CẦN CĂN CỨ TÍNH CHẤT VỤ VIỆC BẠO LỰC GIA ĐÌNH ĐỂ THỰC HIỆN BIỆN PHÁP CẤM TIẾP XÚC

19/07/2022

Thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị dự thảo Luật quy định, căn cứ tính chất vụ việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ áp dụng quyết định biện pháp cấm tiếp xúc để bảo vệ người bị bạo lực gia đình cũng như các thành viên khác trong gia đình.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu ý kiến

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, Điều 33 dự thảo Luật quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền ra lệnh áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong trường hợp bạo lực với người lớn, còn trường hợp bạo lực với trẻ em thì áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo Luật Trẻ em. Qua rà soát Luật Trẻ em, đại biểu Nguyễn Thi Thủy cho rằng, trong Luật Trẻ em không có biện pháp cấm tiếp xúc, tuy nhiên có biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình. Điều kiện để được áp dụng biện pháp này Luật Trẻ em quy định chỉ trong trường hợp trẻ em bị bạo hành bởi chính cha mẹ hoặc là người chăm sóc trẻ. Trong Luật Trẻ em cũng định nghĩa rất rõ là người chăm sóc trẻ bao gồm ba trường hợp: một là người giám hộ, hai là người được giao chăm sóc thay thế và ba là người được giao trách nhiệm phối hợp cùng với cha mẹ chăm sóc trẻ. Như vậy đối chiếu với những trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian vừa qua do các đối tượng là chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ gây ra thì vừa không thuộc trường hợp được áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và cũng vừa không được áp dụng biện pháp là tạm thời cách ly trẻ theo Luật Trẻ em. Đại biểu cho rằng đây là một khoảng trống của pháp luật cần phải rà soát bổ sung ngay trong luật này để kịp thời bảo vệ trẻ em.

Nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo lực gia đình là hết sức quan trọng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trong Luật Trẻ em; bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với đó, đối với biện pháp cấm tiếp xúc, đại biểu đề nghị cho áp dụng đối với trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian chờ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình.

Cùng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết, theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2012-2021 đã ban hành được 4.475 quyết định cấm tiếp xúc để bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Đại biểu đánh giá, đây là con số khiêm tốn so với vụ bạo lực gia đình được báo cáo cũng như số vụ bạo lực gia đình xảy ra trong thực tiễn. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về biện pháp cấm tiếp xúc để tăng cường bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình là rất quan trọng. Đối với thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, dự thảo luật đã quy định "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định biện pháp áp dụng cấm tiếp xúc khi người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp yêu cầu cấm tiếp xúc. Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu thì phải có sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình", tại điểm a khoản 1 Điều 33. Tuy nhiên, nếu người bị bạo lực gia đình là phụ nữ hoặc trẻ em hoặc những người phụ thuộc vào người có hành vi bạo lực gia đình thì về mặt tâm lý luôn e ngại những người có hành vi bạo lực gia đình gây áp lực, trả thù nên có thể có được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình nhằm áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc sẽ rất khó khăn. Do đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị căn cứ tính chất vụ việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình sẽ áp dụng quyết định biện pháp cấm tiếp xúc để bảo vệ người bị bạo lực gia đình cũng như các thành viên khác trong gia đình.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên 

Đối với quy định về chỗ ở của người bị bạo lực gia đình trong thời gian áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, đại biểu tán thành với quy định của dự thảo luật khi trao quyền lựa chọn chỗ ở cho người bị bạo lực gia đình, khoản 4 Điều 33. Trên thực tế, khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nhiều trường hợp nạn nhân chính là người phải ra khỏi nhà, trong khi đó, nạn nhân của bạo lực gia đình thường là trẻ em, phụ nữ, người yếu thế, người cao tuổi, còn đối tượng có hành vi bạo lực gia đình lại đương nhiên được ở nhà. Vậy, việc nạn nhân không được ở đó, thậm chí có khi lại là mong muốn của đối tượng có hành vi bạo lực, do vậy, quy định của dự thảo luật sẽ khắc phục được hạn chế này. Tuy nhiên, đề nghị đánh giá tính khả thi của quy định "người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên. Trường hợp có vật ngăn cách đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu”, khoản 5 Điều 33. Theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, quy định như vậy chưa thật sự rõ ràng, khó đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bị bạo lực gia đình, nhất là trong trường hợp cơ chế giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc chưa đủ mạnh.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang thống nhất cao với mục tiêu phát triển từ sớm, từ xa, hỗ trợ, giúp đỡ tối đa người bị bạo lực gia đình và xử lý hành vi bạo lực gia đình mà dự thảo đã đề ra, cùng với các quy định kèm theo những chế tài thực hiện như quy định về báo tin và xử lý tin báo tố giác về bạo lực gia đình, về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần rà soát, đánh giá kỹ tính khả thi, sự đồng bộ giữa các quy định khác. Tại khoản 1, khoản 2 Điều 29 dự thảo, nếu không làm rõ giới hạn thì việc được sử dụng điện thoại, máy ảnh, máy quay phim và các phương tiện khác có thể dẫn đến vi phạm quyền riêng tư của cá nhân, của gia đình từng người và có thể phản tác dụng.

Góp ý thêm ở Điều 33 của dự thảo luật quy định về cấm tiếp xúc theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nội dung của điều luật này chỉ quy định đó là Tòa án nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án dân sự có liên quan. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 33 là cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án và về nội dung của điều luật thì ở điểm a khoản 1 Điều 34 là Tòa án ra quyết định cấm tiếp xúc khi có yêu cầu của người bị bạo lực gia đình hoặc là người giám hộ hoặc là người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi có sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình. Vì vậy, việc Tòa án ra quyết định cấm tiếp xúc theo điểm a khoản 1 bắt buộc phải có yêu cầu của những người này. Tuy nhiên, ở điểm b khoản 1 điều này lại quy định là Tòa án phải tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc, nếu xét thấy cần thiết, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối. Như vậy, trong điểm a và điểm b khoản 1 của nội dung điều luật rất mâu thuẫn nhau, nghĩa là Tòa án không thể tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi người bị bạo lực gia đình không đồng ý. Trong quy định của khoản 3 Điều 34 cũng như Điều 35 thì việc giám sát quyết định cấm tiếp xúc của Tòa án là do công an cấp xã thực hiện, nhưng 2 quyết định này lại không được gửi cho công an cấp xã.

Hồ Hương