ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐỂ TĂNG SỨC CẠNH TRANH CÁC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP

27/07/2022

Đề cập đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Bộ đã luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Tổ công tác Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” với Bộ Khoa học và Công nghệ

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” với Bộ Khoa học và Công nghệ, báo cáo công tác thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Bộ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Bộ đã thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các ban ngành, tỉnh thành thực hiện tốt và hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Về cơ chế điều phối, phối hợp và phân cấp trong quản lý điều hành thực hiện Chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ ngành, địa phương xây dựng hoàn thiện các văn bản, chương trình, đề án khuyến khích phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo được bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2012 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đạt được hiệu quả mục tiêu của Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và đề xuất các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, tăng sản lượng và giá trị để tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; Tập trung nghiên cứu sử dụng giống cây, giống con; các giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học, thu hút doanh nghiệp, huy động nguồn lực... nhằm đạt được mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy 

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2018 về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ miễn giảm tiền thuế sử dụng đất, tiền thuê đất, hỗ trợ tập trung đất đai, tiếp cận hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và thị trường. Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì xây dựng Điều 9 của Nghị định và đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BKHCN ngày 03 tháng 6 năm 2019 về Ban hành Danh mục công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Về kinh phí triển khai Chương trình, trong giai đoạn 2016 - 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ được cấp kinh phí để triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, mặc dù không được giao chủ trì các nhiệm vụ thuộc Chương trình, với trách nhiệm được giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành, địa phương để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, tăng sản lượng và giá trị để tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; Tập trung nghiên cứu sử dụng giống cây, giống con; các giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học, thu hút doanh nghiệp, huy động nguồn lực... góp phần tạo nên những bước tiến mới, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp tại nông thôn.

Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới được sử dụng giống mới… đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Nhiều công nghệ mới được áp dụng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, điều nhân, hạt tiêu và gạo… Từ kết quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của Khoa học và Công nghệ đã đóng góp tăng năng suất, chất lượng cho lĩnh vực nông nghiệp trên 30%.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, khoa học và công nghệ của ngành đã tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề bức xúc thực tiễn đối với các sản phẩm chủ lực của ngành như cây lúa, cây cà phê, cây tiêu, tôm, cá tra, cây lấy gỗ lớn, lợn, gia cầm; đã đặt hàng trực tiếp cho các tổ chức nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng, có sự tham gia của doanh nghiệp, góp phần thay đổi các tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh xuất khẩu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, đã thực hiện thay đổi mô hình canh tác, cơ giới hóa nông nghiệp, thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Hồ Hương