TS. NGUYỄN VĂN HỘI: KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT QUY HOẠCH

01/04/2022

Theo TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, trong quá trình triển khai, Luật Quy hoạch đang bộc lộ nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cả về nội dung và quy trình thực hiện. Để kịp thời khắc phục những vướng mắc này, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch…

Luật Quy hoạch năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2019, đã tạo dựng hệ thống quy hoạch quốc gia thống nhất, góp phần thay dổi cơ bản tư duy, phương pháp và nội dung hoạt động quy hoạch

Vướng mắc cả về nội dung và quy trình thực hiện

TS. Nguyễn Văn Hội cho biết, đến nay đã có nhiều nghiên cứu kể cả lý thuyết và thực tiễn chứng minh những lợi ích khi thực hiện theo Luật Quy hoạch năm 2017, bao gồm bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Luật Quy hoạch đang bộc lộ nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cả về nội dung và quy trình thực hiện. Sau hơn 4 năm kể từ ngày Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua và ban hành (ngày 24/11/2017), trong tổng số 110 quy hoạch, bao gồm 03 quy hoạch cấp quốc gia, 38 quy hoạch ngành quốc gia, 06 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh, mới chỉ có một số quy hoạch được phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28-02-2022 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhằm giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Trong đó,  Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 giao Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo việc lập, thẩm định các quy hoạch ở các Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.

Đồng thời, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc về tích hợp quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 15/9/2020 về bổ sung các quy hoạch tại Phụ lục Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Ngoài ra, tại Công điện số 1079/CĐ-TTg ngày 14/8/2021 về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch. Nhưng những sửa đổi bổ sung sẽ chủ yếu tập trung vào nguồn kinh phí, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch

Ngày 27/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Trong đó đề ra mục tiêu hoàn thành việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước ngày 31/12/2022. Để xử lý đối với những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, cải thiện nội dung và chất lượng quy hoạch và chủ động tham gia quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, TS. Nguyễn Văn Hội kiến nghị cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch như sau:

Một là, cần quy định rõ hơn nội dung của từng quy hoạch, phân định rõ phạm vi và đối tượng điều chỉnh của các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Hai là, theo giải thích tại Luật Quy hoạch về tích hợp quy hoạch, hiện nay đang có nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình triển khai tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Do vậy, cần quy định rõ nội dung và phương pháp tích hợp quy hoạch, trong đó xác định rõ các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Ba là, cần bổ sung một số quy hoạch trong lĩnh vực công nghiệp thương mại vào danh mục các quy hoạch ngành quốc gia, bao gồm: Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước; Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc; Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước; Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến quốc lộ…

Bốn là, chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công theo quy định của Luật Quy hoạch là quá lãng phí và không hiệu quả (kinh phí tương đối lớn nhưng không hiệu quả), cần được sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Năm là, cần sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch. Bởi vì thực tiễn cho thấy quy trình, trình tự khó thực hiện nhưng lại không chặt chẽ, lỏng lẻo trong quản lý.

Sáu là, cần phải sửa đổi, bổ sung những tiêu chí chặt chẽ, rõ ràng hơn về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, tư vấn phản biện độc đủ điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận./.

Lê Anh

Các bài viết khác