ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI TỈNH LÂM ĐỒNG: NHIỀU BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG

26/07/2022

Sáng 26/7, tại tỉnh Lâm Đồng, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, dẫn đầu Đoàn công tác, làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Theo các thành viên Đoàn giám sát, vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là cho thuê các biệt thự cũ tại Lâm Đồng còn nhiều bất cập, gây lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Khắc phục tình trạng chuyển nguồn, "có tiền trong kho mà không tiêu được"

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Tiết kiệm, chống lãng phí có mặt ở hầu hết các mặt đời sống xã hội, việc lượng hóa cụ thể rất khó. Vì vậy, chuyên đề giám sát này chỉ chỉ khoanh vào lĩnh vực công. Tuy nhiên, phạm vi chuyên đề này vừa rộng, vừa khó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung vào 7 nội dung trọng tâm, trong đó có việc thực hiện, quản lý sử dụng NSNN; tài sản Nhà nước; quản lý, khai thác sử dụng đất đai, tài nguyên và khoáng sản; công tác sắp xếp, kiện toàn,  tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh Lâm Đồng đã tiết kiệm chi thường xuyên hơn 3.300 tỷ đồng. Lâm Đồng thực hiện Đề án thí điểm Tổ chức quản lý xe ô tô dùng chung tại Trung tâm hành chính tỉnh đã tiết kiệm hơn 9, 9 tỷ đồng, từ 2017-2021. Mặc dù tỉnh cho rằng 100% các đơn vị sự nghiệp công lập khi có tài sản kinh doanh, cho thuê đều được lập Đề án, việc cho thuê đúng mục đích. Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực quản lý đất đai đã thu hồi 501 ha đất qua thanh tra, kiểm tra

Theo ông Vũ Tuấn Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ công tác, việc chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021 lên đến 4.299 tỷ đồng, gấp 6 lần năm 2016. Một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách còn tồn tại nợ xấu, không bảo toàn được vốn, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Công tác quản lý, sử dụng Quỹ biệt thự hiện nay thiếu tính thống nhất.

Ông Vũ Tuấn Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ công tác

Đoàn giám sát cũng đặt vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khi khiều biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng lấn chiếm đất, giao đất xung quanh biệt thự kéo dài nhiều năm chưa xử lý.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đặt vấn đề: “Tại sao những khu biệt thự đẹp thế, khu vực đẹp thế lại không được đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả? Đây không chỉ là khai thác đơn thuần bản thân biệt thự ấy mà còn là cảnh quan thu hút du lịch”.

Ông Nguyễn Hồng Giang - Cục trưởng Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực II, Thanh tra Chính phủ cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị Thanh tra Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ Tài Chính đã có Kết luận. Thanh tra Chính phủ cũng lưu ý việc xử lý 13 biệt thự được thuê từ 2015 nhưng từ đó đến giờ không nộp tiền thuế. Sau đó chúng tôi kiến nghị thu hồi 13 căn biệt thự này, kiến nghị thu hồi nợ ngân sách nhà nước là trên 53 tỷ đồng thời điểm năm 2018. Nhưng đến nay, đơn vị này vẫn tiếp tục sử dụng 13 căn biệt thự này, tiếp tục thuê và thu lợi, không nộp tiền cũ và tiền mới”.

Ông Nguyễn Hồng Giang - Cục trưởng Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực II, Thanh tra Chính phủ

Giải thích cho vấn đề về viẹc cho thuê và xử lý theo Kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, bà Phạm Thị Tường Vân - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính hiện đang được chúng tôi đang tiến hành thực hiện. Chúng tôi sẽ tiến hành nghiêm túc kết luận của Thanh tra, Kiểm toán…”

Qua khảo sát thực tế cho thấy, còn xảy ra nhiều tồn tại hạn chế trong việc quản lý sử dụng đất. Chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư còn hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh quy mô đầu tư của 43 dự án. Có 01 dự án đã đầu tư 142 tỷ đồng phải hủy bỏ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh làm rõ việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, trong đó có phương án xử lý 52.000 ha đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin chi tiết về nội dung buổi làm việc.

Khắc Phục