Cho ý kiến về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với mục tiêu, quan điểm xây dựng luật theo Tờ trình của Chính phủ. Dẫu vậy, dự thảo Luật vẫn còn quá nhiều điều khoản được giao cho Chính phủ và Bộ Công an quy định. Nhấn mạnh đây là luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú - các Ủy viên UBTVQH yêu cầu, cần tiếp tục rà soát, tính toán để cụ thể hóa tối đa các đối tượng, thủ tục, trình tự ngay trong luật. Có như vậy mới bảo đảm thực hiện được mục tiêu của Luật là công khai, minh bạch, cụ thể và tạo thuận lợi cho người nước ngoài xuất, nhập cảnh cư trú tại nước ta.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Phải cụ thể hóa thẩm quyền và trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Tôi cơ bản nhất trí với nhiều nội dung và tán thành với mục tiêu quan điểm xây dựng dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết việc thi hành Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000; nghiên cứu kinh nghiệm, văn bản pháp luật của các nước và cũng đã có dự báo tình hình quản lý xuất, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, dự thảo Luật còn quá nhiều quy định về đối tượng, thủ tục, trình tự giao cho Chính phủ và Bộ Công an quy định. Ví dụ Khoản 3, Điều 1 quy định đối tượng, thủ tục cấp thị thực trong nước giao cho Thủ tướng; thủ tục cấp thẻ tạm trú Khoản 4, Điều 30; thủ tục cho thường trú Khoản 3, Điều 33; thủ tục cấp thường trú, Khoản 4, Điều 34; thủ tục khai báo tạm trú của người nước ngoài, Khoản 3, Điều 38. Đây là luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú nên cần cố gắng cụ thể hóa tối đa các thủ tục, trình tự, nhất là đối tượng ngay trong luật, tránh dành lại văn bản dưới luật quy định. Văn bản dưới luật chỉ quy định những vấn đề mang tính chất cá biệt trong cái chung, còn Luật này thủ tục và trình tự là chủ yếu, Luật ban hành có hiệu lực lại phải chờ các văn bản dưới luật. Chưa kể các văn bản dưới luật đó liệu có đáp ứng được những tiêu chí đã nêu trong luật là: công khai, minh bạch, cụ thể, thuận lợi cho người xuất, nhập cảnh hay không? Cần phải rà soát, tính lại những vấn đề nào đã được quy định trong các thông tư, nghị định hiện nay mà thấy hợp lý rồi, thông lệ quốc tế chấp nhận thì nên đưa luôn vào trong luật này.
Về quản lý nhà nước, vấn đề thẩm quyền của UBND, Tờ trình của Chính phủ và báo cáo tổng kết nói rất rõ là, hiện nay trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, UBND cấp huyện, cấp xã không rõ và không có sự kết nối, liên thông thông tin nên việc quản lý tạm trú của người nước ngoài rất hạn chế. Nhưng nếu đọc dự thảo Luật thì không biết sau này sẽ quy định thế nào? Dự thảo quy định UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện các nội dung liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh – viết như thế này không biết sau này UBND cấp tỉnh chỉ đạo thế nào, bởi vì không rõ thẩm quyền. Đề nghị phải cụ thể hóa thêm nội dung này.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa: Dự thảo Luật đã cơ bản bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan
Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cơ bản thống nhất dự luật này đã bảo đảm tính thống nhất với một số luật có liên quan.
Một là Luật Đầu tư. Theo quy định của Luật Đầu tư thì thời hạn thị thực cấp cho người nước ngoài vào đầu tư tại nước ta tối đa là 5 năm. Dự thảo Luật này vẫn quy định thời hạn thị thực phù hợp với mục đích nhập cảnh và không quá 12 tháng trừ một số trường hợp được liệt kê. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, quy định như vậy vì lấy thẻ tạm trú là 5 năm, nếu người có thẻ tạm trú rồi thì không phải cấp thị thực khi nhập cảnh và xuất cảnh. Quan điểm của chúng tôi vẫn đề nghị việc cấp thị thực và thẻ tạm trú đối với một số đối tượng phải bảo đảm sự phù hợp. Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đã nêu rõ: quy định về thời hạn thẻ tạm trú tại Điều 27 dự thảo Luật cần bảo đảm tính thống nhất về thời hạn của thị thực và thẻ tạm trú, nhất là đối với những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích làm việc, học tập, hợp tác đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan, tổ chức có liên quan và cho người nước ngoài. Nên áp dụng theo phương pháp cấp thẻ tạm trú và cấp thị thực cho một số đối tượng để bảo đảm trực tiếp hơn và không gây phiền hà trong quá trình thực hiện luật.
Hai là Bộ luật Lao động. Vừa qua, tình hình lao động của người nước ngoài ở nước ta khá phức tạp. Bộ luật Lao động đã điều chỉnh các vấn đề về cấp giấy phép lao động, quản lý lao động... Nhưng vấn đề xuất, nhập cảnh và quản lý lao động người nước ngoài là vấn đề rất quan trọng. Trước đây, chúng ta cấp thị thực vào rồi mới cấp giấy phép lao động, bây giờ ngược lại phải có giấy phép lao động chúng ta mới cấp thị thực, như đi lao động ở nước ngoài cũng vậy, phải có giấy phép lao động của nước ngoài sau đó họ mới cấp thị thực cho phép nhập cảnh. Đây là vấn đề chúng ta phải xử lý được trong tình hình thực tiễn hiện nay bảo đảm lao động nước ngoài vào nước ta đúng với mục đích thị thực và không bị lợi dụng qua du lịch rồi ở lại làm việc. Quy định này không trái với Bộ luật Lao động. Bộ luật Lao động cũng đã xử lý một cách chung nhất theo hướng này. Các vấn đề quản lý về con người khi đã vào lao động ở nước ta rồi thì do Bộ luật Lao động điều chỉnh. Quan điểm của chúng tôi là các đối tượng có liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư thì nên quy định luôn trong Luật này để thị thực và thẻ tạm trú tương ứng với nhau, không gây phiền hà và gây hiểu lầm trong việc áp dụng pháp luật.
Các luật khác như Luật ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế, chúng ta tuân thủ theo nguyên tắc của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế và không có gì trái. Chúng tôi chỉ đề nghị bổ sung một nguyên tắc bảo đảm chủ quyền quốc gia, bình đẳng quốc tế và bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội...
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Tiếp tục tính toán cơ chế, thủ tục bảo đảm đơn giản, thuận lợi, công khai, minh bạch để các đối tượng liên quan có thể thực hiện các quy định pháp luật một cách tốt nhất
Dự luật này phải xử lý hài hòa hai vấn đề. Một là vẫn bảo đảm đường lối đối ngoại và xu thế giao lưu giữa các nước, đi qua, đi về, làm ăn sinh sống, đi thăm, đi du lịch. Đây là xu thế bình thường trên thế giới. Vì vậy, xu thế này phải được hình thành một cách thuận lợi, quan trọng nhất là khuôn khổ pháp lý như thế nào. Hai là bảo đảm an ninh trật tự của mỗi quốc gia.
Tôi đồng ý quan điểm càng ngày càng công khai, minh bạch tất cả những vấn đề liên quan đến quản lý xuất, nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và phải tiếp tục tính toán cơ chế, thủ tục cho đơn giản, thuận lợi, công khai, minh bạch để các đối tượng có liên quan có thể thực hiện các quy định pháp luật một cách tốt nhất.
Đề nghị rà soát lại để bảo đảm sự đồng bộ của dự luật này với Bộ luật Lao động, với Luật Đầu tư và một số pháp luật có liên quan. Tôi đồng ý quan điểm quy định đối với các trường hợp được cấp thị thực vào làm việc tại Việt Nam thì phải có một điều kiện là phải có cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền ở đây đối với lao động chính là ngành thương binh và xã hội, còn họ phân cấp từ bộ xuống địa phương như thế nào thì trong Bộ luật Lao động đã quy định. Đây là điều kiện được bổ sung trong dự thảo Luật này, trở thành một điều kiện theo quy định tại Bộ luật Lao động. Phải dẫn chiếu như thế thì mới thấy được mối liên quan và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Những vấn đề nào liên quan đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động thì dự luật này phải dẫn chiếu để những đối tượng có liên quan biết rằng, về vấn đề này thì phải chấp hành thêm một luật nữa đó là Bộ luật Lao động chứ không chỉ chấp hành riêng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, tại Khoản 3, Điều 3, đề nghị phải thêm một trường hợp nữa là người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh và thêm một điều khoản quy định nữa là được cấp phép, lao động phải được cấp phép chứ không phải mời bảo lãnh. Bổ sung như vậy sẽ bảo đảm sự hài hòa giữa luật này với các luật khác có liên quan.
Điều 7 về giá trị thị thực, tôi đồng ý với ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ về quy định thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Trường hợp đặc biệt là gì phải quy định ra. Quy định như dự thảo thì tính công khai, minh bạch của luật này lại không thể hiện được. Báo cáo tổng kết của Chính phủ cũng như Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho thấy, tại Bộ luật Lao động có quy định đối với những đối tượng không được cấp phép lao động. Không phải ai cũng đòi hỏi cấp phép lao động. Chỉ có người lao động có tay nghề bình thường mới cấp phép, còn một số đối tượng không cấp phép thì người ta có lợi dụng việc này. Ví dụ như thành viên góp vốn, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn, thành viên hội đồng quản trị của công ty cổ phần, dự án, những người vào Việt Nam dưới 3 tháng để chào bán các loại dịch vụ, xử lý những sự cố kỹ thuật trong quá trình sản xuất, kinh doanh của công ty nước ngoài tại Việt Nam, học sinh, sinh viên học tập cũng không cấp phép lao động. Nhưng trên thực tế, các trường hợp này hiện nay đang bị lạm dụng. Tức là người ta đưa tên vào trong thành viên hội đồng quản trị, đưa vào một số đối tượng để không phải cấp phép lao động, như vậy việc cấp thị thực sẽ thuận lợi hơn. Đề nghị phải quy định Khoản 3, Điều 7 rõ ràng hơn để bảo đảm chặt chẽ và thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Điều 12, Khoản 4 cần phải xem xét lại kỹ thuật lập pháp. Dự thảo quy định trường hợp người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh, giải quyết việc riêng, tìm hiểu thị trường mà chưa có ai mời bảo lãnh nếu có nhu cầu tranh thủ đối ngoại. Tôi chưa hiểu kỹ thuật lập pháp mà dùng từ tranh thủ đối ngoại thì có nghĩa là gì? Hay có đủ cơ sở tin cậy ở đây là gì? Khi không ai mời, không ai bảo lãnh, không ai cấp phép mà anh vào thì căn cứ vào đâu để gọi là tranh thủ đối ngoại và căn cứ vào đâu để gọi là có cơ sở tin cậy? Cơ sở tin cậy chính là ở chỗ anh được mời, được bảo lãnh, được cấp phép, còn những trường hợp này cơ sở tin cậy như thế nào? Đề nghị Khoản 4, Điều 12 phải nói rõ thêm trường hợp không được mời, không được bảo lãnh, không được cấp phép mà vẫn được cấp thị thực cho vào Việt Nam.