BÁO CHÍ – NHỊP NỐI QUỐC HỘI VỚI CỬ TRI

20/06/2022

Báo chí đã và đang là một phần thiết yếu trong các hoạt động của nghị trường. Dấu ấn của báo chí ngày càng đậm nét trong quá trình Quốc hội “thực hành dân chủ”. Báo chí chính là cầu nối giữa Quốc hội với người dân và thông qua báo chí Quốc hội có thể lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân gửi tới cơ quan dân cử.

Báo chí chính thức được tham dự các kỳ họp của Quốc hội kể từ khi có Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992. Tiếp đó, Bản Hiến pháp năm 2013 đã đưa vào cụm từ “Quốc hội họp công khai” (Điều 83); khoản 2, Điều 93 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 cũng quy định “cơ quan báo chí có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội”… Những quy định này được ban hành đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho báo chí tham dự các kỳ họp của Quốc hội. Báo chí thực sự trở thành cánh tay nối dài không thể thiếu, truyền tải hoạt động của Quốc hội đến với cử tri, Nhân dân; tuyên truyền đưa Luật, Nghị quyết vào cuộc sống và ngược lại báo chí phản ánh “hơi thở” của cuộc sống tới Quốc hội.

Theo đó, ngoài được mời tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội, trước khi khai mạc kỳ họp, chậm nhất là 15 ngày (đối với kỳ họp thường lệ) và chậm nhất là 4 ngày (đối với kỳ họp bất thường), dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội phải được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (khoản 2 Điều 91). Ngoài ra, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, trước phiên khai mạc và sau phiên bế mạc mỗi kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội có trách nhiệm tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ cho báo chí về kỳ họp và kết quả kỳ họp. Trong trường hợp cần thiết, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thức về sự kiện diễn ra tại kỳ họp Quốc hội. Đặc biệt, trong mỗi kỳ họp Quốc hội, các cơ quan báo chí, thông tấn còn được tạo điều kiện thuận lợi tác nghiệp tại khu vực dành riêng cho báo chí để tham dự, đưa tin, bảo đảm việc đưa tin chính xác, khách quan và kịp thời theo quy định của pháp luật về báo chí…

Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phỏng vấn đại biểu bên hành lang Quốc hội.

Thực tế đã chứng minh, báo chí là kênh thông tin kịp thời, sống động, đa chiều, giúp Quốc hội, đại biểu Quốc hội nắm bắt kịp thời diễn biến của đời sống xã hội. Với Quốc hội, báo chí đóng vai trò không thể thiếu, là cầu nối giữa Quốc hội với người dân, giúp đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, phát hiện các vấn đề trong cuộc sống; đồng thời báo chí là kênh truyền tải hoạt động của Quốc hội đến với cử tri và Nhân dân cả nước. Vì vậy, vai trò của báo chí với Quốc hội ngày càng được coi trọng. Ý thức trách nhiệm của các nhà báo ngày càng được nâng cao, từ trách nhiệm chính trị đến trách nhiệm công dân. Điều này đã giúp cử tri, cộng đồng xã hội tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật.

Ngày 15/6/2021, tại cuộc gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong hoạt động của Quốc hội. Là cơ quan dân cử, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân cả nước, tất cả thông tin về tổ chức, hoạt động của Quốc hội không thể đến được với cử tri và Nhân dân trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài nếu không có sự đóng góp của các cơ quan thông tấn, báo chí. Qua báo chí, cử tri giám sát được hoạt động của Quốc hội và ngược lại, các "sản phẩm" của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng không thể đi vào cuộc sống nếu cuộc sống không đi vào hoạt động của Quốc hội. Không chỉ có đại biểu, các cơ quan của Quốc hội đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường mà vai trò của báo chí trong vấn đề này cũng hết sức quan trọng.

Như vậy, có thể thấy, báo chí đã và đang là một phần thiết yếu trong các hoạt động của nghị trường, đối với Việt Nam dấu ấn của báo chí ngày càng đậm nét trong quá trình Quốc hội “thực hành dân chủ”. Khi báo chí đưa tin về các hoạt động của Quốc hội, những bài phát biểu, phần chất vấn của đại biểu Quốc hội có sức nặng hơn, có sức lan tỏa rộng lớn hơn, giúp thúc đẩy giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn các vấn đề vướng mắc trong thực tế cuộc sống. Vì vậy, chất lượng hoạt động và vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng lên.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, báo chí góp phần không nhỏ vào thực hiện nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Phát biểu tại buổi họp báo kết thúc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, trong hoạt động của Quốc hội, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri, góp phần không nhỏ vào thực hiện nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Với vai trò phương tiện cung cấp thông tin thiết yếu của đời sống xã hôi, các cơ quan thông tấn báo chí đã bám sát và phản ánh kịp thời, đầy đủ tới cử tri và Nhân dân cả nước về các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, báo chí đã kịp thời truyền tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân tới diễn đàn Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri giám sát hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Góp phần vào thành công chung của kỳ họp nói riêng, hoạt động của Quốc hội nói chung luôn có sự đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí, từ trung ương tới các địa phương.

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV, trước yêu cầu thực tiễn, Quốc hội đã linh hoạt bổ sung vào chương trình kỳ họp, quyết định tăng thời lượng truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhiều phiên thảo luận tại hội trường để thông tin rộng rãi tới cử tri và Nhân dân cả nước, qua đó tạo điều kiện để Nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, cùng với sự đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động, Quốc hội và các cơ quan thông tấn báo chí không ngừng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội. Hiện nay, số lượng các cơ quan báo chí, phóng viên tham gia đưa tin về hoạt động của Quốc hội tang đáng kể, trong đó có nhiều cơ quan báo chí có những bài viết chất lượng, phân tích, bình luận sâu sắc, thu hút sự quan tâm theo dõi của độc giả và cử tri cả nước.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội Khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục bám sát, đồng hành với Quốc hội, không chỉ ở các kỳ họp Quốc hội, mà cả trong thời gian giữa các kỳ họp Quốc hội để chuyển tải kịp thời hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tới cử tri, nâng cao nhận thức của người dân để người dân ngày càng hiểu, ủng hộ các quyết sách của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới, phát huy tính sáng tạo đảm bảo thông tin về hoạt động của Quốc hội trở nên chuyên sâu và thu hút hơn với các bài viết phân tích, bình luận với những nội dung, chính sách được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua. Phản ánh kịp thời những vấn đề còn tồn tại trong cuộc sống, đi sâu, đi sát vào những vấn đề dân sinh nóng bỏng, những mối quan tâm của người dân để phân tích, lý giải, qua đó góp phần hình thành mối quan hệ mật thiết giữa Quốc hội và Nhân dân….

GS.TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội​ trả lời phóng viên báo chí bên hành lang Quốc hội.

Với mong muốn đóng góp nhiều nhất vào công cuộc phát triển đất nước và đưa tiếng nói của người dân đến nghị trường, GS.TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội là một trong số đại biểu thường xuyên trả lời phỏng vấn báo chí, với những chia sẻ đầy nhiệt huyết và trách nhiệm. Đại biểu cho rằng, báo chí vừa là cầu nối Quốc hội với cử tri, vừa có vai trò quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Các hoạt động của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các kỳ họp của Quốc đều được báo chí phản ánh đầy đủ, kịp thời tới Nhân dân và cử tri cả nước.

Báo chí đưa “hơi thở” cuộc sống, truyền tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân phản ánh tới Quốc hội, đại biểu Quốc hội; đồng thời báo chí cũng là kênh để đại biểu thể hiện quan điểm, đóng góp ý kiến với cơ quan thực thi pháp luật, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, lãnh đạo Quốc hội đã xin ý kiến của Đại biểu và thống nhất tăng thời lượng truyền hình trực tiếp các phiên họp của Quốc hội trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Điều này cho thấy sự quan tâm của Quốc hội với báo chí và báo chí có vai trò ngày càng quan trọng trong truyền tải thông tin về hoạt động của Quốc hội tới cử tri.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đánh giá cao các cơ quan báo chí của Quốc hội (Truyền hình Quốc hội Việt Nam, báo Đại biểu Nhân dân) đã liên tục cập nhật về hoạt động của Quốc hội, hoạt động của đại biểu Quốc hội. Đại biểu cho rằng, Nhân dân ngày càng quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, vì vậy cần tăng cường hơn nữa thời lượng truyền hình trực tiếp các phiên họp của Quốc hội để hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và Nhân dân.

Bên lề hành lang Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn các cơ quan báo chí, nhà báo thời gian qua đã cùng đồng hành với đại biểu Quốc hội, Chính phủ tuyên truyền, vận động Nhân dân, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao để các chủ trương, chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, đại Hoàng Thị Thanh Thúy thay mặt cho các đại biểu Quốc hội, mong muốn thời gian tới các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho các hoạt động truyền thông nói chung, cũng như các hoạt động của Quốc hội nói riêng./.

Lan Hương