DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM 2021: PHIÊN CHUYÊN ĐỀ 1 VỀ PHỐI HỢP CÁC CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ LINH HOẠT, HIỆU QUẢ, TẠO NGUỒN LỰC ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, PHỤC HỒI KINH TẾ

05/12/2021

Chiều 05/12, tiếp tục chương trình Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, các đại biểu nghe trình bày tham luận và thảo luận chuyên đề “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”.

 

Tọa đàm chuyên đề “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”

Các đại biểu đã nghe PGS.TS Vũ Sỹ Cường, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, trình bày báo cáo đề dẫn về Dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới; Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Jacques Morisset trao đổi về Chính sách thuế cho giai đoạn phục hồi kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị dành cho Việt Nam; Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình trao đổi về Chuyển đổi số - tìm cơ trong nguy để bứt phá, phát triển kinh tế.

Trong phần tọa đàm, dưới sự điều phối của chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, với sự tham gia của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia TS.Trương Văn Phước, nguyên Phó Viện trưởng CIEM TS.Võ Trí Thành và Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Jacques Morisset, các đại biểu tiếp tục thảo luận, đưa ra những kiến nghị, đề xuất chính sách và bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống hướng đến phát triển bền vững.

Còn dư địa cho chính sách tài khóa nhưng không nhiều

PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thu ngân sách giảm dần để khoan sức dân, do đó tỷ lệ thu ngân sách trong GDP giảm dù số tuyệt đối tăng cùng với đó tỷ lệ thu nội địa tăng đáng kể, cho phép ổn định nguồn thu cao hơn. PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng đây là một trong những điểm tích cực, có thêm không gian cho cải thiện ngân sách.

Về chi ngân sách, theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, trong 5 năm qua, sự chênh lệnh dự toán và quyết toán tương đối thấp, chấp hành ngân sách tốt hơn, tuy nhiên chi đầu tư còn hạn chế nhất định, bội chi tăng mạnh 2020-2021. Thực tế trên cho thấy Việt Nam đã thực hiện chính sách tài khóa và đã có hỗ trợ nhất định từ chính sách tài khóa.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, trình bày báo cáo đề dẫn về Dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới

Khẳng định dư địa cho chính sách tài khóa vẫn còn, tuy nhiên PGS.TS Vũ Sỹ Cường  cũng cho rằng cứu cần hết sức chú ý đến thách thức từ tính bất định của dịch bệnh, khi đó, nếu dùng hết dư địa tài khóa sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh rủi ro từ tính bất định của tình hình dịch bệnh còn có rủi ro từ vay nợ nếu vay nợ trong nước lớn có hiệu ứng lấn át và tạo thách thức đối với chính sách tiền tệ. Ngoài ra là các thách thức từ  việc chấp hành chính sách nhất là trong giải ngân; tính bền vững nguồn thu. Do đó, dù có dư địa tài khóa nhưng chỉ ở mức độ nhất định mà không quá lớn.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường chỉ rõ quy mô của chính sách tài khóa được xác định mức độ vừa phải, thực hiện trong vòng 2 năm. Ước tính quy mô của gói chính sách tài khóa trong khoảng 4% GDP (chưa tính chi phí cho y tế) và khoảng 5,8%-6% GDP nếu tính đến các chi phí y tế. Do vậy, gói tài khóa trong hai năm 2022 - 2023 khoảng từ 3,8% - 4,1% GDP là ở mức an toàn.

Cùng với đó, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp các chính sách và chỉ rõ điều này sẽ nhằm tăng tính hiệu lực của chính sách,  khắc phục độ trễ chính sách, bảo đảm tính linh hoạt cao hơn và ổn định của chính sách.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn từ điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội

Từ phân tích trên, đưa ra gợi ý chính sách việc hỗ trợ và thực hiện chính sách tài khóa PGS.TS Vũ Sỹ Cường đề nghị cần cân nhắc tính bất định của giai đoạn tiếp theo nên không thể có gói hỗ trợ quá lớn, cần có sự hỗ trợ với chính sách tiền tệ bảo đảm hài hòa chính sách và cần có kế hoạch kịp thời đẩy mạnh giải ngân chính sách tài khóa và thực hiện các giải pháp hỗ trợ đầu tư công, giải ngân đầu từ công.

Nêu rõ, khó khăn trong giai đoạn hiện này xuất phát từ nguyên nhân y tế, PGS.TS Vũ Sỹ Cường lưu ý rằng các chính sách tài khóa, tiền tệ cần phối hợp chặt với chính sách y tế, bám sát với kịch bản y tế để giảm tính bất định do nguyên nhân y tế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; đưa ra các kịch bản y tế, tài khóa và tiền tệ cụ thể để doanh nghiệp thấy chắc chắn hơn trong đầu tư kinh doanh thời gian tới.

Chính sách thuế tốt là công cụ hiệu quả cho phục hồi và phát triển kinh tế

Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Jacques Morisset đưa ra nhận định, 2021 là năm rất khó khăn với Việt Nam. Trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 5 - 5,5%, Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 2 - 2,5%, đặc biệt suy giảm tăng trưởng trong quý 3/2021 của Việt Nam có thể coi là một trong những cú sốc lớn trong vòng 50 năm qua. Trong bối cảnh đó, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, chính sách thuế tốt không chỉ bảo đảm nguồn lực cho ngân sách nhà nước mà còn có thể là một trong những công cụ giúp bảo vệ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và phục hồi kinh tế trong khủng hoảng, đạt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào 2045.

Đại diện của Ngân hàng Thế giới cho rằng, thời gian qua, Việt Nam mới chủ yếu sử dụng chính sách tiền tệ và còn nhiều dư địa để sử dụng chính sách tài khóa cho phục hồi kinh tế.

Đưa ra khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam, đại diện của Ngân hàng Thế giới nêu rõ, bối cảnh mới đòi hỏi cần có giải pháp mới. Phục hồi sau khủng hoảng là ưu tiên hàng đầu hiện nay, vì vậy, cần hành động nhanh để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời lưu ý, không được bỏ quên mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam. Trong đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhấn mạnh các ngành có giá trị gia tăng cao, phát triển bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Jacques Morisset trao đổi về Chính sách thuế cho giai đoạn phục hồi kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị dành cho Việt Nam

Theo đại diện của Ngân hàng Thế giới, cần thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận (miễn, giảm thuế suất) đã lỗi thời bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí cho phép các doanh nghiệp mục tiêu được khấu trừ bổ sung, như chi phí vốn, chi phí lao động, chi phí lãi. Tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa và dịch vụ; tăng cường các quy định chống chuyển dịch lợi nhuận; áp dụng hoặc tăng cường đánh thuế đối với nền kinh tế kỹ thuật số; giảm danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện miễn thuế giá trị gia tăng hoặc hưởng thuế suất 5%; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và áp thuế carbon; ban hành thuế tài sản.

Kết hợp sức mạnh toàn dân với chuyển đổi số sẽ vượt qua thách thức

Trao đổi về chủ đề Chuyển đổi số - tìm cơ trong nguy để bứt phá, phát triển kinh tế, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng để biến đại dịch COVID-19 thành cơ hội thì điều quan trọng là sức mạnh Nhân dân cùng với đó là kết hợp với chuyển đổi số. Cho rằng, nguy cơ càng lớn, thách thức càng lớn nhưng khi vượt qua được sẽ đạt được thành công càng lớn, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng kết hợp sức mạnh toàn dân với chuyển đổi số sẽ vượt qua thách thức.

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình trao đổi về Chuyển đổi số - tìm cơ trong nguy để bứt phá, phát triển kinh tế.

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ, trong giai đoạn vừa qua, Tập đoàn FPT đã đồng hành cùng với Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, đã tận dụng cơ sở dữ sở dữ liệu cập nhật về tình hình dịch bệnh và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp trả lời, giải đáp thắc mắc của người dân qua đó đánh giá tình hình, phân loại F0 để giúp người nhiễm bệnh tự chăm sóc hoặc đưa ra quyết định khi nào cần đến bệnh viện. Qua thống kê cho thấy có trên 90% thắc mắc của người dân được giải quyết; đã có 26 triệu cuộc gọi được thực hiện bởi trí tuệ nhân tạo để chăm sóc hơn 1,6 triệu người dân liên quan đến COVID-19.

Tập đoàn cũng đã xây dựng giải pháp chỉ huy xanh, hệ thống chỉ huy nhất quán, xây dựng vaccine công nghệ, xây dựng văn phòng không giấy, văn phòng không chạm, bảo đảm cho doanh nghiệp được vận hành trong bối cảnh dịch bệnh. Cùng với đó là xây dựng giải pháp về giáo dục xanh, an ninh xanh. Để tạo dựng bứt phá trong tương lai trong phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, cần xây dựng kinh tế số gồm chuyển đổi số doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử, du lịch điện tử nông nghiệp số và kêu gọi đầu tư trong nước và quốc tế; xây dựng xã hội số với dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, dịch vụ vận tải thuận lợi tạo cuộc sống người dân số; triển khai hạ tầng chuyển đổi số xây dựng thành phố thông minh./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác