Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng- tỉnh Thái Nguyên phát biểu Ảnh: Đình Nam
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng- tỉnh Thái Nguyên nêu rõ, về tình trạng phá rừng vi phạm quy định về bảo vệ rừng, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở một số địa phương đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Nhiều vụ phá rừng quy mô lớn diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm được phát hiện và xử lý. Có những vụ cơ quan tư pháp dường như bất lực trước tình trạng này. Khởi tố được 25 vụ án nhưng không tìm được bị can, nghĩa là có vụ án phá rừng nhưng không tìm ra thủ phạm. Tình trạng này cho thấy công tác bảo vệ rừng và quản lý còn yếu kém, bị buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên, khó có thể nói rằng khi tình trạng phá rừng diễn ra trầm trọng như vậy mà lực lượng kiểm lâm không biết, chính quyền sở tại không biết, lực lượng công an sở tại không biết. Cho dù việc phá rừng có thể diễn ra âm thầm trong rừng sâu, nhưng vận chuyển hàng trăm mét khối gỗ đi tiêu thụ buộc phải ra khỏi rừng mà tất cả ngõ lớn, ngõ nhỏ đều có sự hiện diện thuộc quyền quản lý của cơ quan chức năng.
Đại biểu cho biết, cử tri cho rằng phải chăng có sự tiếp tay bao che, trách nhiệm quản lý nhà nước ở đâu? Chắc chắn rằng cán bộ, chính quyền, cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm của mình được giao. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt những địa phương để xảy ra tình trạng này, quy rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để có hình thức xử lý nhằm chặn đứng tình trạng này.
Cũng lo ngại về tình trạng này, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng- tỉnh Quảng Trị cho rằng, trong năm qua, nhiều vụ phá rừng giữa thanh thiên bạch nhật, quy mô lớn xảy ra trong thời gian dài. Có hay không hành vi làm ngơ tiếp tay bảo kê cho phá rừng? Thật ngạc nhiên khi có địa phương khởi tố 25 vụ phá rừng nhưng không khởi tố được 1 bị can nào. Vậy tội phạm ở đâu hay cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta yếu kém bất lực? Theo đại biểu, cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh đúng pháp luật không để hành chính hóa các quan hệ hình sự. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể "giơ cao đánh khẽ", "rung cây dọa khỉ" mãi được.
Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến- tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại Hội trường
Đồng tình với các ý kiến nêu trên, đại biểu Quốc hội Vương Ngọc Hà- tỉnh Hà Giang nêu ý kiến, tình trạng rừng bị tàn phá trong thời gian vừa qua, các vụ án đã được khởi tố điều tra, nhưng vấn đề không chỉ làm rõ người phạm tội và hành vi vi phạm của một vụ án mà phải được phân tích trong tổng thể, đưa ra những bài học kinh nghiệm và xác định được nhóm đối tượng nào có nguy cơ cao trong việc tham gia phá rừng và định hướng được nhiệm vụ cho những chủ thể nào chịu trách nhiệm làm công tác tuyên truyền, vận động. Theo đại biểu, để phòng ngừa một cách hiệu quả tình trạng này phải tiếp tục đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng khi đủ điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số và giao khoán, khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Đồng thời, các chính sách đã đưa ra cho đồng bào cần thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả để người dân sinh sống được từ rừng, yêu rừng và để rừng sống khỏe trong vòng tay bảo vệ của người dân.
Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến- tỉnh Thanh Hoá cho rằng, tội về kinh tế, chức vụ và tham nhũng còn tồn tại dưới dạng người có chức vụ quyền hạn, vẽ đường hoặc làm ngơ cho người khác vi phạm, bảo kê trốn thuế để tuồn hàng lậu, lách luật để phá rừng nguyên sinh, khai thác cát sỏi trái phép để rồi được chia chác lợi nhuận, làm giàu bất chính. Để giải quyết tình trạng này, đại biểu kiến nghị:
Một, Đảng, Chính phủ và Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi tới đây cần quy định một cách đầy đủ toàn diện hơn về nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản giao dịch có giá trị lớn, trong đó tôi đề nghị bổ sung việc giải trình làm rõ những tài sản như nhà, xe đang sử dụng, tài sản vợ, con đang quản lý, tránh lặp lại hình thức giải trình truyền thống là nhà thì ở nhờ, xe thì đi mượn, tiền thì đi vay là lý do để né tránh, không kê khai. Đây là vấn đề bất cập trong việc quản lý, kê khai tài sản thời gian vừa qua, cần có biện pháp ngăn chặn, khắc phục.
Hai, để từng bước xử lý tận gốc tham nhũng, thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát thì Quốc hội, Chính phủ phải dành nguồn ngân sách đầu tư hạ tầng để cả nước sớm chuyển sang chế độ thanh toán bằng tài khoản ngân hàng nhằm kiểm soát được biến động của tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo thật giả đều phải bộc lộ dưới ánh sáng của công lý. Đây là giải pháp đảm bảo tính toàn diện trong quản lý dòng tiền lưu thông, chống tội phạm, ngăn ngừa tham nhũng cần triển khai đồng bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng tới đây.
Ba, đề nghị Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát, xây dựng và ban hành cơ chế kiểm soát quyền lực cả nhận thức và hành động theo chủ trương của Đảng nhằm phản biện, tư vấn, kiểm tra, giám sát trong thực hiện trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn được Nhà nước và nhân dân giao cho.