LÀM RÕ NỘI DUNG MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ VỀ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

20/06/2022

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, dự thảo Luật đã được sửa đổi theo hướng xác định các trường hợp được miễn trừ, trách nhiệm pháp lý, làm rõ các điều kiện đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian để được hưởng quyền miễn trừ, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế có liên quan.

 

Toàn cảnh phiên họp

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, có ý kiến cho rằng quy định tại Điều 198b chưa làm rõ được nội dung miễn trừ, có thể gây ra các vướng mắc khi áp dụng trên thực tế. Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định lại cho chặt chẽ hơn. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trình tự, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc gỡ bỏ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và thống nhất với ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 87/BC-CP để chỉnh lý cụ thể, chặt chẽ hơn quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 198b theo hướng: xác định các trường hợp được miễn trừ, làm rõ và minh bạch hơn các điều kiện đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian để được hưởng quyền miễn trừ, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế có liên quan trong Hiệp định EVFTA.

Đối với trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc gỡ bỏ nội dung thông tin số vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là nội dung thuộc trách nhiệm chung trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet đã được quy định tại khoản 2, đồng thời được xác định cụ thể hơn trong một số trường hợp tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 198b; trình tự thực hiện trách nhiệm này là nội dung thuộc phạm vi thủ tục, nghiệp vụ chuyên môn, vì vậy xin giao Chính phủ quy định chi tiết như tại khoản 6 Điều 198b của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, có ý kiến cho rằng để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị giao Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Bộ Tài chính quy định chi tiết nội dung: tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan “Được giữ lại một khoản tiền trên tổng số tiền bản quyền thu được để chi cho việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức trên cơ sở thỏa thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền” tại điểm đ khoản 3 Điều 56. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tại khoản 6 Điều 56 đã có quy định giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này (trong đó có quy định tại điểm đ khoản 3), do đó đã bảo đảm tính thống nhất như ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng quy định Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền tại điểm c khoản 3 Điều 56 sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, không phù hợp với nguyên tắc của Luật và kinh tế thị trường. Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ nội dung này như dự thảo Luật vì các lý do sau: Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được thành lập theo quy định pháp luật về hội, hiện nay mỗi lĩnh vực chỉ được thành lập một tổ chức để đại diện cho các tác giả, chủ sở hữu ủy quyền; việc quy định cơ quan có thẩm quyền phê duyệt biểu mức do tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan xây dựng trước khi thực hiện là để tránh lạm dụng vị thế độc quyền của tổ chức đại diện tập thể trong mỗi lĩnh vực.

Khoản 3 Điều 44a trong dự thảo Luật đã quy định các căn cứ phê duyệt biểu mức tiền bản quyền làm cơ sở cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt cụ thể để bảo đảm chặt chẽ. Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, các tổ chức này mong muốn có sự phê duyệt của cơ quan nhà nước để bảo đảm công khai, công bằng, minh bạch và thuận lợi trong triển khai hoạt động thanh toán tiền bản quyền.

Ngoài ra, về cấp lại, cấp đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, có kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện việc cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này tại khoản 5 Điều 49 của dự thảo Luật.

Minh Hùng