Thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, trong thời gian qua, tại nhiều bệnh viện, Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh là một nguồn tài chính hiệu quả hỗ trợ cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, lang thang, cơ nhỡ, là giải pháp hỗ trợ tài chính cho người bệnh cùng với các nguồn tài chính khác từ ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế hay tiền túi từ phía người bệnh. Do đó, việc duy trì Quỹ này là thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW về “nâng cao hiệu quả Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo”. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh theo hướng chỉ thành lập tại các cơ sở khám, chữa bệnh và bổ sung quy định về cơ chế quản lý Quỹ để việc quản lý, sử dụng Quỹ được hiệu quả, minh bạch; có thể giao Chính phủ quy định cụ thể về Quỹ này.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính thống nhất khi áp dụng, nhất là với những khái niệm mới, khái niệm còn có những cách hiểu khác nhau, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, chuẩn hóa các khái niệm được nêu tại Điều 2 của dự thảo Luật, như thuật ngữ “khám bệnh”, “chữa bệnh”, và bổ sung giải thích các thuật ngữ “chăm sóc’, “chẩn đoán”, “cấp cứu viên ngoại viện”, “dịch vụ khám, chữa bệnh”, “thiết bị y tế”, “bệnh viện hoạt động không vì mục đích lợi nhuận”, “biện pháp y khoa”, “người bệnh”, “dinh dưỡng”, “kỹ thuật y”, “cơ sở dịch vụ chẩn đoán”, “bệnh xá”, “chuỗi hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh”, “phạm vi hành nghề”, “điều trị”, “dinh dưỡng lâm sàng”, “điều trị nội trú ban ngày”, “nội trú tổng quát”. Đồng thời, cần rà soát, thu hút việc giải thích từ ngữ ở các điều, khoản cụ thể trong dự thảo Luật về Điều này.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Về quy định liên quan đến hồ sơ bệnh án, Ủy ban Xã hội cho rằng, việc thực hiện quy định về hồ sơ bệnh án chưa được đánh giá, tổng kết trong khi thực tế cho thấy có nhiều bất cập, vướng mắc trong việc tiếp cận, khai thác hồ sơ bệnh án, đặc biệt là trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm muốn tiếp cận hồ sơ bệnh án trong quá trình thực hiện thủ tục giám định. Đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Về giải quyết đối với người bệnh không có người nhận và giải quyết đối với người bệnh tử vong, Điều 66 của Dự thảo Luật quy định Chính phủ quy định cụ thể việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho các đối tượng là người bệnh không có người nhận tại khoản 5 Điều 65 và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận thi thể và tổ chức mai táng đối với trường hợp tử vong tại cơ sở khám, chữa bệnh và không có người nhận tại điểm e, khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 66. Ủy ban Xã hội cho rằng, việc bổ sung các nội dung này xuất phát từ thực tiễn, song, khi triển khai sẽ làm phát sinh ngân sách nhà nước và tăng trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp xã nên cần được tổng kết, đánh giá tác động chính sách, xác định nguồn lực thực hiện, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình và tiến hành đánh giá tác động cũng như lấy ý kiến thêm.
Về xử lý chất thải y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, việc xử lý chất thải y tế đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, do đó, để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị Điều 64 của dự thảo Luật nên quy định theo hướng dẫn chiếu cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và đề nghị không định nghĩa và liệt kê các loại chất thải như quy định tại khoản 1 vì chưa bao quát được hết các loại chất thải.
Toàn cảnh phiên họp
Đối với quy định khám, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, qua thực tiễn công tác khám, chữa bệnh trong các đợt dịch COVID-19, Cơ quan soạn thảo đã bổ sung chính sách vào dự thảo Luật và Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với chính sách này. Việc thực hiện cơ chế tài chính đối với hoạt động khám, chữa bệnh trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh được áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định theo cơ chế đặc biệt, đặc cách, đặc thù, chưa có tiền lệ và được Quốc hội quyết định dựa trên đề xuất của Chính phủ.
Tuy nhiên, quy định về vấn đề này chủ yếu được nêu lại từ Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, do đó, để đảm bảo tính ổn định của chính sách, ứng phó với mọi tình huống tương tự như bệnh dịch thời gian vừa qua, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiến hành đánh giá tác động theo quy định, tiếp tục nghiên cứu điều kiện cụ thể áp dụng quy định này và quy định mang tính nguyên tắc về cơ chế tài chính nhằm đảm bảo phù hợp với cơ chế huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện và pháp luật về ngân sách nhà nước, phòng chống thiên tai và phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Về khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật bổ sung 01 chương với 02 điều quy định về ưu đãi và việc tổ chức khám, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám, chữa bệnh.
Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là chính sách mới so với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật nhưng chưa được đánh giá tác động, các hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, đào tạo chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám, chữa bệnh là các hoạt động có nội hàm riêng biệt. Do đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo cần tiến hành đánh giá tác động theo đúng quy định, đặc biệt đối với chính sách ưu đãi đối với cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; quy định cụ thể, riêng biệt đối với từng hình thức tổ chức khám, chữa bệnh để có cách thức quản lý, ưu đãi phù hợp; chuyển các nội dung về điều kiện cấp phép hoạt động đối với các cơ sở này về mục 1 của Chương IV về hình thức tổ chức và điều kiện hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời, rà soát với pháp luật về thuế, doanh nghiệp, đầu tư... đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.