DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM 2021: TỌA ĐÀM CHUYÊN ĐỀ VỀ BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI VÀ NGUỒN CUNG LAO ĐỘNG TRONG QUÁ TRÌNH PHỤC HỒI KINH TẾ

05/12/2021

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, chiều ngày 05/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ICC, các đại biểu đã tham dự Tọa đàm chuyên đề ‘’Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế’’.

 

Toàn cảnh phiên toạ đàm

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày tham luận và thảo luận bàn tròn về các nội dung như: An sinh xã hội cho các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam; Đẩy mạnh đào tạo nghề góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước; Các khuyến nghị chính sách về lao động, thị trường lao động và việc làm tại Việt Nam…

Ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ

Tham luận tại Tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Lưu Quang Tuấn cho biết, đến nay, nước ta đã trải qua 4 làn sóng COVID-19. Đại dịch đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế và xã hội của đất nước. Làn sóng COVID-19 lần thứ tư làm tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2021 giảm chỉ còn 1,42%. Ở một số thời điểm, đại dịch COVID-19 đã tác động rất mạnh đến tình hình lao động, việc làm và an sinh xã hội của người dân.

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm xuất hiện và gia tăng các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần được trợ giúp mà hệ thống an sinh xã hội hiện hành chưa bao phủ tới. Trong bối cảnh này, Đảng và Nhà nước đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn trong đại dịch. Cụ thể các chính sách an sinh xã hội chưa có tiền lệ như Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP và các chính sách khác đã ứng phó kịp thời, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định cuộc sống người dân và hỗ trợ doanh nghiệp chống chịu trước các rủi ro do đại dịch COVID-19 gây ra. Các chính sách hỗ trợ về cơ bản đã được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo nguyên tắc “hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu”.

Về định hướng giải pháp hoàn thiện và đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Lưu Quang Tuấn cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động của đại dịch COVID-19 đến các nhóm đối tượng để làm cơ sở xây dựng các chính sách, kế hoạch đặc thù, thực hiện giải pháp sau đại dịch. Nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các nhóm đối tượng trong và sau đại dịch.

Đồng thời, cần khẩn trương sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế… để nhanh chóng mở rộng phạm vi bao phủ của các chương trình an sinh xã hội dựa trên đóng góp như là một chiến lược để phát triển hệ thống an sinh xã hội tiến bộ, bền vững, phù hợp với các thách thức khách quan về già hóa dân số, biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế. Tăng cường và hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi các trường hợp khẩn cấp trên diện rộng, đảm bảo quy trình xác định đối tượng, xác định thiệt hại và thủ tục hành chính được rút gọn tối đa để đảm bảo hỗ trợ kịp thời.

Đẩy mạnh đào tạo nhân lực, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế

Phát biểu tham luận tại Tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, mặc dù chúng ta đang trong giai đoạn dân số vàng song chất lượng lao động vẫn còn nhiều vấn đề. Theo đó, trong số 55 triệu lao động chỉ 24,5% có bằng cấp chứng chỉ. Mặc dù chất lượng đào tạo nghề đã tăng 13 bậc nhưng chỉ xếp thứ 97/141 nước xếp hạng, còn khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và khu vực ASEAN. Tăng trưởng kinh tế khá cao song năng suất lao động vẫn thấp. Chúng  ta sẽ hết giờ tranh thủ cơ hội vàng nếu không tăng tốc đầu tư vào vốn con người, vào lao động có kỹ năng.

Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có khoảng 48% số lao động cần đào tạo lại, 53% số doanh nghiệp trong nước không dự báo được tương lai, 68% số cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho Cách mạng 4.0 và tác động của dịch bệnh. Do vậy, tới đây, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề cần được coi là trụ cột rất quan trọng để thích ứng trạng thái bình thường mới, giúp nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi suy thoái.

Ông Trương Anh Dũng - đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề xuất, trước mắt, cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Cần kéo dài 1 - 2 năm nữa việc đào tạo nghề cho người thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần đặt hàng đào tạo dưới 1 năm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. 

Về trung hạn và dài hạn, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn. Tiếp đến, cần tăng nhanh quy mô đào tạo. Bởi năm 2021, tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 75 - 80% chỉ tiêu, đồng nghĩa nguồn cung không đáp ứng cho thị trường lao động. Song song với đó, cần chuyển đổi số, thay đổi phương thức đào tạo; đẩy mạnh hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thị trường lao động; Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính; Truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của giáo dục nghề nghiệp; Chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế…

Tăng cường các gói an sinh xã hội, đề cao giá trị văn hóa

Thảo luận bàn tròn tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, việc làm của người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trước tình hình đó, chính sách tài khóa năm 2020, 2021 đã rất linh hoạt, đưa ra nhiều gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, các địa phương cũng đưa ra các gói chính sách đặc thù, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ về tiền điện, tiền nước; tăng quỹ vốn vay giải quyết việc làm... để kịp thời tạo điều kiện cho người dân, người lao động và doanh nghiệp vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Là người có những nghiên cứu đánh giá tác động xã hội của dịch COVID-19, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia cao cấp Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khuyến nghị giải pháp thúc đẩy chuyển tiền hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất để thúc đẩy tổng cung, tổng cầu. Theo ông Jonathan Pincus, Chính phủ có thể đưa ra phương án vận chuyển những người lao động an toàn để họ quay lại khu vực công nghiệp, hỗ trợ tiền thuê nhà, qua đó thúc đẩy phục hồi kinh tế ngắn hạn, đảm bảo người thuê lao động có nguồn nhân lực cần thiết để sản xuất trong thời điểm tới.

Một số ý kiến thảo luận chỉ rõ, phục hồi và phát triển bền vững cần có cách tiếp cận mới, nhận thức mới, chính sách và thể chế mới. Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngoài những gói hỗ trợ phục hồi, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần có cách tiếp cận mới, nhận thức mới, chính sách và thể chế mới. Gói thể chế này nên cũng là một phần trong chương trình phục hồi bền vững, và đây là gói cứu trợ mà doanh nghiệp rất mong mỏi.

Bên cạnh đó, GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định, trong dịch bệnh COVID-19, lĩnh vực văn hóa, giáo dục cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Các hoạt động văn hóa, du lịch bị đình trệ, hàng triệu trẻ em chưa được đến trường và phải học online. GS.TS Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh đến giá trị văn hóa, đề cao những hành động tương trợ nghĩa tình của người dân, của lực lượng tham gia chống dịch, đồng thời khẳng định văn hóa là nhân tố phát triển bền vững.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, văn hóa phải là một trong những nhân tố dẫn đến phục hồi và phát triển bền vững cùng với các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội; chúng ta phải chuyển dần sang nền tảng mới là văn hóa số, cần phát triển các sản phẩm văn hóa số để có thể thích ứng tốt hơn mà không bị tác động tiêu cực từ đại dịch. Điều này chính là mục tiêu để chúng ta đưa văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế chính trị xã hội./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác