PHẢI THẤY ĐƯỢC BỨC TRANH TỔNG THỂ CỦA VẤN ĐỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

08/07/2022

Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Công thương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Phó Trưởng Đoàn giám sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi nhấn mạnh, đánh giá việc thực chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần thấy được bức tranh tổng thể về vấn đề này.

Toàn cảnh buổi làm việc

Trong giai đoạn 2011-2022, thực hiện nhiệm vụ là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ; đồng thời phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.

Trong gần 12 năm thực thi vừa qua, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ; đồng thời kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam”. Công tác xây dựng thể chế được các cấp, các ngành quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đáp ứng các yêu cầu cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam và xu hướng phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thế giới; thực thi hiệu quả hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; lồng ghép các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nhiều văn bản, lĩnh vực chuyên ngành có liên quan, trong đó, nổi bật là lĩnh vực thương mại điện tử, quản lý thị trường; hình thành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và hệ thống các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước; nâng cao nhận thức của xã hội đối với sự quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội; kêu gọi và tăng cường trách nhiệm của các chủ thể trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để ban hành và thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án, kế hoạch về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như thúc đẩy lồng ghép bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các lĩnh vực chuyên ngành; khẳng định vai trò và những đóng góp của Việt Nam đối với sự phát triển chung của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khu vực và trên thế giới…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một chủ trương quan trọng được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng nhằm hoàn thiện thể chế, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Ngày 17/11/2010, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và hàng loạt các Nghị quyết, Chương trình hành động liên quan đến lĩnh vực này. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, tại thời điểm ban hành năm 2010 và qua quá trình thực hiện, nhiều nội dung quy định của Luật đã thể hiện được tính thống nhất, phù hợp đảm bảo hiệu quả trong quá trình triển khai. Đồng thời, ngay trong quá trình khai, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện tổng kết, đánh giá định kỳ theo năm, theo giai đoạn năm và 10 năm đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, đặc biệt các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật. Trên cơ sở đánh giá, kết quả nêu trên, năm 2019, Bộ Công Thương đã đề xuất các cấp có thẩm quyền xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện tại Bộ đang trong quá trình nghiên cứu, sửa Luật. Thông qua buổi làm việc với Đoàn giám sát, Bộ Công Thương sẽ phối hợp để làm rõ các vấn đề liên quan, nhằm tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật này.

Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương, các đại biểu quốc hội và các chuyên gia cho rằng, hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người dùng đã được ban hành một cách kịp thời, nhanh chóng, đồng bộ và có sự rà soát, điều chỉnh, cập nhật để phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước thực tiễn, góp phần tạo động lực thúc đẩy và khuyến khích sự tham gia của xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phó Trưởng Đoàn giám sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi phát biểu

Phó Trưởng Đoàn giám sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương cũng như sự chuẩn bị nghiêm túc của Bộ cho buổi làm việc với đoàn giám sát.

Phó Trưởng Đoàn giám sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho rằng, Báo cáo của Bộ Công Thương đã bám sát đề cương của đoàn giám sát, thể hiện cụ thể các nội dung theo yêu cầu. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn giám sát Tạ Đình Thi đề nghị Bộ Công Thương tiếp thu đầy đủ và tiếp tục rà soát, đánh giá và hoàn thiện Báo cáo gửi Đoàn giám sát trước ngày 25/7.

Phó Trưởng Đoàn giám sát- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cũng đề nghị: “Hiện chúng ta đang đánh giá thực chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tức là phạm vi không chỉ bao gồm Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà cả hệ thống pháp luật liên quan và các chính sách, nghị quyết, chỉ thị hay quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ quyền lợi người người tiêu dùng. Để từ đó thấy được bức tranh tổng thể của vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”./.

Thu Phương – Nghĩa Đức