Làm rõ, bổ sung một số quy định trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

22/11/2017

Chiều 22/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Phát biểu tại Hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với các Nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội được quy định trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý cho rằng, Dự thảo Luật cần xem xét, quy định cụ thể một số chính sách về mức phân bổ ngân sách, nguồn thu để lại tại các đặc khu; các chính sách an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng là người dân đã sinh sống lâu năm tại địa phương và ảnh hưởng của chính sách sử dụng đất có thời hạn lên tới 99 năm...

Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong sẽ gồm một số nội dung như:

Về quy hoạch, mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) chỉ xây dựng một quy hoạch tổng thể trên cơ sở tích hợp các ngành do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi: Thu hẹp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 ngành, nghề xuống còn 108 ngành, nghề được áp dụng riêng tại đơn vị HCKTĐB; bãi bỏ những hạn chế về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển của đơn vị HCKTĐB; Cho phép lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài; Cho phép nhà đầu tư được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại đơn vị HCKTĐB, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài tại Tòa án nước ngoài; Quy định việc thực hiện các thủ tục về đầu tư, kinh doanh...tại Trung tâm hành chính công theo cơ chế một cửa liên thông và qua hệ thống mạng trực tuyến.

Chính sách mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở sẽ cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án trong một số lĩnh vực và các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị HCKTĐB; cho phép tổ chức kinh tế được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam; quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở thương mại trong dự án nhà ở và dự án bất động sản nghỉ dưỡng từ các tổ chức, cá nhân trong nước. 

Ngoài ra là chính sách huy động nguồn lực và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội; chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các ĐKKT trên thế giới để thu hút đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển; chính sách phát triển các ngành dịch vụ, du lịch; chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: quy định hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động; quy định chính sách tiền lương tự chủ, thuê khoán chuyên gia để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng và các chính sách vượt trội khác phù hợp với yêu cầu phát triển của đơn vị HCKTĐB.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị Dự thảo Luật nên quy định cụ thể mức phân bổ ngân sách và nguồn thu để lại tại các đặc khu

Tán thành phương pháp tiếp cận của Dự thảo Luật là không ưu đãi dàn trải, chỉ tập trung vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đặc khu và tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghệ cao nghiên cứu và ứng dụng, y tế, giáo dục, khởi nghiệp sáng tạo, công nghiệp 4.0..., tuy nhiên đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy - tỉnh Bến Tre đề nghị Dự thảo Luật nên quy định cụ thể mức phân bổ ngân sách và nguồn thu để lại tại các đặc khu trong thời gian đủ để các đặc khu hoàn chỉnh chính sách, bộ máy và cũng là cơ sở để cơ quan chức năng thực hiện giám sát, đánh giá hiệu quả mang lại của các đặc khu. Đặc biệt, đại biểu bày tỏ băn khoăn và cho rằng nên xem xét lại đối với một số các chính sách có tính chất áp dụng lâu dài không dễ gì khắc phục, sửa chữa. Nếu có sửa chữa thì hậu quả của chính sách không chỉ gây xung đột lợi ích của tổ chức, cá nhân mà còn gây xung đột lợi ích quốc gia như việc cho thuê đất 99 năm.

Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn (Nguyễn Sơn) - tỉnh Hà Tĩnh, 5 nhóm chính sách trong luật đã thể hiện sự ưu đãi vượt trội, tuy nhiên việc cần quan tâm nhất là sự thuận lợi, thông thoáng trong thủ tục hành chính, các quy trình chấp nhận phê duyệt dự án và sự hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý để thực sự tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đại biểu cho rằng, nhiều khi những chậm trễ trong quy trình thủ tục làm mất cơ hội của các nhà đầu tư nên ngoài nội dung ưu đãi cần quy định rõ hơn quy trình trách nhiệm, tính kịp thời, tinh gọn về thủ tục và xóa rào cản để tiếp cận được chính sách mà sự vướng mắc đôi khi nằm tại các bộ, ngành chức năng và các địa phương.

ĐBQH Nguyễn Sơn cho rằng Ban soạn thảo cần rà soát để có các nội dung, các chính sách thông thoáng hơn

Do đó, nếu Dự thảo Luật không quy định rõ ràng nội dung trên thì đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khó đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Bởi vậy, Ban soạn thảo cần rà soát để có các nội dung, các chính sách thông thoáng hơn và có những đầu mối cụ thể để xử lý các vướng mắc, những vấn đề đặt ra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Trung ương cũng như địa phương. Cụ thể, tại Mục 5 Chương IV, cần có một Nghị định chung thay vì hướng dẫn của từng bộ, ngành với nhiệm vụ ở phần chuyên môn của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để bảo đảm sự thống nhất đồng bộ; tránh sự dè dặt lại tiếp tục dựng các hàng rào chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu quy định của luật cho sự đặc biệt của các đơn vị này, nhất là trong phân cấp, ủy quyền với chủ trương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để đủ thẩm quyền ra các quyết định và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan - tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định đối với việc cơ chế chính sách nhà nước hỗ trợ cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong 5 năm đầu. Có quy định rõ thời gian và mức độ hỗ trợ để tạo điều kiện, động lực cho các đơn vị thực hiện, tổ chức phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có hiệu quả. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm, yếu tố thành công của một số nước, rất cần có sự hỗ trợ ban đầu cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

ĐBQH Lưu Thành Công lưu ý: cần tính đến các nhóm đối tượng là người dân đã sinh sống lâu năm tại địa phương

Ở một góc độ khác, đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công - tỉnh Vĩnh Long lưu ý, ngoài các chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại đặc khu cần tính đến các nhóm đối tượng là người dân đã sinh sống lâu năm tại địa phương này. Các nhóm đối tượng này cần có các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ để người dân có thể yên tâm tiếp tục sinh sống bình thường trên quê hương của mình. Tránh việc để người dân bản địa bị mất nơi cư trú, mất nghề nghiệp, không được đáp ứng các yêu cầu cơ bản về sinh sống, học tập, lao động, sẽ tạo ra những bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và phát triển của đặc khu.

Báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các quy định đặc thù đối với từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Dự thảo luật đã đảm bảo các yêu cầu sau: Thứ nhất, vượt trội so với các quy định áp dụng đối với các khu trong nước như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao theo quy định hiện hành hiện nay. Thứ hai, đảm bảo cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới, cụ thể xét trên 9 tiêu chí khác nhau thì nội dung quy định tại dự thảo luật hầu hết bằng ưu đãi hoặc cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonexia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Myanmar. Hiện nay nước ta chỉ duy nhất kém thuận lợi hơn là về thuế áp dụng đối với một số thiên đường thuế, tức là ở đó không có thuế, còn lại bằng hoặc vượt hơn về thuận lợi so với các khu khác của các nước.

Thứ ba, các chính sách ưu đãi đã tập trung thu hút vào các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng và có tính cạnh tranh cao, đó là khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu phát triển các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sinh học, y tế, giáo dục, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa, dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay, thương mại, tài chính, các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư có uy tín. Thứ tư, đã đảm bảo không ưu đãi dàn trải và chỉ tập trung vào các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để hạn chế cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các đơn vị này với nhau cũng như giữa đơn vị này với các khu hiện có trong nước. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi, Dự thảo Luật đã quy định các yêu cầu cao hơn đối với các dự án đầu tư vào các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt về công nghệ, nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, quản trị doanh nghiệp, chất lượng công trình và dịch vụ, v.v... cần có quy định cao hơn mới được hưởng các ưu đãi này.

Về vấn đề ảnh hưởng của thời hạn thuê đất 99 năm và cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền chuyển nhượng và sở hữu nhà ở, Bộ trưởng Nguyễn Chi Dũng cho biết, theo Luật Đất đai hiện hành thời hạn sử dụng đất tối đa đối với đất sản xuất trong các khu kinh tế là 70 năm. Dự thảo luật cho thuê đất tối đa là 99 năm nhưng chỉ áp dụng đối với một số dự án thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tin: Quang Minh / Ảnh: Đình Nam