RÀ SOÁT, BỔ SUNG NHÓM CHỈ TIÊU PHẢN ÁNH CHUYỂN ĐỔI SỐ, KINH TẾ SỐ TRONG DANH MỤC CHỈ TIÊU THỐNG KÊ QUỐC GIA

09/09/2021

Cần rà soát, bổ sung nhóm chỉ tiêu phản ánh chuyển đổi số, kinh tế số trong Danh mục Chỉ tiêu Thống kê quốc gia là đề xuất của nhiều đại biểu tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục- Danh mục Chỉ tiêu Thống kê Quốc gia của Luật Thống kê” do Viện nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tại Nhà Quốc hội vào chiều 9/9.

 

Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến

Dưới sự chủ trì của Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ts. Nguyễn Văn Hiển; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến, hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận, thu thập ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học về những vấn đề còn nhiều ý kiến trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục- Danh mục Chỉ tiêu Thống kê Quốc gia của Luật Thống kê nhằm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo về dự án luật tại phiên họp UBTVQH tháng 9/2021.

Góp ý tại hội thảo, TS. Trần Văn Duy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, xuất phát từ thực tiễn của sự phát triển trong bối cảnh bối mới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu đặt ra đối với việc tiếp tục rà soát, bổ sung Nhóm chỉ tiêu phản ánh chuyển đổi số, kinh tế số trong Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia là vô cùng cần thiết.

Theo TS. Trần Văn Duy Dự thảo Danh mục Chỉ tiêu Thống kê Quốc gia sửa đổi, bổ sung gồm 20 nhóm với 215 chỉ tiêu. So với Danh mục Chỉ tiêu Thống kê Quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê 2015 (gồm 20 nhóm và 186 chỉ tiêu) có thay đổi về số chỉ tiêu. Cụ thể, Danh mục Chỉ tiêu Thống kê Quốc gia sửa đổi, bổ sung giữ nguyên 145 chỉ tiêu, sửa tên 34 chỉ tiêu, bổ sugn 36 chỉ tiêu và bỏ đi 7 chỉ tiêu. Tuy nhiên, cần tiếp tục làm rõ về chỉ tiêu Công nghệ thông tin và truyền thông.

TS. Trần Văn Duy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

TS. Trần Văn Duy đề xuất sửa nhóm chỉ tiêu này thành “Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông” nhằm thống nhất, bao quát hết phạm vi các chỉ tiêu của nhóm. Đồng thời, đề xuất bổ sung thêm tên chỉ tiêu trong nhóm chỉ tiêu số “13. Công nghệ thông tin và truyền thông”; Nội hàm của các chỉ tiêu về kinh tế số về Chi cho chuyển đổi số;….

Về nội dung này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế cho rằng , đối với nhóm chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số, chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, thành quả CMCN 4.0 (chiếm tới gần 50% các chỉ tiêu bổ sung): về cơ bản các chỉ tiêu đã đảm bảo các nguyên tắc chung. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nên xem xét sửa đổi đảm bảo tính chính xác, phù hợp hơn, bám sát hơn với QDD749 của TTgCP (2020) về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

TS. Cấn Văn Lực đề xuất cân nhắc 7 nhóm vấn đề chính: Đối với nhóm chỉ tiêu liên quan đến mức độ phổ cấp Internet, điện thoại di động và mạng xã hội; Đối với nhóm chỉ tiêu liên quan đến doanh thu/sản lượng của các nhóm ngành chính trong kinh tế số; Đối với các chỉ tiêu về kinh tế số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng; Đối với các chỉ tiêu việc làm trong nền kinh tế số; Đối với phát triển Chính phủ số; Đối với phát triển xã hội số; Đối với nhóm chỉ tiêu về chi cho chuyển đổi số.

Một số ý kiến khác tại hội nghị cũng đồng tình với quan điểm Danh mục Chỉ tiêu Thống kê Quốc gia phản ánh chuyển đổi số kinh tế số cần tiếp tục cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu, đường lối đổi mới của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây. Đồng thời, phải bám sát vào mục tiêu và quan điểm xây dựng và hoàn thiện trong điều kiện cách mạng khoa học công nghệ và thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp ngày càng đi vào thực chất.

Đại biểu tham luận dưới hình thức trực tuyến

Cũng tại hội thảo, tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm về: Đánh giá tổng thể 5 năm thực hiện Luật Thống kê; Làm rõ các thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát trong tổng sản phẩm trong nước GDP và tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương GRDP và thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc điều hành GDP, tác động của điều chỉnh GDP; Làm rõ chỉ tiêu nào thì cần thiết đưa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu nào thuộc chỉ tiêu thống kê của ngành, của địa phương; Hoàn thiện bộ chỉ tiêu thống kê từ góc nhìn của các ngành, lĩnh vực;…

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho biết, thực hiện Nghị quyết số 17/2021/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục Chỉ tiêu Thống kê Quốc gia của Luật Thống kê sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến chủ trì hội thảo 

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, hội thảo đã hoàn thành nội dung chương trình làm việc với nhiều ý kiến góp ý sôi nổi, chất lượng, đa chiều của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thống kê. Qua ý kiến phát biểu cho thấy, nhiều nội dung về phạm vi sửa đổi; yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số chỉ tiêu tại Danh mục Chỉ tiêu thống khê quốc gia,... cần tiếp tục được nghiên cứu làm rõ từ cả góc độ lý luận cũng như thực tiễn.

 Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp khẳng định đây là nguồn thông tin, luận cứ khoa học quan trọng phục vụ hữu hiệu cho công tác hoàn thiện, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục Chỉ tiêu Thống kê Quốc gia của Luật Thống kê tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra vào tháng 9/2021). Nội dung của Hội thảo cũng sẽ được Viện Nghiên cứu lập pháp cung cấp tới các ĐBQH làm tài liệu tham khảo trong quá trình xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.

Lê Anh