CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA NHÂN DÂN

14/06/2022

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm và đồng tình với quy định về Thanh tra nhân dân được điều chỉnh từ Luật Thanh tra sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để phản ánh đúng bản chất của Thanh tra nhân dân là hoạt động giám sát của người dân ở cơ sở. Tuy nhiên đề nghị cần quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra nhân dân, tránh trùng lặp với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, quy định rõ về tên gọi, cách thức triển khai thực hiện quyền thanh tra, cơ chế hoạt động...

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đa số các đại biểu cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với phạm vi bao quát, toàn diện là rất cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Đa số các đại biểu đồng tình với quy định về Thanh tra nhân dân được điều chỉnh từ Luật Thanh tra sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để phản ánh đúng bản chất của Thanh tra nhân dân là hoạt động giám sát của người dân ở cơ sở.

Cần quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra nhân dân, tránh trùng lặp với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Tại Chương V, ngoài các quy định về Thanh tra nhân dân tại các điểm 58, 59, 60, 61 đã quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân, đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị bổ sung thêm các điều, khoản quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban giám sát đầu tư cộng đồng nhằm tạo cơ sở pháp lý và hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư phòng, chống tham nhũng lãng phí, nâng cao chất lượng công trình, dự án trên địa bàn và ở địa phương.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh nhận thấy, đây là một luật rất gần gũi và thực tiễn trong hoạt động của đời sống cũng như trong tổ chức thực hiện các hoạt động tại cơ sở. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng hơn để trình Quốc hội thông qua để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân và khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và là sản phẩm hội tụ kết tinh ý Đảng, lòng dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Thảo luận về quy định này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, quy định về Thanh tra nhân dân được điều chỉnh từ Luật Thanh tra sang luật này để thực hiện hoạt động giám sát của nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân do dân bầu. Tuy nhiên, hoạt động của Thanh tra nhân dân còn rất hạn chế do không có đủ điều kiện, thời gian, trình độ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ hoặc các kiến nghị của Thanh tra nhân dân được xem xét cũng vẫn còn bỏ ngỏ. Có trường hợp ngại làm phiền lòng chính quyền nên cũng không mạnh dạn tham gia góp ý, chủ yếu thông qua Mặt trận và hoạt động của các cấp ở xã. Do vậy, để Thanh tra nhân dân hoạt động hiệu quả, đúng tính chất, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị cần quy định rạch ròi, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra nhân dân, tập huấn chuyên môn, kỹ năng cho hoạt động này được thực hiện dễ dàng. Mặt khác, Ban Thanh tra nhân dân hoạt động có sự trùng lắp, chồng lấn với Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, đây là mô hình tự quản của người dân, đại biểu đề nghị cần lồng ghép, sắp xếp lại với nhau để hoạt động có hiệu quả. Đại biểu nhận thấy, thực tế có người dân tự giác làm công việc nhưng lại không có chế độ nên có lúc cũng xao lãng công việc, do tùy nơi Ban Thanh tra nhân dân hoạt động còn hình thức, nên đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ, xem xét lại hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong dự án Luật này.

Góp ý về quy định Thanh tra nhân dân tại dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đồng tình chuyển từ Luật Thanh tra sang Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về tên gọi, cách thức triển khai thực hiện quyền thanh tra, cơ chế hoạt động ra sao hay chỉ giới hạn ở quyền được kiến nghị, thời gian, nguồn lực thực hiện nhiệm vụ sao cho đúng nghĩa, về hoạt động đảm bảo theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi 

Đại biểu Trần Thị Hồng An nêu rõ, thực tế trong thời gian qua, hoạt động Thanh tra nhân dân tại các cơ quan nhà nước chưa thật sự hiệu quả, Thanh tra nhân dân thực hiện ở cộng đồng thì chỉ có hoạt động của Ban Giám sát cộng đồng thực hiện đối với một số công trình, dự án. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, sự tham gia ở mức độ về được biết và hoàn thiện thủ tục về hành chính, một phần do năng lực, một phần do cơ chế, một phần là chưa quan tâm và quan trọng là tính pháp lý hoạt động của Ban Giám sát cộng đồng trong thời gian qua. Qua đó, đại biểu Trần Thị Hồng An kiến nghị Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm về hoạt động thanh tra, kiểm tra tại dự thảo Luật Thanh tra nhằm phân biệt được hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm tra, hoạt động giám sát, tránh chồng chéo, trùng lặp để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét về tên gọi của Ban Thanh tra nhân dân cho phù hợp với hoạt động này tại cơ sở. Ngoài ra cần quy định thời gian bầu Ban Thanh tra này sao cho thuận tiện, phù hợp với thực tế và nên chăng rà soát bầu cùng với việc bầu trưởng thôn, ấp, khu phố.

Xem xét bỏ Khoản 2 Điều 59 của dự thảo Luật để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Tán thành việc chuyển quy định hiện hành do Luật Thanh tra điều chỉnh sang Luật này điều chỉnh, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc đề nghị nghiên cứu phương án phù hợp hơn về tên gọi Ban Thanh tra nhân dân. Bởi ngoài các lý do đã nêu trong báo cáo còn để phù hợp với các phương thức thực hiện dân chủ cơ sở tại quy định khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật. Đồng thời, theo quy định tại Điều 58 về nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân, theo đại biểu, việc đổi tên thành Ban giám sát là một phương án để nghiên cứu.

Về quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân tại khoản 2 Điều 59, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị không nên tiếp tục kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật Thanh tra năm 2010. Khi cần thiết được Chủ tịch Ủy ban cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định. Bởi vì quy định này một mặt đã phủ định tính độc lập trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, biến tổ chức này thành chủ thể giúp việc cho đối tượng chịu sự giám sát và khó có thể hoạt động khách quan khi đối tượng chịu sự giám sát lại có thể giao nhiệm vụ cho chủ thể có quyền giám sát.

Mặt khác, theo đại biểu Trần Nhật Minh, quy định này cũng chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 61 về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã và khoản 1 Điều 63 về hoạt động của Báo Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ quan tâm về Khoản 2 Điều 59 dự thảo Luật quy định “khi cần thiết được chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định”. Đại biểu cho rằng, quy định này vô hình chung đã biến chủ thể giám sát thành người giúp việc cho đối tượng chịu giám sát và chưa đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn. Do đó, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị xem xét bỏ quy định này để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Thống nhất với một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đã nêu, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đồng tình với việc chuyển các quy định về Ban Thanh tra nhân dân sang Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bởi vì, theo định hiện hành thì Ban Thanh tra nhân dân được lập ở xã, phường, thị trấn do Mặt trận Tổ quốc hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động. Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp do công đoàn cơ sở cơ quan, doanh nghiệp hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động. Đại biểu nêu rõ, thực tiễn cho thấy, hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn cơ bản là hiệu quả, tuy nhiên, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp... còn khó khăn và hiệu quả thấp. Chính vì vậy, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, bên cạnh các quy định như trong dự thảo luật lần này, nên có những cơ chế để đảm bảo cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động hiệu quả, chất lượng hơn trong thời gian tới.

Quy định về Thanh trân nhân dân như dự thảo Luật là chưa đầy đủ và sẽ đi vào tình trạng hoạt động hình thức

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Bày tỏ quan điểm khác với các đại biểu đã nêu, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu đề nghị không nên quy định về Thanh tra nhân dân trong dự án Luật này thì nhiều ý kiến sẽ không tán thành với quan điểm của đại biểu Trịnh Xuân An. Tuy nhiên, đại biểu thấy rằng, chế định về Thanh tra nhân dân là một chế định hình thức và lâu nay dường như bỏ quên chế định này trong Luật Thanh tra.

Hiện chúng ta đang xác định Thanh tra nhân dân ở trong luật này tại Chương V, chúng ta đang gắn Thanh tra nhân dân với Mặt trận Tổ quốc và gắn Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị với công đoàn, hoạt động phụ thuộc vào Mặt trận và Công đoàn. Trong khi đó, ở cơ sở, xã, phường, thị trấn, chúng ta có Hội đồng nhân dân cũng là một cơ quan đứng ra để giám sát, cơ quan của người dân, bây giờ chúng ta lại có Thanh tra nhân dân, ngoài ra còn có Ban Giám sát đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là gắn với 2 cơ cấu rất quan trọng, 2 tổ chức quan trọng đó là Mặt trận Tổ quốc và Công đoàn. Đại biểu Trịnh Xuân An đặt câu hỏi, liệu có cần thiết phải xây dựng một mô hình nhiều cơ quan để thực hiện chức năng giám sát và kiểm tra?

Bên cạnh đó, chúng ta còn chưa phân biệt được giữa giám sát và kiểm tra ở cơ sở hay không. Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị phải cân nhắc rất kỹ. Nếu đã quy định Thanh tra nhân dân trong dự án Luật thì đại biểu nhận thấy, quy định như Chương V là chưa đầy đủ và sẽ đi vào tình trạng hoạt động rất hình thức và lâu nay không được quan tâm. Do đó, đại biểu đề nghị quan tâm thêm đến vấn đề này, đặc biệt nếu đã xác định có vai trò của Mặt trận Tổ quốc, trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chương giám sát, có vai trò Công đoàn thì đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần cân nhắc mô hình của Thanh tra nhân dân theo quy định của dự án Luật này./.

Bích Ngọc