TẠO THUẬN LỢI CHO VIỆC BÁO TIN, TỐ GIÁC, KỊP THỜI XỬ LÝ CÁC VỤ VIỆC BẠO LỰC GIA ĐÌNH

09/05/2022

Chiều 09/5, tiếp tục chương trình Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” do Ủy ban Xã hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều góp ý thiết thực, xác đáng, trong đó nhiều ý kiến tán thành với biện pháp mở rộng địa chỉ tiếp nhận, hình thức báo tin để tạo thuận lợi hơn cho việc báo tin, tố giác, kịp thời trong xử lý các vụ việc bạo lực gia đình.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” do Ủy ban Xã hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức nhằm tiếp tục lắng nghe, thu thập ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp vào những chính sách lớn của dự án Luật; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp, điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa về công tác bạo lực gia đình, về sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tại hội thảo, sau khi nghe Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khuất Văn Quý trình bày khái quát những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đa số các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là điều cần thiết để ứng phó với vấn nạn này trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cũng tập trung cho ý kiến đánh giá các quy định về báo tin và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; kiến nghị các giải pháp nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả tin báo về các vụ việc bạo lực gia đình trong công đồng; đánh giá việc xã hội hóa và tính khả thi của nguồn nhân lực và tài chính thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thực tế; góp ý quy định về hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; đánh giá tính khả thi của các quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; góp ý về những vấn đề đặt ra trong việc xử lý vi phạm pháp luật với bạo lực gia đình; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý vấn đề bạo lực gia đình.

ThS. Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Tham gia ý kiến tại hội thảo về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình, ThS. Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng một số chuyên gia cho rằng, trong thực tế, hành vi bạo lực gia đình mang tính đặc thù, vừa áp dụng quy phạm pháp luật, vừa áp dụng quy phạm đạo đức đan xen, nên rất khó xử lý. Các chuyên gia kiến nghị dự thảo Luật quy định rõ hơn việc áp dụng các quy định xử lý phù hợp đặc thù hành vi bạo lực gia đình, nên vận dụng sáng tạo, quy định dẫn chiếu cụ thể, rõ ràng hơn để cán bộ thực thi công vụ thuận lợi áp dụng.

Cùng với đó, cho ý kiến về biện pháp bố trí nơi tạm lánh khi người bị bạo lực gia đình, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, các chuyên gia cũng cho rằng cần thiết kế các biện pháp bảo vệ người bị bạo lực gia đình theo hướng áp dụng tối đa các biện pháp khác trước khi áp dụng các giải pháp tạm lánh.

TS. Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cùng một số chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật đã quy định khá cụ thể về việc báo tin, tố giác về bạo lực gia đình và mở rộng hơn về địa chỉ tiếp nhận, hình thức báo tin về vụ việc bạo lực gia đình, tạo thuận lợi hơn cho việc báo tin, tố giác bạo lực gia đình và sự kịp thời trong xử lý các vụ việc. Cùng với đó, các đại biểu cho rằng, khoản 4 Điều 27 dự thảo Luật quy định “Chính phủ quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình”. Nội dung về xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình đã được quy định cụ thể tại Điều 28 dự thảo Luật, do đó, cần rà soát để các quy định không trùng lắp và phạm vi giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp.

Thêm vào đó, các chuyên gia cũng cho rằng việc dự thảo Luật làm rõ trách nhiệm của công an cấp xã và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cũng như đại diện các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong việc xác minh, xử lý tin báo về vụ việc bạo lực gia đình được đánh giá sẽ làm tăng tỷ lệ người tố cáo hành vi bạo lực gia đình cũng như tăng tỷ lệ người bị bạọ lực gia đình tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan, đoàn thể ở cộng đồng khi bị bạo lực, từ đó giúp ngăn ngừa kịp thời hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền của công an xã khi được phân công thực hiện việc ngăn chặn bạo lực, nên sẽ khó thực hiện trên thực tế trong trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành các quy định và theo yêu cầu. Do đó, các chuyên gia đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung để áp dụng được thuận lợi, khá thi.

ThS. Khuất Thị Thu Hiền, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao 

Quan tâm đến biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình, ThS. Khuất Thị Thu Hiền, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao cùng các chuyên gia đề nghị bổ sung quy định về việc phối hợp giữa Công an xã với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố trong việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã để bảo đảm kịp thời và hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung biện pháp không cho trông nom, chăm sóc, giáo dục con đối với trường hợp cha, mẹ có hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo tính thống nhất của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với Luật Hôn nhân và gia đình.

Kiến nghị sửa đổi một số nội dung cụ thể trong dự thảo Luật, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng một số chuyên gia đề nghị cần quy định cụ thể các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình về mặt tinh thần, bổ sung quy định về trợ giúp tư vấn pháp lý miễn phí, về cấm cưỡng bức hòa giải, về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường trong bố trí nhà tạm lánh, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, các chuyên gia kiến nghị bổ sung thêm nội dung đào tạo kiến thức về quyền con người trong phòng, chống bạo lực gia đình; chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ trực tiếp xử lý bạo lực gia đình, gia tăng thẩm quyền cho lực ượng cảnh sát trong việc tiếp cận nhà ở, tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình; quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Kết luận nội dung hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đánh giá cao những ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết, thực tế của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc, gửi tới Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội, để cung cấp thêm thông tin khoa học, đa chiều, đảm bảo đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn, góp phần hoàn thiện dự án Luật với chất lượng cao.

Một số hình ảnh hội thảo:

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị cần quy định cụ thể các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình về mặt tinh thần, bổ sung quy định về trợ giúp tư vấn pháp lý miễn phí

ThS. Đặng Minh Đạo, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về kinh tế - xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp trình bày một số kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý vấn đề bạo lực gia đình và bạo lực phụ nữ ở một số quốc gia (Châu Âu, Mỹ, Ấn Độ), đồng thời đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam

TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam đánh giá tính khả thi của các quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình của dự thảo Luật

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa phát biểu tại hội thảo

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc, gửi tới Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội, để cung cấp thêm thông tin khoa học, đa chiều, đảm bảo đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn, góp phần hoàn thiện dự án Luật với chất lượng cao./.

Minh Hùng