Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Cần có góc nhìn tài chính, kinh tế-xã hội đối với sự phát triển khoa học, công nghệ và môi trường
Tham dự cuộc làm việc còn có Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội (UBND Tp.Hà Nội) Nguyễn Mạnh Quyền cùng các Ủy viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện một số Sở, ngành, đơn vị của Hà Nội và một số chuyên gia.
Đề cập về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thay mặt cho UBND Tp.Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Trong hơn 10 năm thực thi (2011-2022), các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ; đồng thời kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội đề cập về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại thành phố.
Thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tp.Hà Nội đã triển khai kịp thời các Chỉ thị, Nghị Quyết của Chính phủ về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thành phố đã ban hành đầy đủ các chương trình, kế hoạch đề chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện.
Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương hoạt động có hiệu quả hơn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quan tâm thường xuyên, tạo điều kiện cho các cấp, các ngành tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách đồng bộ, hiệu quả. Các Sở ngành, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội đã nỗ lực triển khai công tác bảo vệ người tiêu dùng theo đúng các quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú, các cấp, các ngành đã vào cuộc tích cực và thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời, từng bước trở thành việc làm thường xuyên của các địa phương, đơn vị cũng như các tổ chức đoàn thể.
Nhận thức của người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi của mình trong tiêu dùng đã từng bước được nâng lên rõ rệt. Công tác thanh tra kiểm tra được tăng cường, xử lý nghiêm các vi phạm của doanh nghiệp, bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng trên địa bàn. Công tác thực thi pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng được được các cơ quan pháp luật thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn những hạn chế. Sau hơn 10 năm thi hành Luật Bảo vệ quền lợi người tiêu dùng và các văn bản liên quan đã xuất hiện những bất cập. Các quy định pháp luật hiện hành chỉ phù hợp với những giao dịch, kinh doanh truyền thống mà chưa theo kịp sự phát triển của hình thức kinh doanh mới, đặc biệt là thương mại điện tử.
Về việc thực hiện các quy định pháp luật về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật: Các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng chưa được quy định hoặc có quy định nhưng theo hướng riêng rẽ, chưa có sự kết nối để tạo hiệu quả điều chỉnh thống nhất. Các yêu cầu, việc phân loại tính chất mức độ khuyết tật của hàng hóa và việc kiểm soát chưa được quy định phù hợp đã tạo khó khăn cho quá trình thực thi của cả cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Việc thực hiện các quy định pháp luật về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung: Các quy định liên quan đến hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chưa thực sự chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi sự phát triển không ngừng của Internet càng làm gia tăng vai trò của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; một số quy định còn thiếu tính linh hoạt, không cho phép tính toán đến hoàn cảnh, lĩnh vực kinh doanh đặc thù của từng loại thị trường.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến chỉ tập trung vào quy định của pháp luật, chưa đi sâu đến việc hướng dẫn về quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện. Việc phối hợp trong công tác phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giữa các Bộ, ngành, địa phương có liên quan còn chưa được triển khai chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với UBND Tp.Hà Nội.
Cơ chế tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của người dân tại cơ quan nhà nước (chủ yếu là một số cấp huyện), chưa được quan tâm, giải quyết triệt để nên chưa phát huy được hiệu quả. Chưa có cơ chế kêu gọi toàn xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt chưa có cơ chế phù hợp để thành lập và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
Công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa phản ánh thực tế và chưa đáp ứng được một phần lớn yêu cầu của xã hội. Nguyên nhân chính là các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý đối với các phản ánh, yêu cầu, khiếu nại, giải quyết tranh chấp còn chưa được xây dựng phù hợp, trong một số trường hợp còn gây ra sự chồng chéo. Một số doanh nghiệp còn chạy theo lợi nhuận, chưa quan tâm đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng dẫn đến vẫn còn sự tranh chấp, khiếu nại của người tiêu dùng với doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp né tránh việc giải quyết quyền lợi khiếu nại của người tiêu dùng. Nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình còn hạn chế, vẫn còn tâm lý e ngại khiếu nại khi quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bà Trần Thị Phương Lan cho rằng: Nhận thức của người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố chưa đầy đủ về quyền lợi của mình, chưa tạo được sức mạnh để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không chân chính tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đối với người tiêu dùng.
Đa số người tiêu dùng trên địa bàn chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của mình như: Mua hàng không lấy hóa đơn, không xem xét xuất xứ hàng hóa, không xem hạn sử dụng sản phẩm, chủ yếu là mua hàng với giá rẻ, mẫu mã đẹp mà không quan tâm đến chất lượng hàng hóa… Ngay cả khi phát hiện mình bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng cũng ngại khiếu kiện, nên chấp nhận thua thiệt, từ đó dễ bị các nhà sản xuất, kinh doanh bất chính lợi dụng, xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Các hội, hiệp hội chưa phát huy được vai trò của mình trong công tác bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Tổ chức bộ máy Hội bảo vệ người tiêu dùng chưa được định hướng thành lập từ Trung ương đến địa phương.
Về nguyên nhân khách quan, hiện nay bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như sự xuất hiện của dịch bệnh Covid - 19 đã làm xuất hiện và thúc đẩy sự phát triển của nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... Do đó, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa hiệu quả. Cán bộ quản lý nhà nước thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kiêm nhiệm nên còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong tham mưu, triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa có ở cấp huyện. Điều này đồng nghĩa với việc ở những nơi đó, người tiêu dùng chưa có điều kiện tiếp cận với Hội khi cần sự giúp đỡ.
Trước những bất cập trên, UBND Tp.Hà Nội có những đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội như cần đánh giá, tổng kết, đánh giá việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2010), trên cơ sở đó xem xét sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan phù hợp với yêu cầu quản lý của đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Bên cạnh đó, việc sửa đổi các Luật cho đồng bộ cần quy định thống nhất giữa Luật nhà ở, Luật đất đai và Luật Bảo vệ người tiêu dùng để đảm bảo cho người tiêu dùng khi tham gia mua nhà chung cư ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư thì hợp đồng đó phải được chủ đầu tư đăng ký và ký kết đúng với mẫu hợp đồng đã đăng ký mới được cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (Việc đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với mua bán căn hộ chung cư chỉ thuần túy nhằm bảo vệ người tiêu dùng dưới góc độ công bằng chung khi ký kết hợp đồng, mà hợp đồng mẫu không có giá trị pháp lý khi đăng ký tài sản, khi xảy ra tranh chấp. Điều 405 Bộ luật Dân sự quy định về hợp đồng theo mẫu, nhưng không quy định về giá trị hợp đồng giao dịch khi hợp đồng không được ký kết theo đúng mẫu đã đăng ký. Luật về nhà ở, Luật đất đai cũng không có sự kết nối với Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nên ngay cả khi người tham gia ký hợp đồng mua nhà chung cư ký với chủ đầu tư hợp đồng mà hợp đồng đó không được đăng ký hoặc không đúng với mẫu đã đăng ký).
Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự có hiệu quả, UBND Tp.Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét hướng dẫn thành lập bộ máy chuyên trách về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương; đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành tham gia công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nghiên cứu bãi bỏ mẫu hợp đồng mua bán điện sinh hoạt trong Danh mục phải đăng ký hợp đồng theo mẫu quy định tại Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Lý do đã có quy định cụ thể tại Thông tư số 19/2014/TT-BCT ngày 18/6/2014 của Bộ Công Thương về ban hành mẫu hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt, các tổ chức, cá nhân tuân thủ đúng các điều khoản trong hợp đồng, không được tự ý sửa đổi. Do vậy, việc đăng ký hợp đồng mẫu về cung cấp điện sinh hoạt tại Sở Công Thương là không cần thiết.
Nghiên cứu bãi bỏ mẫu hợp đồng mua bán/thuê mua căn hộ chung cư trong Danh mục phải đăng ký hợp đồng theo mẫu quy định tại Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Lý do đã có quy định cụ thể tại tại Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.
Ủy viên thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cho ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, các ý kiến cho rằng, Tp.Hà Nội cần tăng cường nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho người dân trong việc tự bảo vệ mình khi mua sắm sản phẩm, hàng hóa thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia khiếu nại, tố cáo các nhà sản xuất, đơn vị vi phạm trên các Kênh tiếp nhận thông tin của người dân, thông qua website, đường dây nóng, hộp thư điện tử hoặc liên hệ trực tiếp tại các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan...
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được thực hiện từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thương mại. Kiểm duyệt thông tin quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội vì quảng cáo đó có thể là quảng cáo cho hàng giả, hàng nhái. Nếu không có sự kiểm soát kỹ thì người tiêu dùng sẽ chịu nhiều thiệt hại. Ngoài ra, việc quản lý Nhà nước như thế nào cần được đề cập rõ hơn.
Một số quan điểm khác cho rằng, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng được hiệu quả hơn, các cơ quan, doanh nghiệp cần chủ động giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trên cả nước; có sự phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ cho các đơn vị trong việc bán hàng giải quyết tranh chấp với khách hàng nhằm giảm bớt thời gian, kinh phí cho các bên.
Đối với thực hiện các quy định pháp luật, Tp.Hà Nội cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Tp.Hà Nội cần tiếp tục tập trung triển khai các chỉ đạo của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; UBND Tp.Hà Nội về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thường xuyên phổ biến, tuyên tuyền chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho hội viên, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; Tích cực phối hợp, hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc cảnh báo những hành vi vi phạm liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng (quảng cáo không trung thực, hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo an toàn thực phẩm...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu kết luận tại cuộc làm việc.
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi ghi nhận những nỗ lực của UBND Tp.Hà Nội trong công tác truyền thông, phổ biến pháp luật đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua nghiên cứu của các Bộ ngành, đơn vị cho thấy, thành phố có nỗ lực trong việc triển khai công tác này trong thời gian qua.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cũng tiếp nhận những khó khăn, thách thức và đề xuất của Tp.Hà Nội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó là nhận thức về người dân về bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của mình còn hạn chế nên thành phố cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về vấn đề này nhiều hơn nữa. Bộ máy, nguồn nhân lực phục vụ, tiếp nhân đơn thư, khiếu nại; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế nên cần được sự quan tâm và làm rõ. Sự phối hợp giữa Hà Nội với các Sở, ban ngành cần được chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, UBND Tp.Hà Nội cần có sự phân tích, báo cáo sâu hơn về thực tế việc thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các số liệu, đề xuất, trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân một cách cụ thể hơn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi yêu cầu UBND Tp. Hà Nội tiếp thu ý kiến của các Sở ngành, đơn vị liên quan và các chuyên gia trong cuộc làm việc để hoàn thiện báo cáo, gửi Ủy ban trước khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét; Đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp để có thêm ý kiến đóng góp cho việc hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)./.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:
Các đại biểu tham dự cuộc làm việc giữa Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với UBND Tp.Hà Nội.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng nêu quan điểm: Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được thực hiện từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thương mại.
Phó Trưởng ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt cho rằng, cần nâng cao nhận thức của người dân đối với bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của mình.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam nêu quan điểm là cần niêm yết và kiểm soát giá các mặt hàng để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, khách du lịch.
Chủ tịch Hội Người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan nêu quan điểm: Tp.Hà Nội cần có số liệu và phân tích rõ hơn về việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại của người tiêu dùng.
Đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông cho ý kiến về việc các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ pháp lý giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng nhằm giảm thiểu thời gian, kinh phí cho các bên.
Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tiếp thu ý kiến của các Sở ngành, đại biểu để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.