TRƯỞNG ĐẠI DIỆN UNICEF TẠI VIỆT NAM RANA FLOWERS: SẴN SÀNG HỖ TRỢ VÀ TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ ĐỐI TÁC VỚI QUỐC HỘI VÌ QUYỀN TRẺ EM

15/07/2022

Tại hội thảo Tổng kết Dự án phối hợp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Unicef) giai đoạn 2017- 2021, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam Rana Flowers khẳng định, Unicef sẵn sàng hỗ trợ và mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nhằm thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam, hướng tới không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam Rana Flowers phát biểu

Dự án “Tăng cường năng lực đại biểu dân cử trong việc thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam” giai đoạn 2017 - 2021 được ký kết hoàn thiện vào cuối năm 2017, bắt đầu triển khai các hoạt động cụ thể từ năm 2018. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là cơ quan điều phối và quản lý dự án. Đây là chu kỳ phối hợp thứ ba giữa Ủy ban và Unicef kể từ năm 2006 đến nay. Các hoạt động của dự án đều nằm trong nội dung chương trình công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Ủy ban và phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của dự án; nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong giai đoạn hiện nay.

Mục tiêu của dự án là nhằm góp phần nâng cao năng lực của các cơ quan dân cử trong việc xây dựng và giám sát pháp luật, chính sách liên quan đến quyền trẻ em trên cơ sở phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (Công ước CRC) và các chuẩn mực quốc tế khác; xây dựng môi trường pháp luật và chính sách tốt, có khả năng bảo vệ cho mọi trẻ em. Dự án tập trung vào các hoạt động tăng cường cam kết của các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện quyền trẻ em; tăng cường kiến thức của các đại biểu dân cử về các chuẩn mực quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền trẻ em; lồng ghép các vấn đề về trẻ em vào các văn bản pháp lý phù hợp; xây dựng và áp dụng một số bộ công cụ giám sát việc thực hiên chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em…

Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam Rana Flowers đánh giá đây là cơ hội tuyệt vời để thảo luận quan điểm về các ưu tiên chính dành cho trẻ em Việt Nam, thảo luận cách thức hợp tác hiệu quả tiến tới thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam để cải thiện phúc lợi, tăng cường bảo vệ và phát triển trẻ em, đưa tuổi thơ trở lại đúng quỹ đạo trong thời điểm mà các em đang phải đối mặt với cả những thách thức cũ và mới. 

Theo bà Rana Flowers, COVID-19, biến đổi khí hậu, khủng hoảng có thể đe dọa phúc lợi của trẻ em. Tại Việt Nam, chỉ riêng đại dịch đã gây ra thụt lùi trong một số chỉ số về phúc lợi của trẻ em, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần, dinh dưỡng, học tập, bảo vệ khỏi bạo lực, tiếp cận với nước sạch và vệ sinh và mức độ bao phủ trợ cấp xã hội. Thêm nữa là các tác động của khí hậu của hạn hán và lũ lụt, trẻ em và người nghèo là các nhóm thiệt thòi nhất, do sinh kế và cơ hội của họ bị thu hẹp. 

5 lĩnh vực đáng chú ý là: Trẻ em và phụ nữ dân tộc thiểu số phải chịu thiệt thòi gần như trên mọi chỉ số phát triển bền vững; khoảng cách số giữa các dân tộc; khoảng cách về giới trên một số chỉ tiêu phát triển bền vững; bạo lực vẫn được áp dụng phổ biến như một phương pháp kỷ luật trẻ em tại Việt Nam; Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng vô hình về nước, đây là lĩnh vực đòi hỏi phải hành động khẩn trương, giám sát thường xuyên và có hệ thống. 

Bà Rana Flowers cho rằng, Quốc hội đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy sự tiến bộ trong 5 lĩnh vực trên và tiến bộ về quyền trẻ em nói chung. Với vai trò cụ thể trong công tác xây dựng luật, đại diện tiếng nói cử tri và giám sát của Quốc hội và nhận thấy vai trò then chốt của Quốc hội trong thúc đẩy sự tiến bộ về quyền trẻ em, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam Rana Flowers khẳng định, Unicef  sẵn sàng hỗ trợ và mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nhằm thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam, hướng tới không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong giai đoạn 2022 – 2026.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nội dung Dự án Nâng cao năng lực cho đại biểu dân cử trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em giai đoạn 2022 - 2026. Theo bà Rana Flowers, cần tiếp tục cải thiện năng lực lập pháp, hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng và có sự tham gia của các bên. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò độc lập của Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em; cải thiện phân bổ và khai thác các nguồn lực thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, nâng cao năng lực giám sát và lập ngân sách thân thiện với trẻ em... /.

Thu Phương

Các bài viết khác