Toàn cảnh Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tham dự phiên khai mạc về phía khách mời có: Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Thị Ánh xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô sách Thực; đại diện các Bộ, ngành trung ương; đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước;…
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chương trình phiên họp kéo dài 1,5 ngày làm việc (từ 11 - 12/7/2022), xem xét, cho ý kiến trực tiếp về 06 nội dung trọng tâm liên quan đến công tác xây dựng pháp luật; các vấn đề kinh tế - xã hội, công tác giám sát, …
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết Kỳ họp thứ ba và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ tư của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ đầu năm 2022, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất (4/01) và Kỳ họp thứ ba (23/5). Cụ thể, tại Kỳ họp thứ ba, sau 19 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Quốc hội đã xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng. Ngay sau khi Kỳ họp kết thúc, cũng đã khẩn trương ban hành một loạt các nghị quyết, ký chứng thực các dự án luật một cách nhanh nhất; Chủ tịch nước đã có lệnh công bố các dự án luật được Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội thông qua,…
Do đó, tại phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có đánh giá chính thức về kết quả của Kỳ họp thứ ba trên cơ sở dự thảo Báo cáo tổng kết của Tổng thư ký Quốc hội đã được tổng hợp từ ý kiến đánh giá của các vị đại biểu Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 13
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc đánh giá tập trung vào phân tích những kết quả đạt được, chỉ rõ nguyên nhân khách quan/chủ quan trong cả khâu công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ họp. Trên cơ sở đó, để đánh giá khách quan kết quả Kỳ họp, những vấn đề cần tiếp tục rút kinh nghiệm đồng thời chỉ rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan; chỉ rõ những điểm mới, nội dung được cải tiến tại Kỳ họp thứ 3, để tiếp tục có những cải tiến, nâng cao chất lượng Kỳ họp với tư cách là một phương thức cơ bản trong tổ chức hoạt động của Quốc hội.
Cũng trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10/2022. Trọng tâm của Kỳ họp thứ tư thường tập trung nhiều vào công tác lập pháp, xem xét thông qua, cho ý kiến lần đầu rất nhiều dự án luật cho ý kiến,…
“Với khối lượng dự kiến công việc lớn tại Kỳ họp thứ tư, công tác chuẩn bị, công tác phối hợp với Chính phủ trong việc phân công các cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan chủ trì thẩm tra các dự án luật cần phải được chú trọng, nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng Kỳ họp…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội còn lưu ý, việc đánh giá, rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ ba còn có ý nghĩa thiết thực trong việc hoàn thiện Đề án nâng hiệu quả chất lượng hoạt động Kỳ họp Quốc hội - một trong những nội dung trọng điểm trong Chương trình Hành động của Đảng đoàn Quốc hội để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng Kỳ họp Quốc hội; việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4;...
Về công tác lập pháp: Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội đây là một trong những Đề án trong 107 nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội khóa XV nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đề án đã được các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu. Trước đó, tại phiên họp tháng 2/ 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với nội dung này.
Nhấn mạnh, đến thời điểm này Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu đã tương đối hoàn thiện. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào một số nội dung chính như: các chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu trong công tác tham mưu về công tác cán bộ, kể cả vấn đề thi đua, khen thưởng theo quy định mới nhất của Đảng và Nhà nước; với tư cách là một cơ quan làm đầu mối cho Quốc hội trong cái việc chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát các cơ quan dân cử địa phương, hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương;…
Về công tác giám sát: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 06/2022 (trong đó công tác dân nguyện tháng 05/2022). Chủ tịch Quốc hội cho biết, kể từ khi đưa công tác dân nguyện trở thành một hoạt động thường xuyên hàng tháng của Ủy ban thường vụ Quốc hội, công tác dân nguyện đã ngày càng trở nên bài bản, nề nếp, chất lượng báo cáo ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, địa phương đều có trách nhiệm cao trong công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, phản ánh của người dân;…
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả khảo sát tiến độ xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông. Nhấn mạnh đây là một nội dung trong giám sát định kỳ, thường xuyên đối với các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là dự án quan trọng không chỉ đối với quốc phòng, an ninh cũng như phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, các địa phương có dự án. Do đó, nội dung thảo luận cần cụ thể, có đánh giá cũng như nhận định rõ ràng để có giải pháp kịp thời.
Về quyết định các vấn đề quan trọng, tại phiên họp thứ 13 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên của dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam từ giai đoạn phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 44/2022/QH15. Dự án đi qua 12 tỉnh, thành phố, với nhu cầu sử dụng đất sơ bộ được xác định. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất tổng hợp từ các địa phương và sau khi thẩm định có chênh lệch so với sơ bộ diện tích chiếm dụng được quy định tại Nghị quyết 44/2022/QH15. Để có cơ sở quyết định dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án.
Chủ tịch Quốc hội cho biết cũng cho biết, đối với nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, các địa phương có liên quan để có tiến hành nghiên cứu thực địa từ tổ chức xây dựng báo cáo thẩm tra đủ điều kiện để trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kịp thời xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung có liên quan đến thẩm quyền, nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết;…
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025./.