KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ QUYẾT SỐ 1210/2016/UBTVQH13 THEO TRÌNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC RÚT GỌN

29/07/2022

“Để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị theo trình tự, thủ tục rút gọn là cần thiết…” là một trong những kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại cuộc làm việc về đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên quan đến quy định về phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính vào sáng 29/7.

Chủ tịch Quốc hội  Vương Đình Huệ làm việc với các cơ quan về về đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên quan đến quy định về phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính 

Nhiều đô thị khó đạt được tiêu chí theo quy định

Báo cáo tại cuộc làm việc về đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên quan đến quy định về phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau 05 năm thực hiện Nghị quyết, công tác đánh giá, phân loại đô thị đã có nhiều đổi mới, được thực hiện toàn diện, chất lượng hơn từ phát triển kinh tế - xã hội cũng như khả năng, mức độ phát triển đô thị, không chỉ đối với khu vực nội thành, nội thị mà còn đối với cả khu vực ngoại thành, ngoại thị và các khu vực dự kiến thành lập quận, phường. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị và hạ tầng đô thị dần đi vào nề nếp, có kế hoạch, thứ tự ưu tiên, thu hút nguồn lực hiệu quả. Cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng và chỉnh trang, từng bước đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị; diện mạo, kiến trúc cảnh quan đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại,...

Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 1210, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận đối với 05 đô thị loại I, 12 đô thị loại II; Bộ Xây dựng theo thẩm quyền đã ban hành quyết định công nhận đối với 20 đô thị loại III và 197 đô thị loại IV; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 197 đô thị loại V. Đến tháng 6/2021, cả nước có 867 đô thị, trong đó có  02 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I; 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 89 đô thị loại IV và 674 đô thị loại V.

Một số đô thị được nâng loại đô thị, sau đó đã được thành lập thành phố, thị xã; nhiều điểm dân cư nông thôn được đầu tư xây dựng trở thành đô thị loại V đã được thành lập thị trấn trung tâm của huyện – hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn kết phát triển đô thị - nông thôn. Giai đoạn 2016 -2021, Bộ Xây dựng đã tổ chức đánh giá loại đô thị để thành lập 05 thành phố, 14 thị xã, 144 phường trên cơ sở các đơn vị hành chính nông thôn hoặc đô thị hiện có. Những kết quả đó cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết số 1210 đã góp phần hoàn chỉnh hệ thống đô thị của Việt Nam theo hướng văn minh, hiện đại. Theo Kế hoạch phân loại đô thị quốc gia, trong giai đoạn 2021 -2025, hệ thống đô thị của nước ta tăng thêm 08 đô thị loại I, 27 đô thị loại II, 29 đô thị loại III, 143 đô thị loại IV, 256 đô thị loại V; giai đoạn 2026-2030 tiếp tục tăng thêm 11 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 36 đô thị loại III, 134 đô thị loại IV, 200 đô thị loại V.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, những kết quả cho thấy, về cơ bản Nghị quyết số 1210 vẫn đang phát huy tác dụng trong việc đánh giá phân loại đô thị, nhằm nâng cao chất lượng đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, một số quy định trong Nghị quyết số 1210 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể: Một số tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị quy định trong Nghị quyết chưa xem xét đặc điểm vùng miền, yếu tố đặc thù về mức độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm phân bố dân cư, lao động; chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn phát triển của các đô thị như quy mô dân só, mật độ dân số quy định ở mức cao; mối quan hệ giữa phân loại đô thị và công nhận đơn vị hành chính đô thị tương đương còn chưa cụ thể;…

Do đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 là thực sự cần thiết, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn khách quan. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 cùng với việc sửa đổi, bổ sung Ngị quyết 1211/2016/UBTVQH13 sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022 -2030 theo Nghị quyết số 37/NQ-TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị. Vì vậy, để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 về phân loại  đô thị theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tại cuộc làm việc

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân loại đô thị

Theo Bộ trưởng Xây dựng, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân loại đô thị. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị, quy tình, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt đề án phân loại đô thị và các báo cáo phân loại đô thị; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong việc phân loại  đô thị, kiểm tra, giám sát sau công nhận loại đô thị, theo dõi đánh giá khả năng khắc phục các tiêu chí còn yếu, còn thiếu; quản lý chất lượng đô thị sau sắp xếp đơn vị hành chính đô thị phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật có liên quan còn hiệu lực thi hành.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 gồm 02 điều. Điều 1 sửa đổi, bổ sung 04/15 điều (gồm các điều 2, 9, 12 và 13); bổ sung mới Điều 13a; bãi bỏ Điều 14 và thay thế các Phụ lục 1, 2 và 3 của Nghị quyết số 1210. Theo đó, ngoài việc sửa đổi, bổ sung quy định về mục đích, nguyên tắc phân loại đô thị; hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị, rà soát, đánh giá phân loại đô thị; trách nhiệm quản lý, kiểm tra công tác phân loại đô thị và sau khi được công nhận loại đô thị, dự thảo Nghị quyết tập trung bổ sung quy định về phân loại đô thị theo yếu tố vùng miền, sửa đổi quy định về phân loại đô thị áp dụng cho một số đô thị có yếu tố đặc thù. Cụ thể:

Về áp dụng phân loại đô thị theo vùng miền, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung theo hướng các loại đô thị thuộc 04/06 vùng kinh tế - xã hội là Trung du và miền núi phái Bắc, Bắc Trung Bộ và Đuyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long có thể được giảm 02 tiêu chí về quy mô dân số toàn đô thị và mật độ dân số toàn đô thị theo các mức 50%, 60%, 70% và 80% so với mức quy định áp dụng đối với loại đô thị tương ứng; các tiêu chí khác thì phải đạt mức quy định. Đô thị thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ là những vùng có điều kiện phát triển tương đối tốt thì vẫn thực hiện phân loại đô thị theo quy định của loại đô thị tương ứng.

Về áp dụng phân loại đô thị theo yếu tố đặc thù, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định một số đô thị có yếu tố đặc thù để được áp dụng mức thấp hơn của một số tiêu chí, tiêu chuẩn so với quy định chung gồm: đô thị có đường biên giới quốc gia; đô thị ở hải đảo;…

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết còn sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị và rà soát, đánh giá phân loại đô thị; bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra công tác phân loại đô thị và sau khi được công nhận loại đô thị; sửa đổi,ôbổ sung Phụ lục các tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị;…/.

Lê Anh

Các bài viết khác