Cần sớm hoàn thiện trụ sở các Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp

07/11/2017

Sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục có phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về Báo cáo công tác của ngành Tòa án năm 2017, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn trước thực tế ngành Tòa án vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.

Ngành Tòa án vẫn đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất: 35 tòa án cấp huyện chưa có trụ sở làm việc

Qua nghiên cứu báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các Tòa án năm 2017 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đào Tú Hoa- TP Hà Nội đánh giá năm 2017, trong bối cảnh các thế lực phản động trong và ngoài nước vẫn gia tăng các hoạt động chống phá, nhất là việc lợi dụng các sai sót của một số cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, trong triển khai một số dự án để kích động người dân, tạo thành điểm nóng về trật tự xã hội ở một số địa bàn.Tình hình tội phạm tuy được kiềm chế, nhưng còn diễn biến phức tạp, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn còn xu hướng gia tăng và phức tạp. Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với các Tòa án rất nặng nề, cùng với biết bao khó khăn. Do đó, những kết quả và những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác mà cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các Tòa án đã nỗ lực phấn đấu đạt được là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận đại biểu Đào Tú Hoa bày tỏ băn khoăn, trăn trở về trụ sở của Tòa án-nơi để nhà nước tuyên án.

Đại biểu chỉ ra rằng, đến thời điểm hiện tại hệ thống Tòa án nhân dân vẫn còn 35 đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện chưa có trụ sở, hiện đang phải đi thuê, sử dụng nhà tạm hoặc mượn trụ sở do địa phương bố trí làm địa điểm làm việc. Nhiều trụ sở đã được đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp từ nhiều năm trước, giai đoạn Bộ Tư pháp quản lý, tức là từ năm 2002 trở về trước, nên có quy mô và diện tích nhỏ, chỉ có một phòng xử án, không đảm bảo nhu cầu về diện tích làm việc, công năng sử dụng theo quy định hiện nay, như bố trí lại phòng xử án theo mô hình phòng xét xử mới, trong đó có phòng xét xử thân thiện, thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên, các Tòa án nhân dân cấp huyện đã được tăng thẩm quyền xét xử v.v...

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường                                                                        Ảnh: Đình Nam

Cùng với đó rất nhiều Tòa án, đặc biệt là cấp huyện còn thiếu thốn, lạc hậu, nhiều trụ sở hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa. Tình trạng này chưa được giải quyết đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động và tính tôn nghiêm của cơ quan bảo vệ pháp luật. Rõ ràng, đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ không phải chỉ của riêng đại biểu, của những người đã, đang và sẽ công tác trong ngành tư pháp, mà còn là suy tư của biết bao cử tri, khi Tòa án là cơ quan thực thi quyền tư pháp, nhân danh nhà nước để tuyên án, nhưng lại tuyên án ở nơi Tòa án phải đi thuê, đồng nghĩa với việc quốc huy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được gắn ở nơi trang trọng, tôn nghiêm.

Năm 2016 mới chỉ có 14 dự án được bố trí khởi công mới với mức vốn được bố trí 25% tổng mức phê duyệt. Năm 2017 không được bố trí vốn khởi công mới mà chỉ bố trí cho các dự án chuyển tiếp, hiện vẫn còn nhiều trụ sở tòa án cấp huyện chưa được bố trí vốn khởi công, xây dựng. Hơn nữa, theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn ban đầu đã được thống nhất bố trí là 4.825,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ thông báo chỉ còn là 2.632,3 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch đã được thông báo nên nhiều dự án đã hoàn thành nhưng chưa có vốn để thanh toán hoặc nhiều dự án chuyển tiếp phải giãn tiến độ, chưa thể đưa vào sử dụng.

Để sớm hoàn thiện trụ sở các Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp và quy định của Luật Tổ chức tòa án nhân dân, rất cần được bố trí vốn đầu tư công trung hạn để khởi công sớm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để đến năm 2020 hoàn thành 35 trụ sở tòa án cấp huyện chưa có trụ sở làm việc, để không còn cảnh phải đi thuê hoặc sử dụng nhà tạm làm địa điểm làm việc, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện để Tòa án nhân dân các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo yêu cầu cải cách tư pháp, có đủ điều kiện để Tòa án trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin như mong đợi của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong phát biểu tại hội trường 

Đánh giá cao những thành tựu mà ngành Tòa án đã đạt được trong năm vừa qua, tuy nhiên đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Phong- tỉnh Hậu Giang cũng cho rằng, ngành Tòa án vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Đại biểu nêu rõ, thực hiện kết luận số 92 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của Bộ Chính trị đến năm 2020. Trong Nghị quyết 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị. Tại Mục 2.7.II của Nghị quyết có nêu: "Đảm bảo cơ sở vật chất cho ngành tư pháp, ưu tiên trang thiết bị phục vụ công tác điều tra, đấu tranh phòng chống tội phạm, công tác xét xử. Khẩn trương trong một vài năm xây dựng xong trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp cấp huyện".

Tại mục II, III tổ chức thực hiện có nêu "Từ nay đến năm 2010 phải làm được những công việc chính sau đây: Xây dựng đủ trụ sở cho cơ quan tư pháp cấp huyện", tôi rất băn khoăn, chỉ còn 3 năm nữa là thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, các mục tiêu trong Nghị quyết số 49 đã đề ra có hoàn thành được hay không? Mục tiêu xây dựng trụ sở làm việc cho cơ quan tư pháp cấp huyện phải hoàn thành 2010 nhưng đến nay vẫn còn 35 huyện chưa có trụ sở Tòa án. 14 dự án xây dựng trụ sở tòa án cấp huyện đã được bố trí vốn xây dựng trong nguồn vốn trung hạn được phân bổ ít ỏi hàng năm cho hệ thống Tòa án nhân dân là 428 tỷ đồng. 21 dự án chưa tìm được nguồn vốn để bố trí, trong đó có Tòa án nhân dân huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí nguồn vốn hoặc cho Tòa án nhân dân tối cao ứng vốn trung hạn từ nguồn dự phòng để xây dựng trụ sở còn lại cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ thường trực Trương Hòa Bình, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục ủng hộ cho các cơ quan tư pháp ngày càng phát triển và lớn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Lữ Thanh Hải phát biểu tại hội trường

Tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ cho ngành tư pháp

Phát biểu ý kiến tại hội trường về công tác của ngành Tòa án, đại biểu Quốc hội Hà Thị Minh Tâm- tỉnh Hà Nam nhận định, trình độ của lực lượng thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa đồng đều, chưa được đào tạo chuyên sâu về tài chính, kế toán, xây dựng, trong đó có một số trường hợp nhận thức đối với tội phạm cụ thể về tham nhũng và chức vụ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất, dẫn đến việc điều tra, xác minh, xử lý hành vi tham nhũng có vụ việc còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung, có đơn vị thực hiện kết luận thanh tra chậm, chưa triệt để, chưa chấp hành nghiêm việc báo cáo sau thanh tra. Từ hiện trạng trên, đại biểu đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng cấp Trung ương hàng năm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các chức danh tư pháp về tài chính, ngân hàng, kiểm toán, xây dựng cơ bản kỹ năng điều hành, truy tố xét xử đối với các loại án tham nhũng về kinh tế. Thực hiện đổi mới công tác kê khai, kiểm soát minh bạch tài sản nhằm phát hiện phòng ngừa và xử lý cán bộ vi phạm có hành vi tham nhũng. Có giải pháp làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ trực tiếp làm việc ở những cơ quan, đơn vị có nguy cơ tham nhũng và những cơ quan, đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Cũng quan tâm đến việc đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ trong ngành Tòa án, đại biểu Quốc hội Lữ Thanh Hải- tỉnh Khánh Hoà  chỉ ra rằng, trong báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có đưa ra vấn đề đào tạo đại học. Theo đó, Học viện Tòa án đã khai giảng đào tạo cử nhân cho 211 học viên, triển khai kế hoạch tuyển sinh Đại học năm 2017. Hoan nghênh những hoạt động đào tạo của Học viện Tòa án, tuy nhiên đại biểu cho rằng việc đi trọng tâm vào đào tạo ngành luật đã có những trường đại học chuyên nghiệp khác như Đại học luật, Khoa Luật Đại học Quốc Gia hoặc một số trường có ngành luật, còn Tòa án nên quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể, theo đại biểu chúng ta nên chuyên sâu về đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ví dụ như đào tạo những kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, giám định và nhiều chuyên môn khác để nâng cao hơn nữa nghiệp vụ công tác trong ngành Tòa án.

Hồ Hương