HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN AIPACODD 5: VIỆT NAM NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM MA TUÝ, CAI NGHIỆN MA TÚY

28/06/2022

Tham dự Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy AIPACODD 5 với chủ đề "Cùng nhau giải quyết thách thức vì một ASEAN không ma túy” vừa qua, Đoàn ĐBQH Việt Nam đã có báo cáo quốc gia về công tác hợp tác quốc tế phòng, chống ma tuý.

 

Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Tham dự có: Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Campuchia Kittisethabindit Cheam Yeap; các nghị sĩ đại diện cho 8 Nghị viện thành viên AIPA; Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân và Ban Thư ký AIPA; đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương; các quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy (ASOD) và cơ quan quốc gia về đấu tranh phòng, chống ma túy của Campuchia (NACD). Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm và Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung.

Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên đã thông qua Chương trình nghị sự và Chương trình làm việc; đồng thời nghe Báo cáo của Liên Hợp quốc về ma túy và tội phạm; Báo cáo của ASEAN về ma túy; Báo cáo của các quốc gia thành viên AIPA.

Cũng tại Hội nghị trực tuyến, đại diện Đoàn Việt Nam cho biết về kết quả công tác phòng, chống tội phạm ma tuý và công tác cai nghiện ma túy.

Về kết quả công tác phòng, chống tội phạm về ma tuý, Bộ Công an đã phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện có hiệu quả 6.156 yêu cầu liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm.  liên quan đến ma túy, giám sát chặt chẽ 103 trang facebook, website đăng tải thông tin, bài viết, hình ảnh liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma túy; khai thác, xử lý và cung cấp 2.371 bản tin cho các đơn vị, địa phương xử lý.  Qua tin báo, các đơn vị, địa phương đã giúp bắt 156 đối tượng, thu giữ 203 bánh heroin, 233,5 kg + 238.990 viên ma túy tổng hợp, 08 khẩu súng và nhiều tài liệu liên quan. 

Đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam cho biết, tính đến tháng 5/2022, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 10.777 vụ, 16.354 đối tượng phạm tội về ma túy;  thu giữ: 396,82kg hêrôin; 56,67kg cần sa; 688,11kg + 1.818.935 viên ma túy tổng hợp;  76,95kg thuốc phiện, cùng nhiều tang vật chứng.

Về kết quả cai nghiện, điều trị nghiện ma túy, Đoàn ĐBQH Việt Nam cho biết, tính đến tháng 12/2021, cả nước có hơn 205.818 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (khoảng 96,2% là nam giới, 3,8% là nữ giới), chiếm khoảng 0,24% dân số cả nước, tăng trên 10% (tương đương 23.869 người). Trong đó, có 43,2% người nghiện đang được điều trị Methadone, cai nghiện tập trung và quản lý tại trại giam, trại tạm giam, số còn lại đang sinh sống ngoài cộng đồng (56,8%).

Trong năm 2021, do bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên cả nước diễn biến hết sức phức tạp, người nghiện ma túy ngoài cộng đồng tăng cao do không được đưa đi cai nghiện bắt buộc vì một số địa phương tạm dừng không tiếp nhận người nghiện vào cơ sở cai nghiện ma túy, đây cũng là nguy cơ gây mất an ninh, trật tự ở nhiều địa phương, gây ra những khó khăn, thách thức rất lớn trong công tác tổ chức can thiệp dự phòng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy. Đặc biệt, tình trạng sử dụng trái phép ma túy tổng hợp đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm sinh lý người nghiện, nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi (ngáo đá) gây ra các vụ án mạng, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, lo lắng, bất bình trong dư luận.

Tất cả các địa phương đều có người nghiện ma túy, ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi song chủ yếu trong độ tuổi lao động, chiếm 0,36% từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; 84,9% dưới 45 tuổi. Số người nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định chiếm tỷ lệ lớn (86,6%). Tỷ lệ người nghiện từng bị xử lý hình sự về ma túy chiếm hơn 28% và 11,5% về các tội khác. Đáng báo động tình hình người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến (chiếm 4,86%), số người nghiện tử vong do quá liều hàng năm tăng lên; việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây rối loạn tâm thần “ngáo đá” dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật và gây ra các vụ án giết người vô cớ tạo bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Đoàn ĐBQH Việt Nam nêu rõ, dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, hoạt động thương mại trong nước và quốc tế trở lại bình thường, tình hình tội phạm ma túy sẽ diễn biến rất phức tạp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Đoàn ĐBQH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Trong thời gian tới, để làm tốt công tác nắm tình hình, phòng, chống ma túy, Đoàn ĐBQH Việt Nam cho rằng cần triển khai các nội dung của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn Luật sớm được thi hành và đi vào cuộc sống; Chủ động phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời báo cáo lãnh đạo các cấp tháo gỡ; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện nghiệp vụ đấu tranh mạnh với tội phạm ma túy, xác minh truy bắt các đối tượng truy nã về ma túy, tập trung xác lập các chuyên án ma túy lớn, xuyên quốc gia, đấu tranh làm rõ tuyến đường vận chuyển ma túy, đặc biệt từ nước ngoài vận chuyển vào Việt Nam; củng cố chứng cứ truy nã quốc tế và phối hợp với cơ quan chức năng các nước tổ chức truy bắt các đối tượng chủ mưu, cầm đầu hiện đang sống ở nước ngoài; là đầu mối hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; đầu mối thông tin về phòng, chống tội phạm ma túy theo các tuyến trọng điểm và trên toàn quốc.

Ngoài ra, cần làm tốt công tác rà soát, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; tăng cường lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và khuyến khích cai nghiện tự nguyện; Quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống, kiếm soát ma túy và dự phòng, điều trị, cai nghiện ma túy phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Đồng thời, có biện pháp thu hút nguồn lực xã hội hóa.

Đoàn ĐBQH Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, nhất là với Lào, Trung Quốc, Campuchia. Thúc đẩy hợp tác song phương, khu vực và quốc tế, thông qua chia sẻ thông tin, hợp tác qua biên giới, duy trì và mở rộng các dự án/chương trình, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực nhằm đối phó với vấn đề ma túy thế giới và khu vực một cách hiệu quả hơn, đặc biệt trong thời kỳ hậu dịch Covid-19. Đặc biệt, tăng cường gắn kết giữa Hội nghị Hội đồng tư vấn Liên minh nghị viện các quốc gia Đông Nam Á về ma túy lần thứ 5 (AIPACODD) với các cơ chế hợp tác khu vực hiện có về kiểm soát ma túy, như: Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy (AMMD), Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy (ASOD)./.

Lê Anh