PGS.TS NGUYỄN VĂN DỮNG: CHUYẾN THĂM CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI MỞ RA THỜI KỲ MỚI, ĐẨY NHANH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU HỢP TÁC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VIỆT NAM - HUNGARY

01/07/2022

Theo dõi chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Hungary, PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho rằng, những Thoả thuận hợp tác, Biên bản ghi nhớ, các văn kiện được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ mở ra thời kỳ mới, gợi mở những hợp tác lâu dài, đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu trong hợp tác phát triển giáo dục Việt Nam – Hungary.

Ký kết Thoả thuận hợp tác mới giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hungary

Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam – Hungary đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Hungary. Chuyến thăm quan trọng của lãnh đạo cấp cao Việt Nam nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện và quan hệ Nghị viện tốt đẹp giữa Việt Nam và Hungary trong bối cảnh hai nước trong giai đoạn phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái sau đại dịch COVID-19.

Đồng thời, chuyến thăm nhằm tái khẳng định cam kết chính trị thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary phát triển sâu rộng, hiệu quả và làm sâu sắc hơn quan hệ Nghị viện giữa hai Quốc hội. Hai Chủ tịch Quốc hội ký Thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác thường xuyên và thiết thực giữa hai Quốc hội cho giai đoạn mới (thay cho Thỏa thuận ký năm 2008), tập trung vào: Tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc giữa các Lãnh đạo, các cơ quan của Quốc hội và các Nghị sỹ hữu nghị hai nước: Tổ chức hội thảo, tọa đàm lập pháp về những nội dung hai bên cùng quan tâm trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Quốc hội hai nước; trao đổi thông tin về các hoạt động lập pháp, về điều ước quốc tế song phương, đa phương mà hai bên là thành viên và các hoạt động khác của Quốc hội; Tăng cường tiếp xúc, tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn Nghị viện đa phương mà Quốc hội hai nước là thành viên.

Quan tâm và theo dõi sự kiện ngoại giao quan trọng này, PGS.TS Nguyễn Văn Dững- nguyên Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ thông tin và Truyền thông cho rằng, những Thoả thuận hợp tác, Biên bản ghi nhớ, các văn kiện được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ mở ra thời kỳ mới, gợi mở những hợp tác lâu dài, đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu trong hợp tác phát triển giáo dục Việt Nam – Hungary.

PGS.TS Nguyễn Văn Dững- nguyên Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông

Phóng viên: Trải qua hơn 70 năm, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hungary đã có những bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực. Ông có nhận định gì về sự phát triển của mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp này?

PGS.TS Nguyễn Văn Dững: Có thể thấy rằng, ngay từ khi mới thiết lập quan hệ ngoại giao, Hungary đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ quý báu trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ quý báu và ủng hộ của Hungary trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong xây dựng đất nước ngày nay.

Trong tiến trình đồng hành và xây dựng mối quan hệ bền chặt, Việt Nam và Hungary đã hợp tác chặt chẽ và tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, từ pháp luật, tư pháp, văn hóa, giáo dục đào tạo, thể thao… Đặc biệt, nhân chuyến thăm Hungary năm 2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên cơ sở quan hệ truyền thống tốt đẹp hai nước, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện. Điều này thể hiện quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương.

Về hợp tác nghị viện, Quốc hội hai nước Việt Nam – Hungary luôn tích cực mở rộng phạm vi hợp tác, giữ gìn và phát huy mối quan hệ gắn bó, thường xuyên có các chuyến thăm và làm việc với nhau. Quốc hội hai nước luôn có sự ủng hộ lẫn nhau và sự hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả tại các diễn đàn nghị viện đa phương; cùng nhau đóng góp nhiều sáng kiến cho các tổ chức nghị viện khu vực và thế giới.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã nhiều lần tới thăm và làm việc tại Hungary như chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng năm 2008; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân năm 2017; Đoàn Hội đồng Dân tộc năm 2011; Đoàn Ủy ban Quốc phòng và An ninh năm 2012; Đoàn ban Công tác Đại biểu năm  2012; Đoàn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng kết hợp với Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt – Hungary năm 2013… Quốc hội hai nước đã phối hợp tổ chức Tọa đàm chuyên đề lần thứ nhất về “Hoàn thiện pháp luật trong quá trình Hội nhập quốc tế” tại Hungary và Tọa đàm chuyên đề lần thứ 2 về "Phát triển nông nghiệp bền vững và An toàn thực phẩm" tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan của hai nước.

Về hợp tác kinh tế, hai nước tiếp tục có bước phát triển tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam –Hungary năm 2020 tăng 40% so với năm 2019. Trong hợp tác quốc tế, Hungary đã tích cực ủng hộ việc ký kết, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và là quốc gia thành viên đầu tiên trong EU phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Hungary coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chính sách hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với việc cam kết vốn vay ưu đãi để thực hiện những dự án trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác của hai nước

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và văn hóa, quan hệ hai nước cũng có những bước tiến đáng ghi nhận trong thời gian qua. Hungary đã thành lập Trung tâm Văn hóa và Cộng đồng Hungary tại Hà Nội, tiếp tục ưu tiên học bổng cho sinh viên Việt Nam, tiếp nối truyền thống tốt đẹp giữa hai nước khi trước đây phía Hungary đã hỗ trợ đào tạo cán bộ, chuyên gia cho Việt Nam, đồng thời Hungary đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Hungary hòa nhập sở tại. Đây là nhân tố quan trọng góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, hai dân tộc.

Phóng viên: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam vừa có chuyến thăm chính thức Hungary theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér. Theo dõi sự kiện ngoại giao quan trọng này, ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được của chuyến thăm?

PGS.TS Nguyễn Văn Dững: Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam – Hungary đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã thăm chính thức Cộng hòa Hungary. Theo tôi, Chuyến thăm này của Chủ tịch Quốc hội có ý nghĩa to lớn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Bởi vì chuyến thăm là minh chứng rất rõ nét cho việc tiếp tục thực hiện quan điểm đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều đối tác quan trọng. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần vào việc tăng cường nguồn lực cho phát triển, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của Cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước. Đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ, hiệu quả và có bước phát triển mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér tại Lễ đón chính thức

Hoạt động nào của Chủ tịch Quốc hội trong chuyến thăm này tôi cũng quan tâm và nhận rõ sự thành công nổi bật. Ngoài các cuộc làm việc giữa nghị viện hai nước, Chủ tịch Quốc hội đã chứng kiến, tham dự các cuộc làm việc về các lĩnh vực kinh tế, giáo dục… Có thể nói, các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội đều đem lại ý nghĩa thiết thực, tạo ấn tượng rõ nét.

Tuy nhiên, với các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, ngoài làm sâu sắc thêm quan hệ chính trị, thì cái chính là tìm kiếm cách thức mở rộng thị trường, tìm kiếm nguồn đầu tư để phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội của đất nước mình. Do đó, việc tiếp xúc sâu với các doanh nghiệp, các nhà quản lý có ý nghĩa trực tiếp; giúp các nhà quản lý, các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quan điểm phát triển của Đảng và Nhà nước Việt Nam, để họ có định hướng chiến lược đầu tư.

Hơn nữa, Hungary là đất nước thuộc Đông Âu - Liên Xô trước đây, có quan điểm phát triển độc lập, tạo nền phát triển bền vững cho đất nước, mà không bị chi phối bởi bên ngoài; là cơ sở bền vững giúp Việt Nam đặt niềm tin chiến lược trong quan hệ và phát triển. Đây cũng là khu vực Chủ tịch Quốc hội đã từng có thời gian đào tạo, nghiên cứu, do vậy có thể nói, Chủ tịch Quốc hội có những hiểu biết sâu sắc về văn hóa, đất nước và con người nơi đây. Điều đó rất quan trọng cho hoạt động đối ngoại của đất nước.

Theo dõi chuyến thăm, tôi được biết, ngoài cũng cuộc tiếp xúc, trao đổi, làm việc cấp cao, Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam – Hungary. Tôi đặc biệt quan tâm sự kiện này và cho rằng những hoạt động thiết thực này đã mở ra thời kỳ mới, gợi mở những hợp tác lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, nhất là là sự hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam- Hungary.

Đặc biệt, tại diễn đàn, Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Hungary đã chứng kiến lễ trao 9 Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa các trường đại học của hai nước. Đó là các trường Đại học Quốc gia Hà Nội với Đại học Eotvos Lorand, Đại học Szeged; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường đại học Obuda; Trường Đại học kinh tế quốc dân và Trường đại học Obuda; Trường Đại học Mỏ địa chất và Trường đại học Obuda; Trường Đại học Y dược Hồ Chí Minh và Trường Đại học Semmelweis; Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Corvinus, Budapest; Trường Đại học Bách khoa – Đại học quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đại học Eötvös Loránd; Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Trường Đại học Eötvös Loránd.

Phóng viên: Đánh giá quan hệ hợp tác, phát triển, hai nước Việt Nam-Hungary đã đạt được những thành tựu quan trọng, vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp đặc biệt của hợp tác giáo dục và đào tạo. Ông có đề xuất gì cho lĩnh vực hợp tác này gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới?

PGS.TS Nguyễn Văn Dững: Đúng như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và các đai biểu của Đoàn Việt Nam, mặc dù cách xa về mặt địa lý nhưng Việt Nam, Hungary là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về truyền thống văn hóa, lịch sử. Trải qua hơn 72 năm quan hệ hợp tác, phát triển, hai nước Việt Nam-Hungary đều đã đạt được những thành tựu quan trọng, vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp đặc biệt của hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam, Hungary.

Qua theo dõi hoạt động ngoại giao, tôi có nắm được rằng, Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Chính phủ Hungary và Việt Nam năm 2013 là một minh chứng rõ ràng cho những cam kết nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai bên, nhất là từ khi hai bên nâng cấp quan hệ hợp tác lên đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2018.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ ký thoả thuận hợp tác giữa các trường đại học hai nước tại Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam – Hungary

Hiện nay có khoảng hơn 600 du học sinh Việt Nam đang học tập, công tác tại Hungary. Tới nay, Hungary đã đào tạo cho Việt Nam hơn 4.000 du học sinh có trình độ cao về khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế và các lĩnh vực, trong đó, nhiều người đã trở thành các nhà lãnh đạo quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam, các nhà khoa học trong các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nhân thành đạt trên các lĩnh vực.

Điểm mấu chốt có thể khẳng định là, kết quả chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu tới Hungary và các văn kiện được ký kết tại diễn đàn sẽ mở ra thời kỳ mới, đẩy nhanh hơn nữa, hiện thực hóa các cam kết, các mục tiêu trong hợp tác phát triển giáo dục Việt Nam - Hungary.

Để sự hợp tác này tiếp tục được củng cố và phát triển trong tương lai, tôi có đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Hungary, các cơ quan đại diện của Hungary ở trong cũng như ngoài nước phải luôn coi trọng hợp tác với các trường đại học quốc tế để thúc đẩy quan hệ hợp tác. Tăng cường tổ chức các Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hungary để tạo cơ hội cho các trường đại học hai nước mở rộng quan hệ, trao đổi kinh nghiệm, gợi mở những hợp tác lâu dài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo hai nước.

Thứ hai, thúc đẩy trao đổi một số chủ đề có nhiều dư địa để phát triển như: Chuyển đổi số trong giáo dục đại học; Hợp tác trong y dược giữa Việt Nam-Hungary; đổi mới và số hóa; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các trường đại học Hungary…Tin tưởng, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa hai nước sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới.

Thứ ba, các trường đại học và các Bộ, ngành chủ quản cần nỗ lực, nghiêm túc thực hiện 9 Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các trường đại học của hai nước Việt Nam - Hungary đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm. Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những nền tảng, là vốn quý tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam-Hungary trong giai đoạn tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Hương