhiều đại biểu nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao, thu ngân sách tiếp tục giảm.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn – tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội trường    Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn – tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến cuối năm 2017 con số nợ công khoảng 3,13 triệu tỷ đồng; năm 2016 con số này là 2,86 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ công năm 2017 chiếm khoảng 62,6% GDP và dự kiến tiếp tục tăng lên ở mức 63,9% GDP vào cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ Chính phủ khoảng 2,59 triệu tỷ đồng, tương đương 51,8% GDP, và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP. Như vậy, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 tiếp tục tăng lên so với năm trước. Trong khi đó, thu ngân sách 9 tháng năm 2017 mới đạt 69,5% dự toán, trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 60,1% dự toán; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 66,3% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,1% dự toán. Hầu hết đều rất thấp so với cùng kỳ những năm trước. Như vậy, việc ngân sách Trung ương năm 2017 có khả năng hụt thu là điều rất đáng quan tâm.

Theo đại biểu, do thực trạng thu không đủ chi đã dẫn đến giải pháp tăng thu thông qua tăng mức thuế và phí cao. Điều này lại dẫn đến làm hạn chế việc đầu tư phát triển và giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế, có những lĩnh vực mà doanh nghiệp đã phải chịu từ 12 - 15 loại thuế và phí, dẫn đến giảm sự đóng góp cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, Việt Nam là 1 trong những nước có nguồn thu từ người dân tính trên tổng thu nhập của xã hội là rất cao so với các nước cùng có mức thu nhập và trình độ phát triển.

Mặc dù đã tăng thu tối đa, với mức thuế và phí rất cao xong kết quả thu ngân sách nhà nước không đạt được như mục tiêu và mong muốn đề ra. Do đó, nên xem xét lại chính sách thuế và phí đang hiện hành thay thế việc tận thu, hành thu doanh nghiệp sang dưỡng thu, nuôi dưỡng nguồn thu, làm mục tiêu quyết định cho sự ổn định và phát triển nguồn thu. Việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu, đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, phí, hải quan, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu ngân sách. Ngoài ra, nuôi dưỡng nguồn thu càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhiều hiệp định lớn bắt đầu vào giai đoạn thực thi và các quy định cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Khi đó doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp nước ngoài, rất cần có trang bị các lá chắn về mặt pháp lý để tự bảo vệ mình, đủ tự tin bước vào môi trường cạnh tranh mới.

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu – tỉnh Nam Định phát biểu tại Hội trường

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu – tỉnh Nam Định đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung chính sách thu để thực hiện được nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước.

Qua nghiên cứu chính sách thu hiện hành và thực tế giám sát, đại biểu nhận thấy thời gian vừa qua nước ta đã ban hành nhiều chính sách thu để thực hiện mục tiêu phát triển. Đến thời điểm hiện nay và giai đoạn tới, một số chính sách không còn phù hợp, nếu không muốn nói là kìm hãm phát triển. Theo đại biểu, chính sách thu hiện nay có hai tồn tại lớn nhất, đó là: làm mất đi nguyên tắc quan trọng nhất, tính trung lập của thuế và làm phân tán nguồn lực nhà nước, làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Đại biểu đề xuất những giải pháp khắc phục tồn tại trên, như cần mở rộng diện đối tượng chịu thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và đặc biệt là các khoản thu từ đất đai; sửa đổi chế độ ưu đãi với hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng theo hướng giảm các đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế suất 5% và tiến tới đưa về một mức thuế suất thay vì ba mức như hiện nay, giảm đối tượng được hoàn thuế VAT, sửa đổi, bổ sung quy định hoàn thuế VAT để khắc phục việc chậm hoàn thuế và tham ô tiền thuế.

Đại biểu cũng đề nghị bỏ chế độ ưu đãi theo đối tượng là dự án cụ thể và ưu đãi theo quy mô của dự án, thuế suất cần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các vùng và các miền. Một số địa phương được quy định một khoản phụ thu với một số lĩnh vực ngành nghề có lợi thế so sánh; sửa đổi giá tính thuế đối với một số sắc thuế để chống thất thu cho ngân sách nhà nước như thuế tài nguyên. Đồng thời, cần mở rộng cơ sở thuế với thuế thu nhập cá nhân, tiến tới khi người có thu nhập đều có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước và điều chỉnh mức thu phù hợp đối với nhóm thu nhập thấp, nhưng phải tăng cao hơn đối với nhóm có thu nhập cao để thực hiện việc điều tiết xã hội, nhằm đảm bảo đúng bản chất của thuế thu nhập cá nhân, không phải là thuế thu nhập cao như trước đây.

Vân Ngọc