LÀM RÕ BẢN CHẤT VÀ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG TRONG LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

22/06/2022

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng là “bộ phận công chúng có liên quan biết đến”, tiêu chí này cũng phù hợp với các khuyến nghị về nhãn hiệu nổi tiếng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về giải thích “nhãn hiệu nổi tiếng”; tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng, có ý kiến đề nghị giải thích cụ thể, chặt chẽ hơn cụm từ “Nhãn hiệu nổi tiếng” tại khoản 20 Điều 4; đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được đại bộ phận công chúng có liên quan biết đến và được cơ quan có thẩm quyền công nhận.”.

Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, mỗi loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể có bộ phận công chúng mua bán, sử dụng khác nhau. Do đó, việc đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng trên cơ sở toàn bộ hay đại bộ phận công chúng biết đến là không phù hợp mà chỉ nên giới hạn ở “bộ phận công chúng có liên quan biết”, tiêu chí này cũng phù hợp với các khuyến nghị về nhãn hiệu nổi tiếng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế, nhãn hiệu nổi tiếng được xác định thông qua việc công nhận (không thông qua thủ tục đăng ký bảo hộ) của cơ quan có thẩm quyền, nhưng việc công nhận này được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp cụ thể (công nhận thụ động) và theo tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng. Vì vậy, nếu thể hiện quy trình “công nhận” nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 4 sẽ dẫn đến phải có một quy trình công nhận chủ động (nộp đơn yêu cầu công nhận nhãn hiệu nổi tiếng), như vậy sẽ không phù hợp với bản chất của việc xác định nhãn hiệu nổi tiếng cũng như pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế hiện nay.

Toàn cảnh phiên họp

Về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ, có ý kiến đề nghị chỉnh lý lại quy định tại Điều 72 để bảo đảm thống nhất với Điều 18.18 của Hiệp định CPTPP, cụ thể là“Một Bên có thể yêu cầu phải có bản mô tả ngắn gọn và chính xác, hoặc bản thể hiện dưới dạng đồ họa, hoặc cả hai nếu phù hợp, của nhãn hiệu”. Có ý kiến cho rằng quy định về điều kiện để bảo hộ là “dấu hiệu âm thanh dưới dạng đồ họa” cần được cân nhắc vì chưa thực sự phù hợp; đề nghị quy định cụ thể hơn về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã bảo đảm thống nhất với nội dung tại Điều 18.18 của Hiệp định CPTPP, đồng thời quy định cụ thể một số nội dung về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm tính khả thi như sau: Căn cứ Điều 18.18 của Hiệp định CPTPP cho phép quốc gia thành viên lựa chọn nhãn hiệu thể hiện dưới dạng đồ họa, Điều 72 đã ghi nhận quy định về “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”; đối với nội dung về “bản mô tả ngắn gọn và chính xác” đã được bao hàm trong quy định tại khoản 2 Điều 105, cụ thể là “Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có)”.

Cùng với đó, để làm rõ hơn nữa các quy định này, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào khoản 2 Điều 105 nội dung “nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó”.

Nội dung chi tiết về nhãn hiệu âm thanh “thể hiện được dưới dạng đồ họa” dự kiến được quy định cụ thể trong văn bản hướng dẫn để phù hợp với điều kiện về cơ sở hạ tầng, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp và thực tế thi hành tại các nước thành viên Hiệp định CPTPP. Cách tiếp cận này được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước như Anh, Thụy Điển, Liên minh Châu Âu, New Zealand, Singapore. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Về khả năng phân biệt của nhãn hiệu, có ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm a và điểm b khoản 2 dấu hiệu âm thanh để thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 72. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xác định thế nào là “âm thanh đơn giản” là khó và phức tạp, bởi không như các dấu hiệu nhìn thấy được, việc nghe và cảm thụ khác nhau về cùng một âm thanh dẫn tới việc đánh giá một âm thanh là đơn giản hay phức tạp sẽ khác nhau. Đối với dấu hiệu âm thanh trong tác phẩm, việc bảo hộ đã được thực hiện thông qua cơ chế quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tác phẩm âm nhạc (bài nhạc, bài hát, soundtrack...), vì vậy việc sử dụng không xin phép sẽ cấu thành hành vi xâm phạm và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với dấu hiệu mang tính chức năng của sản phẩm hoặc dịch vụ đã được thể hiện thông qua các quy định tại điểm c khoản 2 về các dấu hiệu chỉ “tính chất, công dụng” của hàng hóa, dịch vụ, do đó xin không bổ sung trong Luật mà sẽ được hướng dẫn cụ thể tại các văn bản dưới Luật.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, điểm e khoản 2 Điều 74 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định dẫn chiếu đến Điều 95 và Điều 96 trong dự thảo Luật. Đối với đề nghị bỏ đoạn cuối điểm e khoản 2 Điều 74, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo Luật để bảo đảm thực hiện hai mục tiêu của chính sách này là: Nhãn hiệu đối chứng phải là nhãn hiệu được bảo hộ theo hình thức nộp đơn; Nhãn hiệu đối chứng được bảo hộ theo hình thức nộp đơn này phải trên cơ sở có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn.

Minh Hùng