ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP, PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỮU HIỆU GIỮA NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH HÀNG HÓA

27/07/2022

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với thành phố Hà Nội xung quanh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới đây, nhiều đại biểu quan tâm và đề xuất các giải pháp, phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa.

Hà Nội: Đa số người tiêu dùng chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của bản thân


Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trong hơn 10 năm thực thi (2011-2022), các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, so với sự phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của người dân, một số quy định trong dự án Luật không còn phù hợp với thực tiễn. Chính vì vậy, trong tháng 7/2022, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường triển khai Đoàn công tác làm việc tại các địa phương để phục vụ cho việc thẩm tra dự án Luật. Trong thời gian tới, dự kiến tổ chức hội thảo tại Quảng Ninh (vào tháng 8/2022), làm việc với các cơ quan về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), họp thẩm tra sơ bộ; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 (từ ngày 15-19/8/2022); nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo thẩm tra; tổ chức phiên họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra dự án Luật; chuẩn bị nội dung cần báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về dự án Luật; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.


Cuộc làm việc giữa Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với UBND Tp.Hà Nội xung quanh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với thành phố Hà Nội xung quanh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới đây, nhiều đại biểu quan tâm và đề xuất các giải pháp, phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà- Phó Trưởng ban Pháp chế (Tập đoàn Bưu chính viễn thông) cho rằng, theo Điều 31 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông qua thương lượng không áp dụng với trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để tranh chấp được giải quyết một cách đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí của các bên, việc Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 giới hạn như trên là chưa phù hợp với thực tiễn.

Với lý do trên, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần bổ sung quy định tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân  kinh doanh bằng phương thức hòa giải. Việc bổ sung quy định này giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Tòa án hạn chế việc tốn thời gian, nhân lực hơn vào việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh.


Bà Nguyễn Thị Thu Hà- Phó Trưởng ban Pháp chế (Tập đoàn Bưu chính viễn thông).

Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh ở Hà Nội trong thời gian qua chưa phản ánh thực tế và chưa đáp ứng được một phần lớn yêu cầu của xã hội. Nguyên nhân chính do các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý đối với các phản ánh, yêu cầu, khiếu nại, giải quyết tranh chấp còn chưa được xây dựng phù hợp, trong một số trường hợp còn gây ra sự chồng chéo. Một số doanh nghiệp còn chạy theo lợi nhuận, chưa quan tâm đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng dẫn đến vẫn còn sự tranh chấp, khiếu nại của người tiêu dùng với doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp né tránh việc giải quyết quyền lợi khiếu nại của người tiêu dùng. Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình còn hạn chế, vẫn còn tâm lý e ngại khiếu nại khi quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, để công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được hiệu quả và có tính răn đe khi cá nhân, tổ chức mắc sai phạm thì Bộ Công Thương cần chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Bộ Công thương nên sớm hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua; Sớm đưa ra các giải pháp hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, kiến nghị Chính phủ xem xét, định hướng chỉ đạo nghiên cứu, quy định rõ cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội.

Bộ Công thương cũng nên nghiên cứu, xây dựng văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiều dùng để Hội phát huy tốt vai trò tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dung. Qua đó hỗ trợ tích cực cho cơ quan nhà nước, phát huy vai trò cầu nối giữ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ngoài ra, Bộ Công thương nên thường xuyên hỗ trợ tập huấn, đào tạo các nghiệp vụ cho cán bộ các địa phương chuyên ngành theo lĩnh vực về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Kết luận về nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề nghị Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm chỉ đạo, có giải pháp để thực hiện tốt chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thành phố tiếp tục phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Công Thương nghiên cứu sâu và có đóng góp tích cực trong quá trình hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), bảo đảm phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 11 năm thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013, hệ thống các văn bản  pháp luật hiện hành. Mục tiêu lớn nhất là Luật phải được đi vào cuộc sống.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi. Ngoài ra, còn một số kiến nghị cụ thể khác,  đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo tổng hợp, nghiên cứu xử lý theo thẩm quyền và báo cáo kết quả cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Cùng với kết quả giám sát lần này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ có thêm cơ sở thực tiễn để xây dựng báo cáo giám sát gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)./.

Bích Lan