CÒN VƯỚNG MẮC TRONG QUẢN LÝ TÀI SẢN HÌNH THÀNH TỪ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

25/07/2022

Báo cáo với Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, về tình hình quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN, Bộ còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tổ công tác Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), báo cáo công tác thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Bộ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, về tình hình quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN, Bộ còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể, đối với tài sản trang bị, còn khó khăn trong việc xác định phạm vi “Tài sản trang bị” để thực hiện nhiệm vụ KH&CN”,“Tài sản” trang bị để thực hiện nghiệm vụ KH&CN có nhiều loại, gồm: Máy móc, thiết bị; nhà lưới;…phần nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ (để tạo nên máy móc, thiết bị, nhà lưới…) . Tại phạm vi Nghị định chưa rõ được nội dung này.

Về cơ chế tính hao mòn/khấu hao và quản lý, theo dõi tài sản, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 45/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (sau đây gọi là Thông tư Thông tư 45/2014/TT-BTC) có quy định: “ Tài sản cố định hiện có tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều phải tính hao mòn, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2, 3 Điều này”, do vậy, khi nhận giao quyền sử dụng tài sản phải tính hao mòn, không được trích khấu hao để tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp khi tính thuế, trong khi đó giá trị hoàn trả tài sản được giao quyền sử dụng lại dựa trên sổ kế toán tại thời điểm bàn giao, như vậy, không khuyến khích doanh nghiệp nhận giao quyền sử dụng và hoàn trả giá trị tài sản.

Do tính đặc thù trong nghiên cứu KH&CN, một nhiệm vụ KH&CN có thể có nhiều tài sản trang bị (bao gồm cả tài sản cố định hữu hình và vô hình), nhiều loại tài sản hiện nay chưa có quy định hướng dẫn về cách tính thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn tại Thông tư 45/2018/TT-BTC như phần mềm ứng dụng, phần mềm công cụ, hệ thống mã nguồn mở… nên việc theo dõi trên hệ thống sổ sách kế toán còn gặp nhiều khó khăn.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn giám sát với Bộ Khoa học và Công nghệ

Bên cạnh đó, tính thời điểm giữa quy định về xử lý tài sản và hạch toán kế toán đối với tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ thường có độ lệch nhau nên nhiều khi đơn vị gặp khó khăn trong quá trình theo dõi, quản lý tài sản, cụ thể: khi phát sinh mua sắm tài sản từ ngân sách thì đơn vị phải kịp thời hạch toán ghi tăng nguyên giá trị tài sản, đồng thời cuối năm phải thực hiện các bút toán tính khấu hao, trích hao mòn tài sản theo đúng quy định; tuy nhiên chỉ khi nhiệm vụ kết thúc được đánh giá nghiệm thu, có quyết định xử lý tài sản của cấp có thẩm quyền thì đơn vị mới chính thức được giao quyền quản lý tài sản này. Độ chênh lệch về thời gian giữa 2 việc này nhiều khi cách xa nhau dẫn đến khó khăn trong quá trình quản lý, sử dụng, nhất là đối với nhiệm vụ có thời gian thực hiện nhiều năm.

Đối với tài sản trang bị giao không bồi hoàn, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nêu rõ, khoản 1 Điều 19, Điều 20 Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định giao không bồi hoàn phần quyền sở hữu tài sản trang bị thực hiện nhiệm vụ KH&CN, tuy nhiên, Nghị định 70/2018/NĐ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền, quy trình giao không bồi hoàn tài sản trang bị thuộc ngân sách nhà nước hỗ trợ cho nhiệm vụ được ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng số vốn và các chương trình KH&CN theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ có quy định về việc nhà nước chuyển giao không bồi hoàn tài sản trang bị, do vậy, hiện nay, việc chuyển giao không bồi hoàn đối với các tài sản này còn nhiều vướng mắc về thẩm quyền, quy trình.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, về bnhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 30% tổng số vốn, khoản 2, khoản 3 Điều 19, Khoản 2 Điều 21 Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2018 của Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định 70/2018/NĐ-CP) quy định hình thức bán phần sở hữu của nhà nước cho tổ chức, cá nhân chủ trì hoặc tổ chức, cá nhân khác hoặc giao quyền sử dụng tài sản thuộc về nhà nước và  hoàn trả giá trị tài sản thông qua việc thương mại hóa kết quả nhiệm vụ.

Cụ thể: "Giá bán TS được xác định là giá trị còn lại của TS theo sổ kế toán nhân với tỷ lệ hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ. Trường hợp không xác định được giá trị còn lại, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính và các cơ quan khác có liên quan thành lập Hội đồng định giá hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để xác định giá bán TS. Giá bán TS phải đảm bảo phù hợp với giá thị trường của TS cùng loại hoặc TS có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.”

Tuy nhiên, việc tổ chức bán tài sản, tổ chức thẩm định giá, tổ chức Hội đồng thẩm định giá (thành phần, phương thức hoạt động, trách nhiệm của Hội đồng) chưa được quy định trong các văn bản hiện hành.

Ngoài ra, về việc xử lý đối với các dạng kết quả nghiên cứu theo Hợp đồng KH&CN, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, đối với đề tài nghiên cứu KH&CN ứng dụng, sản phẩm (kết quả) gồm: mẫu, sản phẩm; báo cáo, quy trình công nghệ; Sách, báo; Kết quả đào tạo; tài sản trí tuệ; Nguyên lý ứng dụng; Phương pháp; Tiêu chuẩn; Quy phạm; Phần mềm máy tính; Bản vẽ thiết kế; Quy trình công nghệ; Sơ đồ, bản đồ; Số liệu, Cơ sở dữ liệu; Báo cáo phân tích; Tài liệu dự báo (phương pháp, quy trình, mô hình,...); Đề án, qui hoạch; Luận chứng kinh tế-kỹ thuật, Báo cáo nghiên cứu khả thi và các sản phẩm khác; Bài báo; Sách chuyên khảo và các sản phẩm khác.

Đối với dự án sản xuất thử nghiệm: sản phẩm của nhiêm vụ là dây chuyền công nghệ, các thiết bị, quy trình công nghệ đã được ổn định (quy mô, các thông số và tiêu chuẩn kỹ thuật); sản phẩm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; ấn phẩm; đào tạo cán bộ; sản phẩm sản xuất thử nghiệm (chủng loại, khối lượng, tiêu chuẩn chất lượng.

Đối với đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, sản phẩm (kết quả) chính của đề tài là Báo cáo khoa học (báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, báo cáo kiến nghị); kết quả dự báo; mô hình; quy trình; phương pháp nghiên cứu mới; sơ đồ, bản đồ; số liệu, cơ sở dữ liệu và các sản phẩm khác, Bài báo; Sách chuyên khảo và các sản phẩm khác.

Hồ Hương