PHÂN ĐỊNH RÕ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA THANH TRA BỘ, THANH TRA TỔNG CỤC, TRÁNH CHỒNG CHÉO, TRÙNG LẮP

22/06/2022

Tham gia thảo luận về nội dung quy định về Thanh tra Tổng cục, Cụ thuộc Bộ trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có quy định phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, xác định rõ phạm vi thanh tra của mỗi cơ quan để tránh chồng chéo, trùng lắp.

 

Đại biểu Vũ Huy Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tham gia ý kiến

Thảo luận về nội dung quy định về Thanh tra Tổng cục, Cụ thuộc Bộ trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Vũ Huy Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cụ thuộc Bộ là cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Đại biểu cho rằng, trên thực tế hiện nay đã có hơn 50 cơ quan cấp Tổng cục, Cục tuy không có tổ chức thanh tra chuyên ngành độc lập nhưng đã được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, đúng chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì trong luật phải quy định những nguyên tắc, tiêu chí cơ bản để làm căn cứ thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Đối với các cơ quan khác thuộc Chính phủ thì việc thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành cần hết sức hạn chế. Đại biểu cũng đề nghị trong dự thảo luật cũng như các tài liệu trình có liên quan không dùng từ “Bộ thuộc Chính phủ”, chỉ sử dụng bộ, ngành, còn các cơ quan thuộc Chính phủ thì mới có chữ “thuộc Chính phủ” theo quy định của pháp luật hiện nay.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Vũ Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọbày tỏ thống nhất theo ý kiến giải trình của Thanh tra Chính phủ về bổ sung tiêu chí thành lập Thanh tra Tổng cục, Cụ thuộc Bộ. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung quy định tổ chức Thanh tra Cục thuộc Tổng cục ở những lĩnh vực mà có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành lớn, phức tạp, cụ thể, với ngành thuế, thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp và thực hiện hậu kiểm là chính, do đó cần cân nhắc bổ sung quy định thanh tra với cục thuế các địa phương.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng việc tổ chức Thanh tra tổng cục và cục đảm bảo thể hiện đầy đủ, chính xác yêu cầu thực tế về việc tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số tổng cục, cục thuộc bộ, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng chỉ nên tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các tổng cục có phạm vi, đối tượng quản lý lớn và có tổ chức theo ngành dọc ở các địa phương như: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan. Việc tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các cục cần có sự cân nhắc, xem xét kỹ, do tất cả các bộ đều có cơ quan thanh tra, việc tổ chức thêm bộ phận thanh tra riêng của các cục là không thực sự cần thiết, dễ dẫn đến chồng chéo, lãng phí. Đồng thời, đại biểu đề nghị cần có quy định phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, nếu đã có tổ chức cơ quan Thanh tra tổng cục thì sẽ thu hẹp phạm vi thanh tra của Thanh tra bộ. Theo đó, lĩnh vực nào, địa bàn nào mà Thanh tra tổng cục thực hiện thì Thanh tra bộ thôi không thực hiện để tránh chồng chéo, trùng lắp.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Quốc Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Long Ancho rằng việc thành lập thanh tra cấp Tổng cục, Cục cần phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với Thanh tra Bộ, không dàn đều ở tất cả các Cục, Tổng cục. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo quy định cụ thể về tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra cấp Tổng cục, Cục vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, vừa đảm bảo tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Theo đó, các Tổng cục, Cục, Bộ hiện đang được giao nhiệm vụ, chức năng thanh tra chuyên ngành cần phải rà soát lại, cơ quan nào thật sự cần thiết và có khả năng thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì mới được thành lập cơ quan thanh tra. Qua đó, góp phần tinh gọn bộ máy, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra như quan điểm xây dựng dự luật đã đưa ra.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Bày tỏ quan điểm về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ và tương đương, đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng quy định này kế thừa hợp lý quy định của Luật Thanh tra năm 2004. Đây là nội dung quan trọng của dự thảo luật tuần này, có ảnh hưởng lớn đến tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra, đặc biệt là hoạt động thanh tra chuyên ngành. Vì vậy, cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và toàn diện.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng cho biết, từ Luật Thanh tra năm 2004 đến trước khi Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực, cơ quan thanh tra đã được thành lập ở nhiều tổng cục, cục trực thuộc bộ, cục thuộc tổng cục. Thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, toàn bộ hệ thống các cơ quan thanh tra ở các tổng cục, cục chuyển đổi thành các bộ phận hoặc đơn vị tham mưu về công tác thanh tra thực hiện hoạt động thanh tra theo chức năng, nhiệm vụ của các tổng cục, cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Kéo theo đó là sự thay đổi, điều chỉnh về chế độ, chính sách và các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ công chức từ các ngành, thanh tra viên chuyển sang chuyên viên thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Đến nay, sau hơn 11 năm, cơ quan chủ trì soạn thảo lại đề xuất quay lại mô hình tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành ở cấp tổng cục, cục trực thuộc bộ như trước đây. Do vậy, đại biểu đề nghị, cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về tác động, đặc biệt là đối với đội ngũ công chức đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hiện nay tại các tổng cục, cục trực thuộc bộ. Bên cạnh đó, để đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đại biểu đề nghị quy định ngay trong luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại tổng cục, cục, không giữ như dự thảo luật hiện nay là giao Chính phủ quyết định thành lập. Đặc biệt các tiêu chí nguyên tắc thành lập phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn quản lý thực sự cần thiết mà không dàn đều, dàn trải ở tất cả các tổng cục, cục.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, đồng thời với việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục trực thuộc bộ thì cần thiết kế quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Thanh tra của Bộ để vừa không chồng chéo, trùng lặp, vừa không đùn đẩy trách nhiệm và không né tránh trách nhiệm. Đại biểu đề nghị quy định theo hướng trường hợp tổng cục, cục trực thuộc bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành thì không giao thanh tra bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực tổng cục, cục đó phụ trách. Thanh tra Bộ chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với ngành, lĩnh vực mà tổng cục, cục thuộc bộ không có cơ quan thanh tra chuyên ngành.

Hồ Hương