PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ KỲ HỌP THỨ 8 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

13/07/2022

Sáng 13/7/2022, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách tại tỉnh Cao Bằng

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu tham dự Kỳ họp 

Dự Kỳ họp, về phía Trung ương có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản; Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ.

Về phía tỉnh Cao Bằng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Hồng Minh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh…

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng Triệu Đình Lê 

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng Triệu Đình Lê cho biết, tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng sẽ xem xét đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tình hình kết quả thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm; thống nhất các giải pháp chủ yếu để thúc đẩy hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra cho năm 2022. Ngoài xem xét các báo cáo, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu, thảo luận, để thông qua 24 Nghị quyết trong đó có một số nghị quyết rất quan trọng như: "Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách địa phương (lần 2); Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022; Quy định mức thu học phí giáo dục mầm non, phổ thông công lập chương trình giáo dục đại trà và giáo dục thường xuyên năm học 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng Triệu Đình Lê nhấn mạnh, những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này có ý nghĩa rất quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. Vì vậy, các vị đại biểu cần tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sâu để có những ý kiến đóng góp sát đúng, có chất lượng cao đối với từng nội dung, nhằm giúp cho Hội đồng nhân dân tỉnh có cơ sở quyết nghị thông qua nghị quyết bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, khả thi, minh bạch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Bích Ngọc báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bích Ngọc cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ước đạt 5,46%, tăng so với cùng kỳ năm trước và cao hơn so với dự kiến mức tăng chung của cả nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 423 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 2.600 tỷ, so với dự toán Trung ương giao đạt 148%; so với dự toán HĐND tỉnh giao đạt 124%. Đặc biệt, du lịch trở thành điểm sáng trong lợi thế phát triển của tỉnh khi số lượt khách và doanh thu du lịch đều tăng so với cùng kỳ năm trước, số lượt khách quốc tế tăng 82%. Tuy nhiên bên cạnh những điểm sáng thì cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Thu nội địa không đạt tiến độ và chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (23%) và tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021). Trồng rừng đạt thấp so với kế hoạch giao. Tình trạng thiếu hụt giáo viên, nhân viên y tế vẫn nghiêm trọng, đặc biệt là tại địa bàn khó khăn.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng trong thời gian vừa qua.

Chỉ rõ những mặt hạn chế cũng như những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong 6 tháng cuối năm cũng như giai đoạn tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Cao Bằng cần tiếp tục quán triệt, tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, về tài chính, ngân sách, đầu tư công; các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phòng chống dịch covid-19 theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Tỉnh uỷ, Trường Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Trần Hồng Minh

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Cao Bằng cần phát huy bề dày lịch sử và văn hóa, bản sắc văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc; khai thác mạnh mẽ lợi thế về phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; Chú trọng đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch; phát huy có hiệu quả các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các giá trị văn hóa dân tộc độc đáo, khác biệt mang đậm bản sắc Cao Bằng như Thác Bản Giốc; Khu di tích lịch sử chiến thắng Đông Khê; Khu di tích mộ anh Kim Đồng; Núi Các Mác. Đồng thời cần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân. Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, tạo nguồn cán bộ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Đề cập tới vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị HĐND tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, bảo đảm đúng vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng các kỳ họp và hoạt động giám sát.

Toàn cảnh Hội nghị

“Mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân phải luôn gần dân, sát dân hơn, có nhiều hình thức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chủ động phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng trong giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại địa phương bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả cao. Phối hợp chặt chẽ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội đối với những quyết sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.” – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng tin tưởng, với sự điều hành quyết liệt, sự đoàn kết, đồng lòng tỉnh Cao Bằng sẽ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và các nhóm giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX đã đề ra, đưa Cao Bằng có những bước phát triển nhanh, bền vững, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Nhân dịp này, nhằm tri ân các gia đình chính sách, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tặng quà 10 hộ gia đình là thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trên địa bàn thành phố Cao Bằng./.

Dương Dung