LÀM RÕ SỰ CẦN THIẾT ĐÓNG PHÍ DUY TRÌ GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ KHÁM, CHỮA BỆNH

08/06/2022

Thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng cần làm rõ cơ sở và sự cần thiết của quy định về việc đóng phí duy trì giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong dự thảo luật.

Thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về trách nhiệm đóng phí duy trì giấy phép hành nghề, khoản 8 Điều 38 của dự thảo Luật quy định người hành nghề có trách nhiệm đóng phí duy trì giấy phép hành nghề theo mức do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định. Đây là nội dung mới của dự thảo Luật nhưng lại chưa được quy định cụ thể, chưa được đánh giá tác động, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở và sự cần thiết của quy định này. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về thẩm quyền thu, mục đích sử dụng, thời hạn đóng phí duy trì giấy phép hành nghề, tính phù hợp của quy định này với quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không quy định trách nhiệm đóng phí duy trì giấy phép hành nghề do đã đóng các phí, lệ phí khi cấp mới và gia hạn giấy phép hành nghề.

Đối với điều khoản chuyển tiếp đối với giấy phép hành nghề, Dự thảo Luật quy định điều khoản chuyển tiếp đối với giấy phép hành nghề được cấp cho đối tượng là bác sỹ trước ngày 01/01/2025 và cho đối tượng không phải là bác sỹ trước ngày 01/01/2030 tại khoản 1 và 3 Điều này. Về vấn đề này, Ủy ban Xã hội cho rằng, việc quy định lộ trình đối với việc cấp giấy phép hành nghề là phù hợp. Tuy nhiên, để tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề, quản lý hành nghề và đảm bảo sự công bằng giữa những người hành nghề, việc gia hạn giấy phép hành nghề đối với tất cả người hành nghề ở mọi lứa tuổi là cần thiết, do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định “người hành nghề được tiếp tục hành nghề theo phạm vi chuyên môn đã cấp mà không phải cấp lại, gia hạn giấy phép hành nghề nếu từ đủ 60 tuổi trở lên vào năm 2025 và năm 2030” tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều này.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về đăng ký hành nghề đối với các chức danh phải cấp giấy phép hành nghề, việc hành nghề ngoài giờ của các cán bộ y tế ở khu vực công; quy định rõ việc cấp giấy phép hành nghề đối với những người thực hiện khám cho người đến tiêm chủng, trực tiếp thực hiện tiêm chủng và theo dõi sau tiêm chủng quy định tại khoản 4 Điều 43 dự thảo Luật; quy định về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong việc công khai danh sách của các sinh viên đã tốt nghiệp các ngành học về sức khỏe để giảm thủ tục xác minh văn bằng, chứng chỉ đào tạo của các đối tượng xin hành nghề.

Về hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh, Dự án Luật quy định về hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh (ở cả khu vực công và tư) được tổ chức thành 03 cấp chuyên môn kỹ thuật: cấp khám, chữa bệnh ban đầu, cấp khám, chữa bệnh cơ bản, cấp khám, chữa bệnh chuyên sâu thay vì phân tuyến hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh thành 04 tuyến tương ứng với 04 cấp hành chính như Luật khám, chữa bệnh hiện hành. Việc cải cách căn bản về tuyến khám, chữa bệnh này là cần thiết để khắc phục những bất cập hiện tại và đáp ứng với yêu cầu mới trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, đây cũng là quan điểm được nêu tại Nghị quyết 20-NQ/TW.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo cần xác định rõ việc phân cấp này được thực hiện theo tuyến chuyên môn kỹ thuật hay phân loại hệ thống tổ chức; cần phân tích ưu điểm, nhược điểm, hiệu quả, mục đích của phân tuyến, phân cấp lại hệ thống khám, chữa bệnh để làm rõ  sự cần thiết, ưu việt của chính sách này so với việc phân tuyến hiện tại. Ngoài ra, đề nghị nêu cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của mỗi cấp nhằm xác định các chuyên môn kỹ thuật tương ứng, phương thức, cách thức kết nối của các tuyến với nhau trong chuỗi cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh cũng như lộ trình, việc chuẩn bị cho việc thay đổi cách thức phân tuyến khám, chữa bệnh để tránh việc quy định không thống nhất.

Đồng thời, quy định này cũng có liên quan mật thiết đến việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, việc thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, liên quan đến vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm các dịch vụ cơ bản, cơ chế giá dịch vụ y tế và trách nhiệm bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở khu vực khó khăn, nhất là đối với y tế cơ sở, do đó, cần làm rõ mối quan hệ giữa phân hạng cơ sở khám, chữa bệnh với các cấp cơ sở khám, chữa bệnh.

Toàn cảnh phiên họp

Về hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, Dự thảo Luật quy định 08 hình thức tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh và các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh khác, bổ sung thêm 03 hình thức đó là bệnh xá, trạm y tế xã, cơ sở dịch vụ tiêm chủng so với dự thảo Luật kèm theo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, trong đó 07/08 hình thức tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh cần phải cấp giấy phép hoạt động trừ cơ sở chỉ cung cấp dịch vụ tiêm chủng.

Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc bổ sung các hình thức này làm cơ sở để cấp giấy phép hoạt động là cần thiết nhằm giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện thời gian qua. Tuy nhiên, đây là nội dung khác với dự thảo Luật đã được trình kèm theo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi), do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần tiến hành đánh giá tác động theo đúng quy định và tiếp tục rà soát để quy định các hình thức tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh được bao quát, phù hợp, sát thực tiễn hơn và đặc biệt là để chuẩn hóa các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và việc áp dụng pháp luật.

Cùng với đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ về cơ sở dịch vụ tiêm chủng là hình thức tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh hay cơ sở y tế thực hiện chức năng dự phòng. Nếu đây là cơ sở khám, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh song lại không phải cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại khoản 4, Điều 43 thì sẽ mâu thuẫn với khoản 13 Điều 6; nếu là cơ sở y tế thực hiện chức năng dự phòng thì mâu thuẫn với khoản 2 Điều 1 về phạm vi điều chỉnh. Đồng thời, tiếp tục rà soát và làm rõ hình thức tổ chức của các cơ sở hiện đang thực hiện đang thực hiện khám, chữa bệnh như y tế tại trường học, cơ quan, trại giam, cơ sở bảo trợ xã hội, phục hồi chức năng, cơ sở cai nghiện ma túy, quản lý và điều trị HIV/AIDS, cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động không vì mục đích lợi nhuận... để đảm bảo không bỏ sót các đối tượng và phạm vi điều chỉnh. Có ý kiến đề nghị bổ sung hình thức Trung tâm y tế vào các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, dự thảo Luật cần quy định mang tính nguyên tắc đối với hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp mới, điều chỉnh, cấp lại giấy phép hoạt động tại khoản 2 Điều 46 để đảm bảo minh bạch và làm cơ sở để Chính phủ quy định cụ thể. Có ý kiến đề nghị cần quy định thời hạn với giấy phép hoạt động nhất là đối với phòng khám đa khoa tư nhân, các cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp dịch vụ thẩm mỹ và quy định các thủ tục gia hạn giấy phép hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng của các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như tăng cường quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh.

Hồ Hương