THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH

09/05/2022

Ngày 25/4/2022, tại phiên họp thứ 10, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản số 952/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Đoàn giám sát để hoàn thành nhiệm vụ; đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, sự tham gia tích cực, hiệu quả của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn thiện báo cáo giám sát, chuẩn bị bước đầu dự thảo Nghị quyết giám sát. Đến nay, những vấn đề chính trong báo cáo giám sát cơ bản đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất về quan điểm, nhận thức, thực trạng, kiến nghị, đề xuất giữa Đoàn giám sát với các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Đoàn giám sát cũng đã báo cáo tại buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ và tiếp thu nhiều ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện Báo cáo giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện Báo cáo tóm tắt, Báo cáo đầy đủ, dự thảo Nghị quyết và Video trình chiếu kết quả giám sát để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. 

Trong đó, lưu ý  đối với dự thảo Nghị quyết cần bổ sung khái quát những vấn đề lớn thể hiện kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; đối với phần nhiệm vụ, giải pháp cần thiết kế phù hợp với phần kiến nghị của Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát.

Đối với Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát cần biên tập và bố cục lại ngắn gọn, súc tích; cần bổ sung đánh giá và chỉ rõ cụ thể các điều, khoản bất cập của Luật Quy hoạch dẫn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 để có thể triển khai công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch và việc điều chỉnh quy hoạch đang có để có thể vận hành trong thực tế. Nội hàm của quy hoạch tổng thể quốc gia chưa rõ ràng dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn. Việc sử dụng phương pháp lập quy hoạch chưa rõ ràng, còn lúng túng. Việc lập quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các quy định chưa rõ ràng về tích hợp, tiêu chí kết hợp, thứ bậc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, trình tự lập trước, lập sau của các quy hoạch.

Ngoài các bất cập, hạn chế của Luật Quy hoạch cần nêu rõ hoạt động quy hoạch hiện nay được điều chỉnh bởi nhiều văn bản luật, có những quy định mâu thuẫn, trùng chéo và không thống nhất giữa các luật; nêu cụ thể các quy định mâu thuẫn, vướng mắc; đánh giá các bất cập trong việc tuân thủ các quy định khi lập, ban hành các quy hoạch đã được phê duyệt như tuân thủ quy định về hệ thống bản đồ, sơ đồ và về phân kỳ đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia trong các quy hoạch được duyệt…; đánh giá việc ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội khi chậm lập, phê duyệt các quy hoạch; sự phù hợp của việc bãi bỏ toàn bộ các quy hoạch về sản phẩm và dịch vụ; việc tích hợp mục tiêu chiến lược kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào các quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát để trao đổi, cung cấp thông tin nhằm hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng phần nhiệm vụ, giải pháp trước mắt phải cụ thể, khả thi, nếu quy định khác với luật phải là những vấn đề đã rõ, đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, phê duyệt các quy hoạch trong thời gian sớm nhất, bảo đảm chất lượng; các giải pháp lâu dài phải nêu rõ các định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, tiến tới sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch và các luật có liên quan gửi Đoàn giám sát bảo đảm tiến độ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Đoàn giám sát phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện Báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát và Thường trực của Đoàn giám sát, kịp thời có ý kiến đối với các nội dung thuộc lĩnh vực phân công phụ trách./.

Bảo Yến